Tập trung gieo trồng vụ đông

Ngành nông nghiệp Thủ đô đang dồn sức hoàn thành gieo trồng hơn 45 nghìn héc-ta cây vụ đông, tăng gần 13 nghìn héc-ta so với kế hoạch, góp phần cung ứng nông sản trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Người dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh thu hoạch củ cải trắng.

Người dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh thu hoạch củ cải trắng.

Ngành nông nghiệp Thủ đô đang dồn sức hoàn thành gieo trồng hơn 45 nghìn héc-ta cây vụ đông, tăng gần 13 nghìn héc-ta so với kế hoạch, góp phần cung ứng nông sản trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Những ngày qua, trên xứ đồng thôn Ðông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), không khí sản xuất rất khẩn trương. Ðại diện Hợp tác xã nông nghiệp Tráng Việt cho biết, thôn Ðông Cao có khoảng 800 hộ dân trồng các loại rau an toàn có giá trị kinh tế cao, như rau cải ngồng, cải chíp, su hào, nhất là củ cải trắng. Từ ngày trồng củ cải trắng, thu nhập của người dân ổn định và phát triển hơn. Nhiều nhà khấm khá, thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm, không ít nhà làm giàu từ củ cải trắng. Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân chuyên canh cây củ cải trắng ở thôn Ðông Cao chia sẻ, gia đình ông có gần hai mẫu đất, mỗi năm có thể canh tác từ bốn đến năm vụ củ cải trắng. Nhờ đất bãi màu mỡ, thổ nhưỡng phù hợp và có kỹ thuật chăm sóc, cây phát triển rất tốt, mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cao cho nông dân, trung bình khoảng 11 đến 12 triệu đồng/sào/vụ.

Tại thị xã Sơn Tây, tổng diện tích vụ đông gieo trồng là 605 ha, gồm ngô, lạc, hoa, cây cảnh, rau các loại, vượt kế hoạch đề ra. Các loại rau, màu sinh trưởng và phát triển thuận lợi, ít sâu bệnh. Các xã tiếp tục vận động người dân gieo trồng gối vụ các diện tích rau ăn lá, khoai tây, để tăng năng suất; thực hiện các biện pháp thâm canh, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Ðến nay, toàn huyện Thường Tín gieo trồng hơn 1.260 ha, đạt hơn 60% kế hoạch. Vụ đông năm 2020, huyện hỗ trợ xây dựng mô hình 20 ha trồng ngô tại các xã phía nam huyện; mô hình trồng đỗ tương tại xã Nghiêm Xuyên 21,6 ha; mô hình trồng khoai tây diện tích 3,6 ha tại xã Khánh Hà... Theo đại diện Phòng Kinh tế huyện, để hoàn thành chỉ tiêu gieo trồng, huyện chỉ đạo nông dân thu hoạch lúa mùa đến đâu, giải phóng đất đai, gieo trồng cây vụ đông đến đó, không để đất hoang hóa. Các hợp tác xã trên địa bàn huyện hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp làm đất khoa học khi gieo trồng cây nhằm giảm công lao động, chi phí sản xuất và gia tăng thu nhập. Huyện chỉ đạo các hợp tác xã chủ động cung ứng đầy đủ giống, vật tư bảo đảm chất lượng, làm tốt công tác tu sửa, nạo vét kênh, mương thủy lợi phục vụ sản xuất.

Huyện Phú Xuyên là địa phương thường xuyên dẫn đầu thành phố về sản xuất vụ đông. Năm nay, huyện phấn đấu gieo trồng hơn 3.840 ha, trong đó đậu tương được xác định là cây trồng chủ lực với diện tích hơn 1.000 ha, rau màu các loại đạt hơn 920 ha. Ðể khuyến khích nông dân sản xuất vụ đông, huyện hỗ trợ nông dân 50% kinh phí mua giống đậu tương, hỗ trợ 50% kinh phí mua giống trồng hành, tỏi, khoai tây, bí xanh, bí đỏ đối với diện tích trồng liền vùng, liền thửa và bảo đảm ít nhất 1ha/mô hình…

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm nay, thành phố gieo trồng 45 nghìn héc-ta cây vụ đông, tăng gần 13 nghìn héc-ta so với kế hoạch năm 2020. Ðây là nỗ lực rất lớn của thành phố để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2020 là 4,12% và bảo đảm nguồn cung lương thực do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sản xuất vụ đông rất thuận lợi để các địa phương đưa cơ giới hóa vào làm đất. Ðến nay, nhiều địa phương cơ bản hoàn thành gieo trồng, bước vào giai đoạn chăm sóc. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, thời tiết năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp. Dự kiến cuối tháng 12, khu vực Bắc Bộ có đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại. Nhiệt độ tại Hà Nội giảm sâu xuống dưới 100 C. Trong tháng 1-2021, nhiều đợt rét đậm, rét hại, gây ảnh hưởng lớn đến cây trồng. Bên cạnh đó, trên cây trồng vụ đông đã xuất hiện các loại sâu bệnh hại như nhện đỏ trên cây ăn quả có múi và trên hoa cây cảnh; bệnh héo vàng trên cây chuối; sâu xanh, bọ nhảy, sâu tơ đã xuất hiện nhiều trên cây rau. Trên cây ngô còn xuất hiện sâu keo mùa thu, chuột, sâu cắn lá. Trên cây đậu tương xuất hiện sâu cuốn lá, sâu khoang; trên cây cà chua bệnh mốc sương, sâu khoang, đốm lá…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Ðại cho biết, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp đề ra, đơn vị tập trung phối hợp các địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực thi đua sản xuất vụ đông; hướng dẫn nông dân sử dụng cơ cấu giống cây ngắn ngày ưa rét, chất lượng cao; tập trung chỉ đạo điều tiết nước phục vụ sản xuất; gieo trồng đúng khung thời vụ… Sở chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả; chỉ đạo các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, nhân viên kỹ thuật trồng trọt hướng dẫn nông dân biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại, góp phần vào thắng lợi vụ đông 2020 - 2021.

Bài và ảnh: Minh Vân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/tap-trung-gieo-trong-vu-dong-629839/