Tập trung các giải pháp khôi phục vườn tiêu

Lũ lụt qua đi để lại rất nhiều thiệt hại cho người dân Quảng Trị, trong đó sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn không chỉ ở vùng thấp lụt mà ngay ở các vùng gò đồi trồng cây công nghiệp cũng bị hư hại do úng nước.

 Chăm sóc vườn tiêu - Ảnh: V.T.H

Chăm sóc vườn tiêu - Ảnh: V.T.H

Gia đình chị Nguyễn Thị Thiện ở thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ trồng 500 gốc hồ tiêu sạch vừa mới đưa vào khai thác năm thứ 2. Vụ thu hoạch năm nay, gia đình chị thu được 1 tấn tiêu bán được 53 triệu đồng. Niềm vui chưa được bao lâu thì mưa lũ ập đến làm toàn bộ vườn tiêu của chị bị úng nước nên vàng lá dần và nhiều cây bị chết. Vườn tiêu bị ảnh hưởng do mưa lũ cũng đồng nghĩa với việc chị Thiện phải đối mặt với món nợ vay 200 triệu đồng để đầu tư kiến thiết cơ bản vườn tiêu khó có khả năng trả nợ. Chị Thiện cho biết: “Gia đình tôi canh tác tiêu hữu cơ nên vườn cây phát triển tốt, mới đưa vào khai thác mà cho năng suất khá cao, mỗi gốc thu từ 2,5 - 3 kg. Giờ bị mưa ngập úng cây nhiễm bệnh rụng lá và chết dần. Nếu cây bị chết hết thì gia đình tôi không biết lấy nguồn thu từ đâu để trả nợ. Mong ngành chức năng hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật để gia đình tôi có thể cứu được vườn tiêu”.

Thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp cho các tỉnh bị ảnh hưởng lũ lụt phục hồi sản xuất, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến kiểm tra, khảo sát, đánh giá chính xác tình hình, nguyên nhân tiêu chết để đưa ra phương án khắc phục hiệu quả nhất nhằm giúp nông dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất sau mưa lũ.

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 2.525 ha hồ tiêu, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã làm cho hơn 200 ha bị ngập úng. Các diện tích hồ tiêu bị ngập úng đều có hiện tượng rụng lá, rụng đốt và gây chết với tỉ lệ từ 15 - 20%, nơi cao 30 - 40%, một số vườn bị chết 100%. Nguy cơ các vườn tiêu tiếp tục chết nếu không có các biện pháp kỹ thuật can thiệp kịp thời.

Qua kiểm tra thực tế tại các vườn tiêu bị ngập úng và chết trên địa bàn tỉnh, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết luận nguyên nhân tiêu chết là do nhiễm nấm, tuyến trùng rễ và một số vi sinh vật gây hại trong đất úng nước làm tổn thương nặng toàn bộ tuyến rễ của cây tiêu, làm cho cây không thể rút được nước và chất dinh dưỡng nuôi cây mặc dù trong đất có rất nhiều nước, dẫn đến cây vàng lá, rụng đốt và chết. Từ việc xác định được nguyên nhân tiêu chết, đoàn công tác đã đưa ra các giải pháp chăm sóc, phòng chống bệnh, giúp người dân khôi phục vườn tiêu.

Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Để khắc phục hiện tượng này cần phải thực hiện các giải pháp căn cơ và lâu dài. Trước mắt, đoàn công tác lấy mẫu đất phân tích mức độ nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại ở trong đất đang trồng tiêu như thế nào để đưa ra các phác đồ điều trị. Trước hết, phải điều trị triệt để các vi sinh vật gây hại trong đất, sau đó áp dụng các biện pháp chăm sóc bằng việc bón các chất dinh dưỡng cân đối cho tiêu, đặc biệt là các chất kích thích ra rễ và các phân bón trung, vi lượng để giúp cho cây khôi phục lại từng bước và tiến tới khôi phục hoàn toàn”.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai các biện pháp kỹ thuật giúp nông dân khôi phục vườn tiêu. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: “Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tăng cường các lớp đào tạo, tập huấn cho người dân biết rõ căn nguyên của căn bệnh này để chủ động phòng, tránh bệnh cho tiêu. Đồng thời tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các mô hình canh tác hồ tiêu mẫu về thiết kế vườn chống úng cũng như ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để phát triển cây tiêu bền vững”.

Sau chuyến kiểm tra thực tế, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ cho nông dân Quảng Trị 4 tấn hóa chất và phân bón trung, vi lượng để xử lý các mầm bệnh trong đất các vườn tiêu đang bị ảnh hưởng do mưa lụt và chăm sóc cho tiêu phục hồi. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã kịp thời cung cấp số hóa chất và phân bón này cho nông dân, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật về tận cơ sở để hướng dẫn nông dân nhanh chóng khắc phục bệnh và chăm sóc vườn tiêu. Đến nay, phần lớn diện tích tiêu bị ảnh hưởng được người dân can thiệp các biện pháp chống bệnh và chăm sóc cho cây theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

Với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh bằng những giải pháp căn cơ và lâu dài, hy vọng những vườn hồ tiêu bị ảnh hưởng do mưa lũ được phục hồi dần và phục hồi hẳn để nông dân thoát khỏi thất bát sau bao năm đầu tư công sức và tiền của, cho thu hoạch trở lại để họ có cơ hội tái đầu tư, phát triển sản xuất đối với loại cây là thế mạnh trên vùng đất đỏ ba dan này.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154016