Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Công điện gửi: Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi các bộ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung bộ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cùng lãnh đạo các ngành chức năng kiểm tra thực tế hiện trường sạt lở, bàn phương án khắc phục tại nghĩa trang Hòa Sơn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cùng lãnh đạo các ngành chức năng kiểm tra thực tế hiện trường sạt lở, bàn phương án khắc phục tại nghĩa trang Hòa Sơn.

Khôi phục sản xuất, sinh hoạt sau lũ

Công điện nêu rõ: Hoàn lưu bão số 5, kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa rất lớn tại một số địa phương khu vực Trung Bộ, đặc biệt là tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam. Mưa lũ đã làm một số người chết và mất tích, hàng chục nghìn nhà dân ngập sâu, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học bị thiệt hại nặng nề.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu trên và lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, sinh hoạt sau lũ. Các địa phương bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nhất là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Trị tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở; tìm kiếm người còn mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, nhất là các gia đình có người bị chết, mất tích, gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn.

Khẩn trương rà soát các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là hộ nghèo, hộ có nhà bị sập đổ, trôi, hộ ở nơi bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt giao thông, tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, bảo đảm không để người dân bị đói, rét. Sắp xếp, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do mưa lũ; huy động các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung kích hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão lũ.

Các địa phương tập trung khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hại, ngập lũ, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, các tuyến giao thông huyết mạch, công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập để sớm cho học sinh trở lại trường, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh, khôi phục sản xuất sau lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân và chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới. Tiếp tục tổ chức lực lượng rà soát khu dân cư, trụ sở cơ quan, trường học có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, chủ động sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, hạn chế thiệt hại do sạt lở đất. Khẩn trương rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại do mưa lũ, kịp thời báo cáo cấp cơ thẩm quyền theo đúng quy định.

Dùng sức người để dọn nghĩa trang Hòa Sơn

Sau trận mưa lũ khốc liệt hoàn lưu của cơn bão số 5 ngày 14 và rạng sáng ngày 15-10-2022, tại Nghĩa trang thành phố Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng sạt lở đất đá dữ dội, vùi lấp hàng trăm ngôi mộ của người dân tại 6 địa điểm, khu vực phía Tây, Tây Bắc nghĩa trang thuộc dãy núi đồi Tiểu khu 41 Hòa Sơn, Hòa Vang.

Ngày 17-10, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn. Do vụ sạt lở xảy ra tại nhiều điểm, địa hình phức tạp, đến chiều cùng ngày, việc kiểm tra, thống kê cụ thể mức độ thiệt hại vẫn chưa thể hoàn tất. Các cán bộ ngành chức năng, UBND huyện Hòa Vang cũng cho biết, khó có thể xác định đã có bao nhiêu ngôi mộ tại các điểm sạt lở bị vùi lấp, vì nhiều ngôi mộ đã chôn cất từ hàng chục năm về trước, nhiều ngôi mộ cất bốc từ nơi khác đến. Thân nhân của các ngôi mộ cũng ở nhiều địa phương khác nhau trên địa bàn thành phố và tỉnh ngoài nên việc xác định là rất khó.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Nam cho biết: Tạm thời thành phố và ngành chức năng lên phương án, sẽ dùng phương tiện cơ giới để san gạt, thông tuyến lại các tuyến giao thông bị đất đá tràn lấp. Còn các khu mộ đã bị đất đá vùi lấp, đây là vấn đề “tâm linh, nhạy cảm”, nên không thể dùng phương tiện cơ giới, mà phải huy động lực lượng quân đội, thanh niên tại địa phương dùng phương pháp thủ công bằng tay để thu dọn đất đá sạt lở tại các khu mộ của người dân, giao cho UBND huyện Hòa Vang phụ trách công tác dọn dẹp này.

Chắc chắn việc khắc phục hậu quả sạt lở như đã nói trên tốn rất nhiều công sức, thời gian, nhưng buộc phải làm như vậy. Các công tác di dời hay sửa sang, khôi phục các khu mộ phần sẽ tính toán trong thời gian tiếp theo. Về lâu dài, ngành chức năng thành phố phải nghiên cứu, xử lý vấn đề sạt lở tại các sườn đồi núi Tiểu khu 41 Hòa Sơn khu vực bao quanh nghĩa trang bằng các biện pháp như xây dựng kè chắn, trồng cây xanh bao phủ có khả năng chống sạt lở lâu dài, bền vững.

Trong chiều ngày 17-10-2022, UBND thành phố cùng các ngành chức năng vẫn đang tiếp tục họp bàn để đưa ra các kế hoạch, phương án cụ thể chi tiết khắc phục, xử lý tình trạng sạt lở ở nghĩa trang thành phố tại Hòa Sơn.

HỒNG THANH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tap-trung-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-tai-khu-vuc-trung-bo-post268271.html