Tập trung giải pháp cho tăng trưởng

9 tháng qua, bức tranh kinh tế - xã hội (KTXH) An Giang có nhiều triển vọng tích cực. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) cải thiện rõ rệt, quý I tăng 5,39%, quý II tăng 7,9% và 6 tháng tăng 6,6%, quý III tăng 7,15%. Bình quân, tốc độ tăng trưởng GRDP trong 9 tháng của năm 2024 ước tăng 6,8%.

Triển vọng tích cực

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, KTXH 9 tháng của năm 2024 của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó kinh tế tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng ước đạt 6,8% (cùng kỳ năm trước 6,41%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12%; khu vực dịch vụ tăng 8,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,08%.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, nhu cầu đi lại, hoạt động văn hóa - xã hội diễn ra nhộn nhịp. Các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đầy đủ. Nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội được tổ chức, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt 170.342 tỷ đồng, tăng hơn 15% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 6,72% so cùng kỳ. Toàn tỉnh đón tổng số 8,5 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 7,6% so cùng kỳ và đạt 94% so kế hoạch năm 2024. Số lượt khách lưu trú 270.000 lượt, tăng 4% so cùng kỳ. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 9.700 tỷ đồng, tăng 80% so cùng kỳ và đạt 156% so kế hoạch cả năm...

Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng của năm và bàn nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024

Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng của năm và bàn nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024

An Giang đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; tổ chức thông xe cầu Châu Đốc (thuộc dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng kết nối với tỉnh Kiên Giang - Đồng Tháp) và khánh thành Tuyến tránh Long Xuyên. Thủ tướng Chính phủ đã công nhận huyện Thoại Sơn là huyện nông thôn mới nâng cao... Qua đó, tạo động lực mới thúc đẩy xúc tiến đầu tư, mở ra cơ hội mới cho phát triển KTXH của tỉnh.

Công tác đầu tư xây dựng, giải ngân đầu tư vốn đầu tư công được đặc biệt chú trọng. Ước giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 (gồm vốn kéo dài năm 2023 sang) đến hết tháng 9 ước đạt 5.457 tỷ đồng, đạt 55,33% kế hoạch vốn đã giao (nếu so với kế hoạch vốn giao đầu năm thì tỷ lệ giải ngân đạt 67,58%). Một số công trình xây dựng trọng điểm trên địa bàn đang triển khai, như: Mở rộng nâng cấp tuyến đường Tri Tôn - Tịnh Biên; Dự án thành phần 1, thuộc Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), tiến độ thi công khoảng 24,37% (vượt 0,04% tiến độ). Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp đang tập trung thực hiện phấn đấu hoàn thành trong năm 2024... Trong điều kiện khó khăn chung về nguồn cát xây dựng, An Giang có giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1)...

Tăng cường giải pháp

Theo UBND tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, KTXH vẫn còn khó khăn. Mặc dù tăng trưởng GRDP 9 tháng ước tăng 6,8% (cao hơn kỳ năm trước 6,41%), nhưng chưa đạt theo kịch bản đề ra 7,41% để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 7,5 - 8,5%. Cả 3 khu vực đều tăng khá nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm... Tình hình thiên tai, sạt lở bờ sông... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh. Vướng mắc giữa các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, kinh doanh bất động sản... chưa đồng bộ nên thu hút dự án đầu tư còn hạn chế... Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, các chủ đầu tư phải chủ động nguồn cát thực hiện công trình để đảm bảo tiến độ hợp đồng. Đối với các dự án mới, cần tính toán rõ nguồn cát để thực hiện. Về tiến độ giải ngân vốn, các địa phương phải thực hiện đúng theo quy hoạch được phê duyệt nhằm hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành, địa phương rà soát lại kịch bản tăng trưởng, giải pháp, trách nhiệm cụ thể để quyết tâm tăng trưởng cao nhất. ”Khẩn trương rà soát lại quy hoạch ngành cho phù hợp Quyết định 1369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với giải ngân vốn đầu tư công, chủ đầu tư của từng dự án phải có kế hoạch chi tiết, tăng cường kiểm tra giải quyết khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ… “Trong khi chưa thu hút được doanh nghiệp mới, thì cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động để khôi phục phát triển. Ngành nông nghiệp phải tăng cường kiểm tra tình hình sản xuất, ứng phó thiên tai để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản

Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản

Để phấn đấu tăng trưởng ở mức cao nhất, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ từng ngành, từng địa phương. Tập trung làm rõ những khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, có lộ trình thực hiện cụ thể của từng ngành và địa phương, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.

“Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ các công trình trọng điểm, đảm bảo nguồn cung vật liệu phục vụ các dự án. Đề nghị các ngành, địa phương thay đổi phương pháp làm việc để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công vụ, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; các ngành, địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp quy hoạch tỉnh. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị... không để phát sinh tiêu cực” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh.

Đồng thời, các lực lượng công an - quân sự - biên phòng và các địa phương chủ động phối hợp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng, chống các loại tội phạm. Các ngành phối hợp xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh; tổ chức tốt các sự kiện quan trọng gắn với phát triển KTXH của tỉnh... Có giải pháp chăm lo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống Nhân dân.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tap-trung-giai-phap-cho-tang-truong-a406556.html