Tấp nập đầu tư nhà máy chế biến rau quả
Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây đã có 3 dự án nhà máy chế biến rau quả với tổng công suất dự kiến lên đến gần 80.000 tấn/năm.
Ngày 7/5, Công ty CP Louis Holdings khởi công nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh xuất khẩu Toccoo tại TP Tân An (Long An). Tổng giám đốc Huỳnh Quang Vinh cho biết với số vốn đầu tư 250 tỷ đồng, nhà máy dự kiến cung cấp cho chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu từ 15.000-20.000 tấn sản phẩm/năm, từ đó đem về mức doanh thu khoảng 800-1.000 tỷ đồng/năm sau khi chính thức vận hành hoàn thiện.
"Theo kế hoạch, nhà máy có thể đi vào vận hành từ tháng 7 năm nay. Nếu tình hình thuận lợi, sẽ có Toccoo An Giang, Toccoo Bình Thuận và nhiều nơi khác", ông Huỳnh Quang Vinh chia sẻ.
Như vậy, từ đầu tháng 4 đến nay đã có 3 dự án nhà máy chế biến rau quả được khởi công. Trong đó, Công ty CP Thực phẩm Á Châu xây dựng nhà máy công suất 8.500 tấn/năm ở Lào Cai, còn B'Lao Food lựa chọn Lâm Đồng để mở nhà máy dự kiến chế biến 50.000 tấn rau quả/năm.
Trước đó, giai đoạn 2017-2019, các doanh nghiệp lớn trong nước như Tập đoàn TH, Tập đoàn Nafoods, Công ty CP xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao (Doveco), Công ty CP Lavifood, Vina T&T... cũng đã xây dựng tổng cộng 8 nhà máy chế biến rau quả với công suất 180.000 tấn sản phẩm/năm, số vốn đầu tư lên đến 6.152 tỷ đồng.
Năm 2020, ông lớn Doveco tiếp tục rót 400 tỷ đồng để khởi công nhà máy chế biến thứ 3 tại Hát Lót (Sơn La) với công suất hơn 50.000 tấn/năm.
Trong khi đó, Lavifood cũng có kế hoạch đầu tư 1.000 tỷ đồng xây dựng tổ hợp nhà sơ chế nông sản, kho mát, kho lạnh và siêu thị nông nghiệp... ở Lâm Đồng. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 sở hữu chuỗi nhà máy trải dài từ Hải Phòng, Đắk Lắk đến Long An, Tây Ninh... với tổng doanh thu chạm mốc 1,5 tỷ USD/năm.
Theo Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030, cả nước phấn đấu đến năm 2030 thu hút đầu tư mới 50-60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa. Khi đó, các sản phẩm rau quả chế biến đạt tỷ trọng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 8-10 tỷ USD. Công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020.
Chia sẻ với Zing, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự đoán với xu hướng mở rộng quy mô và đầu tư mới nhà máy chế biến rau quả trong thời gian gần đây, những mục tiêu này sẽ sớm đạt được trong vòng năm nay hoặc năm 2022.
"Qua đại dịch càng thấy rõ việc xuất khẩu nông sản tươi về lâu dài sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trong khi nông sản đã qua chế biến có thể đi xa hơn, không phụ thuộc quá nhiều vào khâu vận chuyển mà nhu cầu tiêu thụ lại có xu hướng tăng lên", ông Đặng Phúc Nguyên phân tích.
Mặc dù vậy, ông thừa nhận đa số hàng nông sản chế biến, đặc biệt dưới dạng đông lạnh, của Việt Nam bán tại các thị trường quốc tế là dưới hình thức nguyên liệu để chế biến thành các sản phẩm thực phẩm, thức uống. Điều này khiến thương hiệu rau quả Việt Nam chưa được biết đến nhiều.
Cùng quan điểm này, ông Huỳnh Quang Vinh cũng đánh giá chế biến đông lạnh chỉ là khâu sơ chế đơn giản, nền tảng. Chính vì vậy, trong tương lai, doanh nghiệp sẽ tiến đến chế biến thành phẩm đóng hộp, với các thị trường mục tiêu gần nhất là Nga và Trung Đông, sau đó là xuất khẩu trái cây tươi đến các thị trường xa hơn để nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy quý I/2021, xuất khẩu rau quả đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số thị trường ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, điển hình là Đài Loan (12,87 triệu USD, tăng 43,1%), Australia (11,9 triệu USD, tăng 30,6%), Malaysia (9,2 triệu USD, tăng 32,5%).
Bên cạnh đó, thị trường chủ lực là Trung Quốc cũng đạt kim ngạch xuất khẩu 352,83 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, tăng 17,5% so với cùng kỳ và chiếm 62,5% tổng trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tap-nap-dau-tu-nha-may-che-bien-rau-qua-post1212763.html