Tạo việc làm tại chỗ, tăng cường kết nối cung-cầu

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổn thất về số giờ làm việc trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2020 tồi tệ hơn nhiều so với dự báo. Trong khi đó, khả năng phục hồi trong 6 tháng cuối năm không chắc chắn, chưa đủ để đưa chúng ta quay lại mức trước đại dịch, ngay cả với kịch bản tích cực nhất. Việt Nam dù đã kiểm soát dịch tốt, song số người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 rất lớn, chính vì vậy cần phải có những giải pháp đồng bộ giúp NLĐ tạo việc làm ngay từ cơ sở.

Hiệu quả từ phiên giao dịch việc làm lưu động

Để giúp NLĐ tìm kiếm việc làm ổn định, thời gian vừa qua, sở lao động-thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) các địa phương đã triển khai đồng loạt các phiên giao dịch việc làm lưu động và bước đầu đã thu được kết quả đáng mừng. Đơn cử như tại Hà Nội trong tháng 6 và đầu tháng 7, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại nhiều quận, huyện, theo đó, đã kết nối hàng nghìn việc làm với mức thu nhập ổn định từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, đến với phiên giao dịch việc làm, các ứng viên tham gia không chỉ được tiếp xúc với nhà tuyển dụng để lựa chọn những công việc phù hợp với trình độ, khả năng của bản thân mà còn được tham gia tư vấn việc làm, tư vấn hướng nghiệp, chính sách pháp luật và cung cấp thông tin về thị trường lao động. Chính vì vậy, các phiên giao dịch lưu động đã thu hút sự tham gia của NLĐ cũng như của doanh nghiệp rất lớn. Từ hiệu quả này, tới đây, TP Hà Nội sẽ triển khai nhiều hơn các phiên giao dịch lưu động để tạo cầu nối cho NLĐ và doanh nghiệp trong việc kết nối cung-cầu nguồn nhân lực.

Là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, vấn đề tạo việc làm cho người dân ở huyện Yên Thủy vẫn luôn là thách thức, nhất là sau dịch Covid-19. Để giúp người dân ổn định cuộc sống, Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thủy đã mở các lớp dạy nghề lưu động. Trước khi mở lớp, phòng đã tiến hành khảo sát về nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, hợp tác xã đóng trên địa bàn, từ đó có hướng đào tạo nghề phù hợp. Theo đó, các lớp dạy may, chăn nuôi được tổ chức lưu động ở từng xã. Tại các lớp này, người tham gia không chỉ được học nghề miễn phí mà còn được nhận hỗ trợ 30.000 đồng/người/ngày. Đặc biệt, ngay sau khi hoàn thành khóa học nghề ngắn hạn, nhờ sự liên kết của huyện mà phần lớn NLĐ đều có việc làm với mức thu nhập ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này chưa phải cao, nhưng với huyện nghèo miền núi, đây là mức thu nhập ổn định không dễ gì có được.

 Một lớp học may lưu động tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Một lớp học may lưu động tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Chị Phạm Thị Duyên, giáo viên dạy nghề may (Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Yên Thủy) cho biết: “Các lớp dạy may lưu động được mở từ năm 2019 và đã thu hút hàng trăm người dân theo học. Phần lớn những người đi học đều ở độ tuổi khó xin việc (từ 35 tuổi trở lên) nhưng khi theo lớp học may đều có công việc ổn định ngay tại quê nhà với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người dân phải ở lại địa phương vì thất nghiệp gia tăng, do đó, các lớp học lưu động được tổ chức quy mô lớn hơn ở nhiều xã để hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn giúp người dân tìm được việc làm ổn định”.

Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn

Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý II của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa được công bố mới đây cho thấy, tính đến hết tháng 6, có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập... Đáng chú ý, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Quý II năm nay cũng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua, ở mức 2,73%, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm lao động có trình độ thấp (sơ cấp). Năm nay là năm đầu tiên trong 5 năm qua ghi nhận thu nhập bình quân tháng của NLĐ trong quý II giảm đi so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, thu nhập bình quân tháng của NLĐ là 5,2 triệu đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019...

Những con số trên cho thấy ảnh hưởng dịch Covid-19 đến cuộc sống NLĐ là rất lớn. Hàng chục nghìn NLĐ thất nghiệp, kéo theo đó là cuộc sống của rất nhiều người bị ảnh hưởng. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bước đầu những chính sách này đã phát huy được hiệu quả và phần nào giúp NLĐ và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về lâu dài cần có giải pháp tổng thể mang tính đột phá, trong đó cần đẩy mạnh đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại chỗ cho người dân. Nhất là hiện nay ở nhiều địa phương, lực lượng lao động từ độ tuổi 35 trở lên chủ yếu làm phi nông nghiệp, có mức thu nhập thấp, không ổn định. Trong khi đó tại địa phương, nhiều doanh nghiệp thủ công, hợp tác xã nhỏ lẻ có nhu cầu thì lại khó tuyển lao động với số lượng ít từ 10 đến 50 người vì mức lương thấp, không cạnh tranh được với doanh nghiệp lớn. Chính vì vậy, việc mở lớp đào tạo nghề nhỏ, ngắn hạn là giải pháp giúp lao động yếu thế có việc làm ổn định ngay tại địa phương cần thiết. Còn đối với lao động có tay nghề, kỹ năng, các địa phương cần tăng cường khảo sát tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động để NLĐ và doanh nghiệp có thể thuận tiện hơn trong tìm việc, tìm nguồn nhân lực.

Bài và ảnh: LAN HƯƠNG - ĐỨC THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-viec-lam-tai-cho-tang-cuong-ket-noi-cung-cau-627511