Tập đoàn hơn 100 năm tuổi của Hà Lan muốn đầu tư điện rác tại Việt Nam
Trong thời gian từ ngày 29-31/3, Tập đoàn Harvest Waste B.V đã làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng và khảo sát một số địa điểm để tìm hiểu về môi trường đầu tư cũng như quy trình xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và TP HCM.
Tại buổi tiếp và làm việc với đoàn, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh có quy hoạch việc quản lý chất thải rắn và có nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn thành phố Sóc Trăng và các địa phương lân cận, với công suất xử lý hơn 160 tấn/ngày. Tỉnh có 35 bãi rác lộ thiên tập trung tại các huyện, thị xã và 5 lò đốt rác sinh hoạt. Theo đó, lượng rác thải hàng ngày hơn 2.000 tấn.
Với lượng rác thải như trên, mặc dù hàng năm tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn xử lý rác thải nhưng việc thu gom rác ở nông thôn còn thấp, việc quản lý chất thải rắn chưa phù hợp. Do đó, việc Tập đoàn Harvest Waste của Hà Lan đến tỉnh Sóc Trăng tìm cơ hội đầu tư nếu thành công, sẽ góp phần giúp tỉnh bảo vệ tốt môi trường.
Ông Evert Lichtenbelt, Chủ tịch Tập đoàn Harvest Waste chia sẻ, ngoài việc kinh doanh thì sứ mệnh của tập đoàn là muốn làm cho thế giới sạch hơn. Vì vậy, Sóc Trăng là điểm đầu tiên của tập đoàn đến tìm hiểu đầu tư khi đến Việt Nam. Qua đó, mong muốn tỉnh hỗ trợ tập đoàn triển khai thực hiện dự án nhà máy với công nghệ đốt rác phát điện hệ suất cao. Công nghệ này được kỳ vọng góp phần giúp tỉnh Sóc Trăng đi đầu cả nước về xử lý rác thải tại Việt Nam.
Nhân dịp này, phóng viên Mekong – ASEAN đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Tập đoàn Harvest Waste B.V Evert Lichtenbelt, về quy trình xử lý chất thải và công nghệ xử lý chuyển hóa rác thải thành năng lượng.
Đây là cơ hội rất tốt để Harvest Waste tìm hiểu về các kế hoạch quản lý chất thải của Sóc Trăng và sự quan tâm của tỉnh trong việc phát triển một nhà máy điện rác nhằm xử lý sạch chất thải còn lại và tạo ra nguồn điện từ chất thải này.
Ông Evert Lichtenbelt, Chủ tịch Tập đoàn Harvest Waste B.V
PV:Ông có thể chia sẻ lý do Tập đoàn Harvest Waste chọn Việt Nam cũng như các tỉnh Sóc Trăng và TP HCM để khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhà máy điện rác?
Việt Nam là một trong những thị trường mục tiêu của chúng tôi vì đất nước của các bạn có bốn yếu tố mà chúng tôi hướng đến.
Yếu tố quan trọng đầu tiên là một Chính phủ ổn định. Tiếp theo, Chính phủ hiểu được tầm quan trọng của việc quản lý chất thải thích hợp sẽ giúp môi trường giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm đất và nước. Chúng tôi được biết Việt Nam đang tìm kiếm tất cả những biện pháp bền vững hơn để xử lý chất thải và giảm chôn lấp. Vì vậy, các chính sách tốt, phù hợp đã được đưa ra. Yếu tố thứ ba là Việt Nam có Biểu thuế đầu vào tốt cho điện sản xuất từ chất thải. Và thứ tư là quá nhiều chất thải cần phải được xử lý tốt hơn. Bốn lý do tổng hợp này khiến công ty chúng tôi thực sự quan tâm đến Việt Nam.
Nhờ sự kết nối của các đối tác địa phương, thông qua Pacific Group, trước mắt Harvest Waste đang quan tâm đến các tỉnh như Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM. Hiện các tỉnh, thành phố này đã có kế hoạch quản lý chất thải tổng hợp, bao gồm kế hoạch xử lý hợp lý các chất thải khác thành năng lượng. Nếu không có tầm nhìn của chính quyền địa phương thì sẽ không có sự thay đổi tích cực. Chính quyền địa phương có những kế hoạch này là yếu tố quan trọng để chúng tôi xem xét tiềm năng phát triển nhà máy điện rác ở đó.
PV: Cảm nhận ban đầu của ông khi đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại các địa phương này như thế nào?
Chúng tôi đã nhận được sự chào đón rất nồng nhiệt tại tỉnh Sóc Trăng. Đây là cơ hội rất tốt để Harvest Waste tìm hiểu về các kế hoạch quản lý chất thải của tỉnh và sự quan tâm của họ trong việc phát triển một nhà máy điện rác nhằm xử lý sạch chất thải còn lại và tạo ra nguồn điện từ chất thải này.
Chúng tôi cảm thấy có rất nhiều cơ hội để phát triển một dự án trên cơ sở đó.
PV:Việc phân loại, thu gom rác thải thường gặp khó khăn, nhất là tại các vùng nông thôn khi lượng rác thải ít, không đủ thu gom đảm bảo đầu vào cho việc đốt rác phát điện. Vậy ông có đề xuất gì không?
Ở Châu Âu, chỉ những chất thải không thể tái chế mới được đốt. Rác hữu cơ được phân loại, thu gom riêng với rác hỗn hợp không hữu cơ. Chất thải hữu cơ có thể được xử lý tốt nhất bằng cách sử dụng phân trộn, sau đó có thể được sử dụng lại trong nông nghiệp hoặc thông qua quá trình phân hủy kỵ khí để tạo khí sinh học hoặc tạo ra điện. Sau đó, chất thải còn lại có thể được phân loại, các chất tái chế có thể được đưa ra ngoài và chất thải còn lại từ quá trình này được tổng hợp và đưa đến một nhà máy điện rác phục vụ một khu vực rộng lớn hơn.
Chúng tôi đề nghị không nên xây dựng quá nhiều nhà máy điện rác ở Việt Nam. Một số tỉnh có thể không tạo ra đủ chất thải để xây dựng và vận hành một nhà máy điện rác khả thi. Và chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều sáng kiến về tái chế giúp để lại ít chất thải tồn đọng hơn.
Từ góc độ môi trường, chúng tôi tin rằng tốt hơn là nên xây dựng các nhà máy điện rác lớn hơn, hiệu quả hơn, phục vụ cho nhiều địa phương. Ở mỗi tỉnh, tại các trạm trung chuyển, một số chất thải có thể được phân loại, xử lý chất thải hữu cơ theo gợi ý trước đó. Rác vô cơ tái chế được đưa ra ngoài và phần còn lại từ cả hai quy trình có thể được vận chuyển bằng xe tải lớn đến các nhà máy điện rác tập trung. Như vậy, một nhà máy điện rác lớn có thể xử lý chất thải của nhiều vùng hiệu quả hơn.
Điều này sẽ giảm chi phí vận chuyển chất thải, giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí cho Chính phủ, đảm bảo rằng chất thải được xử lý theo cách hiệu quả nhất có thể và bắt đầu nền kinh tế tuần hoàn.
PV: Hiện nay đã có một số nhà máy điện rác tại Việt Nam đang hoạt động. Tuy nhiên, có thể do công nghệ nên nhiều nhà máy gặp phải các vấn đề về nước thải và khí thải trong quá trình xử lý rác. Vậy công nghệ của Harvest Waste áp dụng có thể giải quyết vấn đề này như thế nào?
Công nghệ đốt rác phát điện hiệu suất cao đã được vận hành tại Nhà máy điện rác Amsterdam từ năm 2008. Công nghệ này đã được Liên minh Châu Âu chứng nhận vượt qua tiêu chuẩn “Công nghệ tốt nhất hiện có”. Nhà máy Amsterdam là nhà máy điện rác quy mô lớn, hiệu quả nhất trên thế giới đạt hiệu suất ròng >30,6%. So với công nghệ điện rác thông thường cũng đang hoạt động ở Amsterdam, chúng tôi tạo ra nhiều điện hơn xấp xỉ 40% từ mỗi tấn chất thải bằng cách sử dụng công nghệ Hiệu suất cao này.
Việc phát thải không khí được chính phủ Hà Lan giám sát nghiêm ngặt do nhà máy nằm cách các khu dân cư gần nhất khoảng 1km và cách trung tâm thành phố Amsterdam chỉ 7km. Hệ thống xử lý khí thải làm sạch khí thải đến mức độ mà những gì thoát ra từ ống khói về cơ bản không khác gì hơi nước.
Tại Việt Nam, các tiêu chuẩn khí thải được áp dụng ít nghiêm ngặt hơn so với các quy định gần đây chúng tôi cần cam kết cho nhà máy điện rác ở Amsterdam. Nếu xây dựng nhà máy ở Việt Nam, chúng tôi sẽ cam kết đảm bảo hệ thống làm sạch khí thải đạt tiêu chuẩn hiện hành ở châu Âu.
Chúng tôi thực hiện điều này vì ở khắp mọi nơi trên thế giới, chính phủ các nước ngày càng nhận thức được tác động tiêu cực của chất thải đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Và chúng tôi thấy rằng các tiêu chuẩn phát thải ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn.
Do đó, Harvest Waste chỉ xây dựng các nhà máy điện rác hiện đã cam kết các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, sao cho nhà máy này sẽ vẫn còn phù hợp trong vòng 20-30 năm kể từ bây giờ cho đến khi thế giới đã cam kết không phát thải ròng để đạt được các mục tiêu khí hậu của Paris.
Từ tháng 3/2022, Pacific Group và Harvest Waste cùng hợp tác với Alpha Investment có trụ sở tại TP Vũng Tàu cùng nghiên cứu đầu tư dự án điểm dựa trên công nghệ của Harvest Waste và mở rộng thành chuỗi tại khu vực tiểu vùng sông Mekong.
Harvest Waste có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan), hiện sở hữu công nghệ tiên tiến, có hiệu suất phát điện thuộc nhóm cao nhất thế giới. Hai bên cùng bắt tay tiến hành phát triển một dự án điện rác mang tính biểu tượng của Hà Lan và Việt Nam có công suất xử lý rác 3.000 tấn/ngày.
Tập đoàn Harvest Waste đã thực hiện nhiều dự án tại Hà Lan cùng các nước EU khác và các quốc gia đang phát triển tại châu Á như Pakistan, Indonesia, Philippines.
Pacific Group có trụ sở tại TP HCM, là công ty phát triển dự án hạ tầng chuyên nghiệp tại Việt Nam với vốn đầu tư Nhật Bản và quốc tế. Pacific Group hiện phát triển chuỗi dự án khu công nghiệp và chuỗi dự án điện sạch bao gồm điện mặt trời thế hệ mới, điện gió thế hệ mới, điện khí LNG đã khử carbon, điện hydrogen, điện sinh khối, điện rác thải và điện từ nước thải sinh hoạt.