Tập đoàn CMC đón đoàn Bộ TT&TT và 25 sở phía bắc tìm hiểu năng lực công nghệ
Vừa qua, Tập đoàn CMC đã đón tiếp đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và 25 sở Thông tin và Truyền thông khu vực phía bắc đến thăm và tìm hiểu các sản phẩm, dịch vụ cũng như năng lực công nghệ của Tập đoàn CMC.
Nhằm tìm hiểu thêm về các sản phẩm dịch vụ, năng lực công nghệ của Tập đoàn ICT lớn số 2 Việt Nam, đoàn công tác của Bộ Thông tin vàTruyền thông gồm Trưởng đoàn ông Nguyễn Văn Phương – Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ TT&TT, ông Nguyễn Vĩnh An – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ TT&TT và 25 Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở TT&TT khu vực phía bắc, từ Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định… đã đến thăm và làm việc tại tòa nhà CMC 11 Duy Tân vào chiều 22/11.
Ông Hồ Thanh Tùng – Phó TGĐ/GĐ Chiến lược Tập đoàn Công nghệ CMC đã giới thiệu tổng quan về Tập đoàn CMC và năng lực công nghệ thông tin của CMC. Tiếp đó, ông Lương Vũ An Bình – GĐ Kinh doanh Công ty CP An ninh an toàn thông tin CMC (CMC Infosec) giới thiệu 3 giải pháp tiêu biểu của công ty là Giải pháp chống mã độc tập trung (CISE), giải pháp chống virus CryptoSHIELD và Trung tâm Điều hành an ninh an toàn thông tin Thế hệ mới CMC NextGen SOC.
Ông Lương Vũ An Bình đề cập đến những vụ lộ thông tin lớn của Facebook, Yahoo và gần đây nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã gặp tình trạng này. Để giúp các doanh nghiệp và tổ chức bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, CMC Infosec đang cung cấp dịch vụ rà soát đánh giá bảo mật bằng cách “hack” thử vào các hệ thống cổng thông tin và internet banking để đánh giá mức độ an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, ở góc độ quản lý nhà nước, đại diện Bộ TT&TT và các Sở TT&TT cần có định hướng chỉ đạo, đầu tư và định hướng quản lý tình hình an ninh mạng cho cơ quan. Để giải quyết vấn đề này, ông Bình cũng đưa ra mô hình “CMC Security Solutions Blueprint” mà CMC Infosec xây dựng để tư vấn tổng thể và dài hạn cho các cơ quan, tổ chức trong việc ứng cứu, xử lý tấn công an ninh mạng.
Bên cạnh lĩnh vực tích hợp và bảo mật, lĩnh vực phần mềm cũng là một trong những thế mạnh của Tập đoàn CMC. Đại diện Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm CMC (CMC Soft), bà Hà Mai Lan (Phó TGĐ CMC Soft) đã trình bày về năng lực cung cấp giải pháp và dịch vụ phần mềm trong lĩnh vực Tài chính, Bảo hiểm, Ngân hàng, Viễn thông, Quản lý Thư viện, Chính phủ và Doanh nghiệp. Đặc biệt, với phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc Edocman Plus, bà Lan giới thiệu hệ thống hiện nay đã được CMC Soft phát triển thêm chữ ký số để điện tử hóa 100%, liên thông với trục văn bản điện tử của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương và “phẳng hóa văn bản” để từ cấp độ quản lý tới chuyên viên đều có thể tham gia xử lý đồng thời. Ngoài ra, CMC Soft đã sản xuất thành công Edocman Secure là phiên bản nâng cấp, được phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ để mã hóa văn bản và đảm bảo bảo mật khi đưa tài liệu lên internet.
Nằm trong chiến lược xây dựng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu và chiến lược xây dựng thành phố thông minh của Chính phủ, công ty CMC Soft cũng đã sử dụng kinh nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của Singapore để phát triển giải pháp phần mềm quản lý đất đai. Bên cạnh quản lý giao thông, hệ thống cũng sẽ phát hiện các sự cố cháy nổ, thiên tai thông qua nền tảng camera 3D và tích hợp dữ liệu.
Để hiểu rõ thực trạng và nghiên cứu các ứng dụng công nghệ vào quản lý tại Sở, ngành địa phương, đại diện Tập đoàn CMC cũng đã có phần thảo luận với lãnh đạo Sở các tỉnh và thành phố chia sẻ về khó khăn, thực trạng và mong muốn phát triển khi ứng dụng công nghệ vào quản lý. Một trong những quan tâm hàng đầu của các Sở TT&TT là yếu tố bảo mật văn bản trên internet, sự liên thông giữa phần mềm chỉ đạo điều hành của các sở. Ông Lương Tuấn Thành (Giám đốc Công nghệ CMC SI) cho biết CMC đang phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn của Việt Nam xây dựng giải pháp tích hợp dữ liệu, nền tảng chung cho hệ thống thông tin liên bộ cho Chính phủ và hy vọng sẽ giải quyết được bài toán kết nối hồ sơ văn bản của các sở ban ngành.
Kết thúc chuyến làm việc, ông Nguyễn Văn Phương – Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ TT&TT bày tỏ: “Hiện nay Bộ TT&TT đang tập trung đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ ICT và quản lý trên nền tảng internet, trong đó không thể thiếu vấn đề quản lý ở địa phương. Buổi làm việc tại Tập đoàn Công nghệ CMC đã giúp lãnh đạo các Sở TT&TT địa phương có thêm các góc nhìn về ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm và giải pháp bảo mật thông tin.” Sau buổi làm việc, đoàn đã tham quan Trung tâm Dữ liệu Data Center, Trung tâm Điều hành an ninh an toàn thông tin CMC SOC và Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC của CMC.
CMC là tập đoàn ICT lớn thứ hai tại Việt Nam với hơn 25 năm hình thành và phát triển. Với 12 công ty thành viên, liên doanh và Viện nghiên cứu, CMC đã khẳng định vị thế trên thị trường Việt Nam và nhiều nước trên thế giới thông qua những hoạt động kinh doanh chủ lực ở 4 mảng: Tích hợp Hệ thống, Viễn thông - Internet, Dịch vụ Phần mềm và Sản xuất, lắp ráp, phân phối các sản phẩm ICT. Ở Việt Nam, Tập đoàn CMC được biết đến như một đối tác tin cậy và uy tín trong các dự án ICT cấp trung và lớn trong các lĩnh vực: Chính phủ, Giáo dục, Thuế, Kho bạc, Hải quan, Bảo hiểm, Điện lực, Ngân hàng, Tài chính và các Doanh nghiệp. Năm tài chính 2017, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn là 5,343 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 255,5 tỷ đồng.