Tập trung lực lượng phòng chống phá rừng trong mùa khô

Từ đầu mùa khô đến nay, tình hình phá rừng trên địa bàn huyện Bắc Bình diễn biến phức tạp, nhất là khu vực đập đầu mối, tiểu khu 102, tiểu khu 82B, xã Phan Lâm, khu vực dọc quốc lộ 28B còn xảy ra tình trạng các đối tượng ở xã Phan Hòa lén lút vào khai thác, vận chuyển lâm sản đi nơi khác tiêu thụ. Khu vực giáp ranh với Công ty Lâm nghiệp Bảo Thuận (Di Linh, Lâm Đồng), các đối tượng đã sử dụng xe máy độ chế vào khai thác, vận chuyển gỗ về xã Sông Lũy và khu vực Gia Bay, xã Phan Tiến để tiêu thụ. Còn khu vực giáp ranh với xã Thuận Hòa, Hàm Thuận Bắc, có một số đối tượng tại xã Thuận Hòa cũng sử dụng xe máy độ chế vào rừng khai thác lâm sản trái phép rồi vận chuyển ra đường quốc lộ 28. Riêng khu vực Phan Tiến, Phan Lâm, Phan Sơn có một số đối tượng đã mua bán, tập kết, vận chuyển gỗ cắt lóng ngắn để làm đũa.

Bắc Bình

Bắc Bình:

Lực lượng bảo vệ rừng của huyện Bắc Bình đã tịch thu phương tiện, lâm sản của các đối tượng phá rừng

Trước tình hình đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, Bắc Bình đã tiếp tục duy trì 5 trạm bảo vệ rừng, 1 tổ cơ động chống phá rừng và 7 tổ chốt bảo vệ rừng có sự tham gia của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại các vị trí xung yếu, điểm nóng phá rừng. Các tổ chốt được giao cho trạm bảo vệ rừng tự sắp xếp lực lượng phối hợp với các hộ nhận khoán tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý những đối tượng phá rừng. Đơn vị đã xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng theo từng tháng, từng quý tùy theo tình hình diễn biến phá rừng. Cán bộ lãnh đạo, nhân viên văn phòng của đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các trạm, tổ chốt bảo vệ rừng để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai sót, tiêu cực. Các trạm bảo vệ rừng tăng cường phối hợp với kiểm lâm địa bàn, lực lượng dân quân tự vệ các xã tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét tại các điểm nóng phá rừng, vùng rừng giáp ranh và các khu vực bị lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đối với diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm chưa xác định được chủ thể vi phạm, đơn vị đã kiểm tra lập biên bản vắng chủ, báo cáo cho các ngành chức năng, chính quyền địa phương để thẩm tra, xác định các đối tượng vi phạm. Xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng phá bỏ cây trồng, công trình xây dựng trái phép của các đối tượng trên đất lấn chiếm. Đồng thời, tăng cường công tác bám rừng, bám sát địa bàn quản lý, nắm bắt các nguồn thông tin liên quan để bố trí lực lượng và có kế hoạch phối hợp với kiểm lâm, chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý. Kiên quyết nhổ bỏ cây trồng trái phép trên diện tích đất lấn chiếm, phá rừng, tạo điều kiện cho rừng tái sinh. Phối hợp với các công ty lâm nghiệp của tỉnh Lâm Đồng tuần tra, truy quét, trao đổi thông tin tình hình phá rừng tại vùng giáp ranh và rà soát, bổ sung vào quy chế phối hợp với Trung đoàn 994 trong công tác bảo vệ rừng vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô và thành lập 7 tổ phòng cháy chữa cháy rừng tại các chốt, trạm bảo vệ rừng trên địa bàn các xã để sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Tổ chức cho 300 hộ nhận khoán ở xã Phan Lâm, Phan Sơn làm bản cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Thực hiện công trình đốt chần tại các tiểu khu thuộc xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến. Triển khai chế độ trực ban 24/24 tại các chốt, trạm bảo vệ rừng và thực hiện chế độ báo cáo tình hình bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng hàng ngày cho đơn vị nắm bắt kịp thời.

Khánh Huyền

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/bac-binh-tap-trung-luc-luong-phong-chong-pha-rung-trong-mua-kho-135918.html