Tập trung chăm sóc lúa đông xuân

Nông dân xã An Định (huyện Tuy An) cấy dặm lúa đông xuân. Ảnh: LÊ TRÂM

Vụ lúa đông xuân giai đoạn mạ đang xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại. Ngành chức năng nỗ lực hướng dẫn nông dân phòng, chống trước, trong và sau Tết Nguyên đán để bảo vệ mùa màng.

Tranh thủ cấy dặm

Sáng sớm, vợ chồng ông Bùi Văn Long ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) đã ra đồng chăm sóc, bảo vệ lúa. Ông Long cho biết: Mấy ngày nay, ngày nào vợ chồng tôi cũng ở ngoài đồng cấy dặm. Năm nay, thuận lợi là khi gieo sạ mưa ít nên lúa chết không nhiều, tôi tranh thủ cấy dặm xong đường nước trong ruộng rồi về lo mua sắm Tết.

Trên các cánh đồng từ phường Hòa Vinh đến xã Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa), lúa ra lá non lên xanh. Bà Trần Thị Cúc ở xã Hòa Xuân Đông, ra thăm ruộng, chia sẻ: Ruộng nhà tôi ven sông Bánh Lái, năm nay lụt lớn nước tràn vào phá bờ.

Đầu vụ, gia đình tôi đã đầu tư cải tạo ruộng. Sau khi gieo sạ, tôi mua bạt bao bọc 2 sào lúa làm hàng rào ngừa chuột cắn phá; đồng thời tiếp tục tỉa dặm lúa và phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá.

Ðến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã gieo sạ được gần 24.250ha lúa vụ đông xuân 2020-2021. Hiện cây lúa đang giai đoạn mạ, nhưng đã gặp thời tiết bất lợi khiến nhiều loại sâu bệnh phát sinh gây hại.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ lúa đông xuân này, bọ trĩ gây hại diện tích 10ha, tỉ lệ hại 16-20% dảnh, tại huyện Tuy An. Ốc bươu vàng gây hại diện tích nhiễm nhẹ 15ha, tỉ lệ hại 5-10% dảnh, tại huyện Đồng Xuân và TX Đông Hòa.

Chuột gây hại diện tích 4,5ha, tỉ lệ hại 5-10% dảnh, tại huyện Phú Hòa và Tuy An. Ngoài ra, còn có một số đối tượng sinh vật khác gây hại rải rác như: sâu năn, sâu keo, sâu đục thân... trên cây lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Trước tình hình này, ngành chức năng, chính quyền các địa phương và nông dân đang áp dụng nhiều giải pháp phòng, chống sâu bệnh hại cây lúa.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, cho biết: Đơn vị đang phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tích cực hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán. UBND các xã, phường cũng tích cực chỉ đạo các hội, đoàn thể cùng với nông dân phát động phong trào diệt chuột, thu mua đuôi chuột, bảo vệ lúa.

Phòng ngừa ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn

Trên cánh đồng xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), nông dân tập trung ra đồng cấy dặm, phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Ông Phạm Văn Trung ở xã Xuân Quang 3 cho hay: Cánh đồng trước nhà tôi trũng thấp, nước ngập úng, đầu vụ gieo sạ, mới gà gáy đã phải ra ruộng tát nước, khi lúa 7 ngày tuổi lên cao bằng bờ ruộng mới thả. Năm nay lụt to, cánh đồng bồi đắp phù sa nên khi cây lúa ra 3 lá non lên xanh. Thời gian này, khu vực gần núi có sương muối nên nông dân lo phòng bệnh đạo ôn cho lúa.

Để bảo vệ lúa trong điều kiện tiết trời lạnh và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện Đồng Xuân đã hướng dẫn nông dân các địa phương hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi không cần thiết vì dễ gây hiện tượng bộc phát dịch hại khó kiểm soát. Khi cần, phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách).

Ông Bùi Văn Tứ, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đồng Xuân, cho biết: Để phòng trừ bệnh đạo ôn đạt hiệu quả cao, nông dân giảm bón phân đạm, cần bổ sung phân DAP, phân kali kết hợp giữ mực nước trên ruộng từ 3-5cm.

Tại các cánh đồng nhiễm mặn của xã An Ninh Đông, An Cư (huyện Tuy An), có những vùng nông dân mới gieo sạ xong, ốc bươu vàng cắn phá. “Ruộng nhà tôi ốc bươu vàng cắn phá khi vừa sạ xong. Tôi phải phun thuốc diệt trừ rồi lấy nước ngọt rửa mặn, phóng phèn, bón phân cho lúa phát triển”, ông Bùi Văn Phước ở xã An Cư nói.

Theo Sở NN-PTNT, thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, bệnh đạo ôn lá có khả năng phát sinh gây hại cục bộ trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh. Ốc bươu vàng cũng tiếp tục gây hại trên các trà lúa ra 3 lá. Đáng quan ngại nhất là diện tích ruộng ven làng, gò đồi sẽ bị chuột gây hại nặng cục bộ. Vì vậy, nông dân tăng cường diệt trừ ốc bươu vàng, diệt chuột.

Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành chức năng ở địa phương thường xuyên vận động nông dân bám sát đồng ruộng để nắm diễn biến sâu bệnh. Ngoài phòng trừ bệnh đạo ôn lá, nông dân chú trọng phòng bọ trĩ, sâu keo, đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bởi chúng sẽ gây hại nặng ở những ruộng sạ dày và bón phân không cân đối...

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/251695/tap-trung-cham-soc-lua-dong-xuan.html