Tạo tiền đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khai thác khoáng sản
Cho ý kiến về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản chiều nay, 5.11, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cần quy định cụ thể về thu hồi khoáng sản tại các khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình đối với các loại khoáng sản đặc thù; xem xét giao thẩm quyền phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho HĐND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quy định cụ thể về thu hồi khoáng sản tại khu vực có dự án đầu tư
Các ĐBQH tán thành cao với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhận thấy, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của ĐBQH, Đoàn đại biểu Quốc hội; các điểm mới trong dự thảo Luật đã góp phần giải quyết nhiều vướng mắc của các địa phương.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân về cấp, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về cách thức giải quyết đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ và đáp ứng đầy đủ điều kiện gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhưng do điều kiện khách quan (như đợi quy hoạch được phê duyệt, chờ cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ, cơ quan nhà nước chưa xem xét giải quyết).
Quan tâm đến nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị điều chỉnh điểm c khoản 1 Điều 45 dự thảo Luật theo hướng “Giấy phép thăm dò khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp ở khu vực phù hợp với phương án quản lý về địa chất và khoáng sản trong quy hoạch tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật này”.
Về thu hồi khoáng sản, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật về thu hồi khoáng sản tại các khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình đối với các loại khoáng sản đặc thù.
Cụ thể, bổ sung vào Điều 77 dự thảo Luật quy định không thu hồi khoáng sản tại khu vực có dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, các dự án, công trình quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì lợi ích quốc gia, công cộng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh được phép triển khai trên khu vực quy hoạch khoáng sản, khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản.
“Việc quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch trong dự thảo Luật là phù hợp với tính chất đặc thù của quy hoạch khoáng sản, tạo tiền đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này và cũng góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay về khoáng sản”.
Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các công trình, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực nhưng chưa khởi công xây dựng do vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản thì được thực hiện theo Luật này.
Nên giao quyền cho HĐND để rút ngắn thời gian thực hiện
Đối với khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản quy định tại Điều 28 dự thảo Luật, khoản 5 quy định: “UBND cấp tỉnh khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan”.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Huế, như vậy, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 về thẩm quyền phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Khoáng sản thời gian qua cho thấy, việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản gặp nhiều khó khăn do phải trải qua nhiều trình tự thủ tục (xin ý kiến các sở, ngành tại địa phương và các bộ, ngành Trung ương; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với tổng thời gian thực hiện khoảng 3 năm mới hoàn thành. Trong khi đó nội dung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực của các cơ quan chuyên môn của tỉnh.
Do vậy, để thuận tiện và rút ngắn thời gian thực hiện, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị xem xét giao thẩm quyền phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho HĐND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại khoản 2 Điều 50 về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản, dự thảo Luật quy định: “2. Hết thời hạn ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân đã thăm dò không gửi đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò thì mất quyền ưu tiên đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của Chính phủ. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác phải hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này.”.
Tán thành với nội dung trên, tuy nhiên, để bảo đảm minh bạch trong triển khai thực hiện, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị, cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật, hoặc giao Chính phủ, hoặc Bộ, ngành chức năng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết việc cấp phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp mất quyền ưu tiên. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu quy định về việc thông báo công khai để lựa chọn tổ chức, cá nhân cấp phép hay thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nếu đưa khu vực lựa chọn ra khỏi khu vực không đấu giá.