Tạo việc làm cho lao động nông thôn và sinh kế cho hộ nghèo

Việc thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo đã giúp hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh.

Hiệu quả từ chính sách giảm nghèo

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo từ đầu giai đoạn 2022 - 2025, đến đầu năm 2024 đã giảm 1,24% (4.068 hộ nghèo). Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đầu giai đoạn 2022-2025 là 3,2% (10.689 hộ nghèo) đến đầu năm 2024 giảm còn 1,96% (6.621 hộ). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đầu giai đoạn 2022-2025 là 13% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh (3.373 hộ), đến đầu năm 2024 giảm còn 7,73% so với hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh (2.037 hộ).

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản

Để đạt được kết quả trên, việc huy động các nguồn lực từ nguồn Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững được thực hiện hiệu quả. Phải kể đến, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Ví như, mô hình hỗ trợ trâu sinh sản tại xã Đức Thuận (huyện Tánh Linh); mô hình hỗ trợ bò sinh sản tại xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc), xã La Ngâu (Tánh Linh), xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam). Ngoài ra, các hình thức giúp đỡ nhau về vốn sản xuất trong đoàn thể được thực hiện đạt hiệu quả; việc duy trì và thực hiện tốt hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác. Minh chứng, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” các huyện, thị xã, thành phố và vận động các cá nhân, doanh nghiệp tài trợ đã xây dựng 420 căn nhà và sửa chữa 50 căn nhà cho hộ nghèo.

Người nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Người nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Cùng với đó, các chính sách giảm nghèo thường xuyên được thực hiện đảm bảo. Trong đó, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, tập trung ưu tiên vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn để cho vay các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS. Chính sách bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình để phục vụ khám, chữa bệnh. Chính sách hỗ trợ giáo dục về miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và chính sách hỗ trợ trực tiếp về tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được thực hiện đảm bảo...

Bên cạnh đó, công tác giải quyết việc làm thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2021 - 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 62.304 lao động. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai nhanh và hoàn thành tốt việc thực hiện các chính sách, các giải pháp phù hợp, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị mất việc làm, thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ổn định đời sống, khôi phục sản xuất...Thực hiện đầy đủ, kịp thời đúng quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động được triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, phù hợp.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn.

Thực hiện giải pháp đồng bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo bền vững cùng với chính sách giải quyết việc làm còn nhiều khó khăn. Một số hộ nghèo tư tưởng ỷ lại, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc giải ngân các dự án, tiểu dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, được bố trí từ nguồn kinh phí Trung ương và kinh phí đối ứng của tỉnh còn chậm so với kế hoạch của tỉnh giao. Mặt khác, việc cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua các buổi tư vấn giới thiệu việc làm, phiên giao dịch việc làm ở các địa phương gặp nhiều khó khăn do ít lao động tham gia.

Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững cùng với chính sách giải quyết việc làm, thời gian tới Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác giảm nghèo tại các xã, nhất là các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi về nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo để từ đó người nghèo được học tập kinh nghiệm, phát huy tính tự lực vươn lên thoát nghèo và thành hộ khá. Tập trung triển khai các mô hình giảm nghèo tại các xã khó khăn, lựa chọn và nhân rộng những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp và hiệu quả đối với điều kiện của địa phương. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở; các chính sách an sinh xã hội. Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại địa phương, cơ sở nhất là tại các xã thụ hưởng từ chương trình để kịp thời hướng dẫn và chấn chỉnh những thiếu sót ở cơ sở.

Cùng với đó, phối hợp tăng cường công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền các chế độ, chính sách có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, giúp người lao động nắm bắt các thông tin cần thiết về việc làm, có cơ hội chọn nghành, chọn nghề phù hợp với năng lực của bản thân, với nhu cầu của xã hội. Ưu tiên cho vay vốn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khởi nghiệp, các dự án trang trại, làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất kinh doanh giải quyết nhiều chỗ làm việc cho người lao động.

THANH THỦY

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tao-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-va-sinh-ke-cho-ho-ngheo-125107.html