Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Tập trung lãnh đạo tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân trong phát triển kinh tế; đa dạng hóa cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, là khâu đột phá được Đảng bộ xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn lựa chọn để lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng chí Cầm Văn Mười, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Lương, cho biết: Đảng bộ xã có 394 đảng viên, sinh hoạt tại 22 chi bộ. Xác định thực hiện công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gắn với tiềm năng thế mạnh.
Đảng bộ xã thành lập 5 tổ cấp ủy theo dõi và phụ trách 17 chi bộ trực thuộc. Định kỳ hằng tháng phân công các đồng chí đảng ủy viên về dự sinh hoạt cùng các chi bộ bản, kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo phát triển kinh tế. Phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng bền vững. Vận động các hộ gia đình phối hợp với các HTX sản xuất theo hướng tập trung, khoanh vùng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP. Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp từ cây mía và trồng cỏ, phục vụ phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại.
Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn, các đợt tham quan học tập kinh nghiệm một số mô hình phát triển kinh tế tại nhiều địa phương, Đảng ủy xã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: Trồng chanh leo, nha đam, nuôi bò nhốt chuồng... Đến nay, xã Chiềng Lương phát triển trên 327 ha cây ăn quả các loại; 1.500 ha mía; chăm sóc 70 ha cà phê kết hợp trồng xen mắc ca và một số loại hoa màu khác. Duy trì gieo cấy trên 200 lúa 2 vụ; gần 1.000 ha ngô. Đồng thời, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp từ cây mía và trồng gần 100 ha cỏ, phục vụ phát triển chăn nuôi gia súc theo mô hình gia trại. Tổng đàn gia súc của xã có trên 3.000 con; đàn gia cầm trên 65.000 con. Toàn xã có 10 HTX nông nghiệp, liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản.
Đến bản Ý Lường, những nương ngô được thay thế bằng màu xanh của cây ăn quả, cây mía, cây nha đam. Hơn 3 năm trước, gia đình anh Hà Văn Chỉnh chỉ biết trồng ngô, lúa nương, thu nhập không ổn định. Năm 2019, được cán bộ xã, bản tuyên truyền, anh mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô sang trồng 600 cây nhãn. Anh Chỉnh cho biết: Sau 3 năm, cây nhãn bắt đầu cho thu hoạch; tận dụng diện tích, gia đình anh cũng trồng xen những cây ngắn ngày như đậu đỗ, thu nhập ổn định hơn.
Ngoài gia đình anh Chỉnh, trong 4 năm qua, các hộ dân của bản Ý Lường đã chuyển đổi gần 20 ha đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả; phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La liên kết trồng 140 ha mía.
Còn tại bản Phú Lương, cùng với vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn sang trồng cây mận hậu, chanh leo, bản khuyến khích nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Bằng, Bí thư chi bộ bản thông tin: Hiện nay, bà con trong bản trồng 15 ha cây ăn quả các loại, 10 ha rau màu, 20 ha mía. Năm 2023, bản có 2 hộ thoát nghèo.
Đẩy mạnh lãnh đạo nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đi đôi với xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp điều kiện thực tế địa phương; từng bước làm thay đổi phương thức sản xuất, đời sống của nhân dân dần được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 11,6%, giảm 4,1% so với năm 2022; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,5 triệu đồng, tăng 4,5 triệu đồng so với năm 2022.