Tập đoàn Mỹ hé lộ những điểm yếu 'chết người' của quân đội Trung Quốc
Tập đoàn Mỹ cho rằng, quân đội Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc đổi mới vũ khí do quá phụ thuộc vào việc mua lại công nghệ của nước ngoài.
Tờ SCMP dẫn lại kết quả nghiên cứu do chính phủ Mỹ tài trợ được công bố ngày 14/7 cho rằng, Quân đội Trung Quốc đã vượt qua nhiều thách thức về công nghệ để có được ưu thế vượt trội so với đối thủ cạnh tranh Mỹ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn liên tục gặp nhiều khó khăn trong khâu đổi mới về kỹ thuật.
Vẫn còn nhiều lỗ hổng
Báo cáo của Tập đoàn Rand Corporation xác định Trung Quốc là “mối đe dọa rõ ràng về tốc độ” đối với Mỹ trong khía cạnh đầu tư vào lực lượng quân đội, nhưng phần lớn các tiến bộ của Bắc Kinh được cho là đến từ hoạt động mua lại hay liên doanh với nước ngoài.
Rand Corporation là một nhóm nghiên cứu về an ninh có trụ sở tại California, nhận khoảng 80% tài trợ từ các cơ quan liên bang Mỹ. Báo cáo mới đây nhất nhằm phục vụ cho quân đội Mỹ.
Để chứng minh rằng Trung Quốc đang gặp trở ngại trong việc thúc đẩy tiến bộ quân sự, báo cáo của Rand đã chỉ ra 3 khiếm khuyết mà quân đội nước này gặp phải, bao gồm chất bán dẫn cao cấp, tàu ngầm tàng hình và động cơ máy bay.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, vấn đề liên quan đến bản quyền và sở hữu trí tuệ đã khiến hệ thống vũ khí của Trung Quốc tụt hậu đến vài năm so với các đối tác của Mỹ.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều điểm tương đồng nổi bật giữa máy bay chiến đấu phản lực J-20 và J-31 của Trung Quốc với máy bay F-22 và F-35 của nhà sản xuất Lockheed Martin.
Năm 2016, Mỹ đã kết tội và bỏ tù một công dân Trung Quốc vì cho rằng người này đang thu thập thông tin nhạy cảm về quân sự, bao gồm dữ liệu liên quan đến máy bay tàng hình F-22 và F-35, cũng như máy bay chở hàng quân sự C-17 của hãng Boeing.
Động cơ máy bay từ lâu đã trở thành “điểm nghẽn” trong tiến bộ quân sự của Trung Quốc, trong đó, công nghệ cánh tuabin được coi là một vấn đề then chốt.
Ví dụ, mặc dù máy bay tàng hình J-20 của quân đội Trung Quốc được đánh giá cao, song việc chúng được lắp ráp dựa trên động cơ của Nga lại là một điểm trừ về sức mạnh.
Máy bay này hiện sử dụng động cơ WS-10 được sản xuất trong nước, nhưng quá trình chế tạo đang bị trì hoãn do đại dịch Covid-19.
Mỹ tăng cường gây sức ép lên Trung Quốc
Đáp lại báo cáo của Mỹ, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C. nói rằng, Mỹ “chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng chắc chắn cho việc cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ”, đồng thời khẳng định nước này đang “đẩy mạnh đổi mới khoa học công nghệ vào bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.
Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định rằng, Bắc Kinh “cam kết theo con đường phát triển hòa bình và thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất phòng thủ”.
“Chúng tôi hi vọng rằng, phía Mỹ loại bỏ tâm lý và thành kiến Chiến tranh Lạnh, nhìn nhận sự phát triển quân sự của Trung Quốc một cách khách quan và hợp lý, đồng thời có những hành động cụ thể để đảm bảo sự phát triển lành mạnh và ổn định của mối quan hệ Trung-Mỹ, bao gồm cả khía cạnh quân sự”, phía Bắc Kinh nói thêm.
Báo cáo của Rand được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden thêm một số công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì bị cáo buộc có quan hệ với khu phức hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc.
Việc Bộ Thương mại Mỹ bổ sung các công ty vào "danh sách pháp nhân" được nhìn nhận là động thái nhằm ngăn cản các nhà cung cấp Mỹ bán sản phẩm cho người mua ở Trung Quốc mà không có sự chấp thuận của chính phủ.
Áp lực từ phía Trung Quốc tăng lên trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump và hiện vẫn còn duy trì.
Bản thân Tổng thống Joe Biden đương nhiệm đã mô tả cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc như một “trận chiến” để giành chiến thắng thế kỷ. Mặc dù vậy, đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục cho rằng, ông Biden đang duy trì chính sách mềm dẻo với Trung Quốc.