Tạo ưu thế và sức mạnh riêng trong hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị
LTS: Tọa đàm 80 năm 'linh hồn, mạch sống của Quân đội cách mạng' do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức ngày 5-11, nhiều tham luận của các đại biểu, nhà khoa học tiếp tục làm sâu sắc hơn vị trí, vai trò của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản... góp phần xây dựng, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ - một biểu tượng văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Báo QĐND lược trích một số tham luận tại tọa đàm và tham luận gửi đến tọa đàm về nội dung trên.
GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương:
Phát triển lớn mạnh đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí, văn hóa, văn nghệ trong Quân đội
Đảng ta đã khẳng định 3 chức năng của Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Song, từ trong thực tiễn 80 năm qua, cùng với việc hoàn thành xuất sắc 3 chức năng trên, Quân đội đã hình thành và phát triển một đặc trưng riêng, đó là một “đội quân văn hóa”. Trước yêu cầu của thời kỳ mới, công tác văn hóa, văn nghệ, báo chí-truyền thông trong Quân đội sẽ phải gánh vác những nhiệm vụ mới, thách thức mới. Do đó, nhiệm vụ cấp bách và then chốt trong những năm tới là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí-truyền thông có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng; có năng lực, tài năng, uy tín, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tổ chức chỉ huy đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ.
Từ kinh nghiệm 80 năm qua và những năm gần đây, chúng ta có thể nêu lên một số giải pháp để tiếp tục xây dựng đội ngũ hiện nay và đội ngũ kế cận trong tương lai trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí-truyền thông trong Quân đội. Đầu tiên cần phải coi trọng việc giáo dục, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng, năng lực công tác, trình độ chuyên môn cao cho đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí, văn hóa, văn nghệ. Song song với đó, cần quan tâm hơn đến quy hoạch, kế hoạch cụ thể về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ chuyên ngành văn hóa, văn nghệ, báo chí. Bước đầu là tuyển chọn, rèn luyện những thanh niên ưu tú tham gia nhập ngũ để từ đó tạo nguồn thêm nhiều tài năng trên các lĩnh vực, trong đó sẽ có những tài năng sáng tạo văn hóa, báo chí. Mặt khác, đặc điểm mới của Quân đội là sự ra đời, phát triển mạnh và toàn diện một hệ thống các nhà trường Quân đội. Do đó, cần đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí-truyền thông. Đồng thời, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ cán bộ được lao động nghệ thuật, tiếp tục sáng tác, sáng tạo ra các tác phẩm, công trình có giá trị cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.
-----------------------------------------
Trung tướng LÊ PHÚC NGUYÊN, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân:
Xây dựng Báo Quân đội nhân dân thực sự là vũ khí tin cậy, sắc bén
Báo Quân đội nhân dân (QĐND) là một bộ phận quan trọng của báo chí Quân đội và báo chí cách mạng Việt Nam, luôn phát huy tốt vai trò là “tờ hịch cách mạng”, tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Liên tục hơn 74 năm qua, từ khi Báo QĐND ra đời (20-10-1950) đến nay, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục chính trị (TCCT) đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định quan trọng về định hướng phát triển để tờ báo thực sự là vũ khí tin cậy, sắc bén của Đảng, Nhà nước, Quân đội trên mặt trận chính trị, tư tưởng và văn hóa.
Với tầm nhìn và sự nhạy bén, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và TCCT đã sớm chỉ đạo và quan tâm đầu tư phát triển Báo QĐND theo mô hình đa phương tiện, đa nền tảng, đa ngôn ngữ. Đây là hướng đi tất yếu trong kỷ nguyên truyền thông số. TCCT yêu cầu trước hết Báo QĐND phải thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình, không ngừng đổi mới sáng tạo nội dung, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền, phát huy cao nhất vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng dư luận của một tờ báo chính trị hàng đầu trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng, để phát triển tờ báo theo đúng mô hình là cơ quan truyền thông chủ lực, đa phương tiện, giữ vai trò nòng cốt trong định hướng dư luận, trong quá trình triển khai Đề án xây dựng Báo QĐND theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện vẫn cần xác định các ấn phẩm và sản phẩm báo in là những sản phẩm báo chí chủ lực. Đồng thời cần nghiên cứu đổi mới về tổ chức tòa soạn Báo QĐND phù hợp, xây dựng tòa soạn theo mô hình tòa soạn-công nghệ, chú trọng nâng cao năng lực công nghệ để hỗ trợ các hoạt động báo chí. Các phòng, ban của tòa soạn cần được tổ chức như một cơ quan sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện. Nghiên cứu đổi mới quy trình tổ chức sản xuất các sản phẩm thông tin theo phương thức tích hợp, nội dung thống nhất, cách thể hiện linh hoạt. Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi. Báo QĐND cần lập bộ phận nghiên cứu, phát triển mạnh; quy tụ nhiều tài năng về báo chí và công nghệ để nghiên cứu xu hướng phát triển của báo chí và công nghệ truyền thông hiện đại, đồng thời tạo ra những sản phẩm báo chí mang tầm dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
-----------------------------------------
Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN NGỌC HỒI, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân:
Nghiên cứu lý luận quân sự, quốc phòng trong tình hình mới
Lý luận về quân sự, quốc phòng (QS, QP) là bộ phận rất quan trọng trong đường lối cách mạng của Đảng; là cơ sở khoa học để hoạt động QS, QP của các chủ thể luôn đúng hướng và đạt hiệu quả cao. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định: Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng đó, Đảng ta, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận QS, QP. Những năm gần đây, công tác nghiên cứu lý luận QS, QP được đẩy mạnh và đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS, QP, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: Tư duy về quốc phòng, an ninh, đối tác, đối tượng, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới và ngày càng hoàn thiện... Nhận thức và giải quyết các mối quan hệ với đối tác, đối tượng có bước chuyển quan trọng. Đã ban hành và triển khai đồng bộ các chiến lược quan trọng, như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng...
Các vấn đề lý luận về mục tiêu, nhiệm vụ, sức mạnh, lực lượng bảo vệ Tổ quốc; phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cơ chế lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và nền quốc phòng toàn dân; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân; xây dựng thế trận phòng thủ quân khu và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố); xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân, cùng những vấn đề mới về nghệ thuật quân sự; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy trong tình hình mới... đã được tập trung nghiên cứu, góp phần bổ sung, phát triển, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.
-----------------------------------------
PGS, TS NGUYỄN THỊ TRƯỜNG GIANG, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
Lan tỏa phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong kỷ nguyên số
Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã đi vào lịch sử đất nước, tâm thức cộng đồng và có những dấu ấn mạnh mẽ trên các loại hình truyền thông và báo chí. Phát huy vai trò trong việc gìn giữ và làm thăng hoa phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong kỷ nguyên số là báo chí đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ cách mạng. Bởi, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ chính là một phần cốt lõi phản ánh bản chất cách mạng ở Việt Nam.
Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương và Quân đội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần lan tỏa phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong kỷ nguyên số. Các tin, bài tập trung làm nổi bật hơn hình ảnh, truyền thống, bản chất tốt đẹp, vai trò, những đóng góp của Quân đội cũng như tình cảm sâu đậm của nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ.
Báo chí đưa nhiều tin, bài về những tấm gương dũng cảm trong chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội với tinh thần “vì nhân dân quên mình” đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, dành trọn tuổi thanh xuân của mình để gắn bó với những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Luôn có bàn tay của người chiến sĩ ở mọi nơi, trong mọi việc, từ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đến phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước ghi nhận, trân trọng những nỗ lực đó của Bộ đội Cụ Hồ.
Để phát huy vai trò của báo chí góp phần lan tỏa phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong kỷ nguyên số, cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng và nâng cấp các chuyên trang, chuyên mục về quân sự, quốc phòng, tuyên truyền đậm nét những giá trị cốt lõi của Bộ đội Cụ Hồ. Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới trong chủ đề này, tạo sự lan tỏa sâu rộng; đồng thời có cơ chế chặt chẽ nhưng linh hoạt cho báo chí tác nghiệp trong môi trường Quân đội để có những tin, bài sinh động và được cập nhật tốt hơn. Quan tâm kết nối với mạng xã hội và các nền tảng khác trong hệ sinh thái báo chí để hiệu quả truyền thông đi xa hơn, mạnh mẽ hơn hiện tại.
-----------------------------------------
Đại tá, PGS, TS HOÀNG VĂN PHAI, Phó giám đốc Học viện Chính trị:
Văn hóa, văn nghệ trong xây dựng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới
Văn hóa, văn nghệ có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội về chính trị, xây dựng phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ được thể hiện rõ qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đây là sự tiếp nối hàng nghìn năm lịch sử truyền thống văn hóa đấu tranh dựng nước và giữ nước; vai trò đó được biểu hiện cụ thể ở việc xây dựng phẩm chất chính trị, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ; xây dựng và củng cố tổ chức chính trị trong Quân đội; xây dựng các mối quan hệ của Quân đội, nhất là các quan hệ về chính trị. Xây dựng phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ, tập trung xây dựng, bồi đắp mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng; giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần xả thân, hy sinh vì nước; kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm; tính nhân đạo, nhân văn trong hoạt động quân sự; thực hiện chức năng, nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất...
Trong thời kỳ mới, vai trò của văn hóa, văn nghệ được tuyên truyền sâu rộng những giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, cách mạng của dân tộc; hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tôi luyện, hun đúc, bổ sung, làm giàu văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự Việt Nam phát huy cao độ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Những giá trị, phẩm chất, nhân cách cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ là tài sản tinh thần vô giá, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
-----------------------------------------
Nhà văn NGÔ VĨNH BÌNH:
Nhớ mình là Bộ đội Cụ Hồ, vì nhân dân quên mình
Nhà thơ Thanh Tịnh nhớ lại cái Tết năm 1957 khi đến chúc mừng năm mới các tướng “đồng hương Bình-Trị-Thiên” (Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Chưởng) và được các thủ trưởng “quyết” cho dời trụ sở Văn nghệ Quân đội từ trong thành ra “nhà số 4” phố Lý Nam Đế: “Theo phong tục cổ truyền, sáng mồng Một Tết năm 1957, tôi đến chúc Tết gia đình anh Nguyễn Chí Thanh. Ngày ấy anh ở bên cạnh đền Quán Thánh, gần hồ Trúc Bạch. Tôi đến thì trong nhà đang có khách. Tôi ngập ngừng chưa dám vào. Tôi đến vì đã quen biết từ lúc anh phụ trách tờ Nhành Lúa năm 1936 ở Huế. Thấy bóng tôi thấp thoáng ở bên ngoài phòng khách, anh Nguyễn Chí Thanh liền bước ra. Thấy tôi, anh niềm nở nói: “Anh cứ vào, trong nhà toàn đồng đội, đồng hương cả chứ có ai lạ đâu?”.
Tôi bước vào thì thấy anh Văn (Đại tướng Võ Nguyễn Giáp) và anh Lê Chưởng, Cục trưởng Cục Tuyên huấn. Tôi chào và chúc Tết. Hai anh đứng dậy bắt tay vui vẻ chúc lại. Nhân có tôi, anh Lê Chưởng tự nhiên nói: “Sang năm tờ Văn nghệ Quân đội sẽ ra công khai, phát hành rộng rãi...”. Anh Nguyễn Chí Thanh hỏi: “ Thế đã tìm cho anh em trụ sở để đặt tòa soạn chưa?.”. Anh Lê Chưởng suy nghĩ một chút rồi nói: “Có lẽ tìm một nơi trước Cửa Đông”.
Anh Nguyễn Chí Thanh đứng dậy xem bản đồ Hà Nội treo tường rồi nói: “Phố Cửa Đông xem ra còn nhiều nhà buôn bán, tòa soạn đặt ở đây không tiện, thế ngôi nhà mái cong làm theo kiểu đình chùa đầu đường số 4 Lý Nam Đế cạnh Báo Quân đội nhân dân hiện nay ai ở?”. Anh Lê Chưởng trả lời ngay: “Nhà này chia nhiều phòng như khách sạn, hiện nay là nơi ở của thủ trưởng...”. Anh Nguyễn Chí Thanh nhìn anh Lê Chưởng rồi nói: “Anh và anh Võ Hồng Cương cũng ở trong nhà này phải không? Thế thì nên nhường cho anh em, vì tạp chí đã ra công khai thì tòa soạn phải tiếp xúc với nhiều nơi, nhiều người, bạn đọc, bạn viết trong nước và ngoài nước...”. Anh Nguyễn Chí Thanh nhìn tôi nói thêm: “Lúc ra ở riêng nhớ nhắc anh em trong lúc nói, viết và làm, đều luôn nhớ mình là bộ đội!”. Mỉm cười, anh nói tiếp: “Nhớ mình là bộ đội không phải chỉ nhớ mặc quân phục và đeo quân hàm mà nhớ mình là Bộ đội Cụ Hồ, vì nhân dân quên mình... Trước bất cứ khó khăn trở ngại nào cũng phải chiến đấu, chiến thắng nhất là chiến thắng bản thân!” (Thanh Tịnh: Những dòng kỷ niệm thân thương, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 01 năm 1957, tr.114)!
-----------------------------------------
Nhà thơ TRẦN ANH THÁI:
Viết về người lính phải có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi nhiều giải pháp hiệu quả, đồng bộ; trong đó đặc biệt là nâng cao vai trò của văn học-nghệ thuật trong Quân đội, nhằm bồi đắp tinh thần, tạo động lực mới giúp cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ. Yêu cầu bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải xây dựng Quân đội ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Mọi hoạt động của Quân đội đều phản chiếu đời sống thực tế của người chiến sĩ, một đời sống đa dạng, phong phú, sinh động với tất cả mọi cung bậc vui, buồn, hạnh phúc và khổ đau, tốt và xấu... Bởi vậy, rất cần sự nhập cuộc của các nhà văn, viết như thế nào với hiện thực của người lính hôm nay?
Nhà văn trước hết là công dân có trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân. Nhà văn không đứng ngoài những vấn đề lớn lao của đất nước, đứng ngoài công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như đứng ngoài quá trình xây dựng Quân đội chính quy và hiện đại. Văn học đi vào cuộc sống và thân phận con người mà người lính là một phần không thể tách rời trong cuộc sống đó. Bởi vậy, nhà văn phải vừa là chiến sĩ văn nghệ, vừa là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, đạo đức, hòa mình vào quá trình xây dựng hiện đại hóa Quân đội, đắm mình vào đời sống người lính để tìm kiếm tư liệu, cảm xúc, sáng tạo nên những tác phẩm văn học có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng khuyến dương tinh thần người lính, bồi đắp tâm hồn, tình cảm, tri thức và trí tuệ cho người chiến sĩ. Những tác phẩm viết về người lính hôm nay cần phải làm nổi bật hình ảnh người chiến sĩ trong thời đại mới có tri thức, có văn hóa, làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ bản thân, là người lính tiêu biểu cho dân tộc, đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió trong công tác và chiến đấu.
Mỗi tác phẩm văn học viết về người lính phải có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ, cảm hóa được con người. Viết về người lính không chỉ là trách nhiệm của một số ít nhà văn chuyên nghiệp đang mặc áo lính mà phải huy động được lực lượng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình cùng vào cuộc, tạo nên một đội quân cầm bút dồi dào sung sức, viết ra nhiều tác phẩm có giá trị cao, khi đó văn học mới thực sự góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách, lối sống, đạo đức của người chiến sĩ trong thời đại mới; góp phần vào quá trình xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.
Phóng viên Phòng Biên tập CTĐ, CTCT (lược trích)