Tập trung nguồn lực vào ngành nghề bị tác động bởi dịch bệnh

Ngày 7/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh phiên họp sáng 7/1. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Quang cảnh phiên họp sáng 7/1. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Xem xét lại mức giảm thuế suất phù hợp hơn

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình về nhóm giải pháp tài khóa tiền tệ trong việc đảm bảo mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; Quy mô gói hỗ trợ chính sách tài khóa, mức bội chi, khả năng huy động, khả năng giải ngân, quy mô, mức độ các chính sách thuế đề nghị miễn, giảm hoãn, các nội dung chi, tối ưu hóa nguồn lực, đảm bảo khả năng hấp thụ và triển khai chủ yếu trong năm 2022 – 2023.

Nhiều đại biểu cho rằng, về quy mô, mức độ gói hỗ trợ chính sách tiền tệ đã rõ ràng, đủ lớn; cần có các giải pháp cụ thể để thực thi, gắn kết đồng bộ với chính sách tài khóa tiền tệ…

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu của dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Đồng thời, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đại biểu Trần Đình Văn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng khẳng định, các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đưa vào dự thảo Nghị quyết khá tổng thể, toàn diện, đầy đủ từ quan điểm, mục tiêu, các giải pháp, phương án huy động nguồn lực, thí điểm cơ chế đặc thù, tổ chức thực hiện và giám sát. Đồng thời, do tính chất cấp bách của tình hình thực tiễn, đòi hỏi nội dung các cơ chế đặc thù trong dự thảo Nghị quyết cần được quy định cụ thể, rõ ràng, bảo đảm thi hành được ngay, không phải “chờ” văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với giải pháp tài khóa quy định tại khoản 1, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Đình Văn cho rằng còn có nhiều điểm chưa hợp lý khi quy định mức giảm thuế giá trị gia tăng (điểm a, khoản 1 của Điều 3). Do đó, cân nhắc mở rộng phạm vi và tăng mức giảm, đặc biệt, giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu. Bởi vì, làm được điều này, chúng ta vừa kích thích thị trường, vừa hỗ trợ cho cả cung - cầu, mang lại giá trị cho xã hội rất tốt. Hơn nữa, đây cũng là giải pháp dễ thực hiện hơn so với giải pháp khác.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ, Quốc hội tính toán, cân đối lại: Thay vì giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng trong năm 2022, xem xét lại mức giảm thuế suất phù hợp hơn (có thể là giảm 1%) và áp dụng trong 2 năm 2022-2023 để hạn chế biến động lớn đến nguồn thu ngân sách và phù hợp hơn với lộ trình, diễn biến phục hồi kinh tế.

Nhiều đại biểu cho rằng, chính sách tài khóa cần xác định rõ đối tượng được ưu tiên vào thời điểm nhất định. Ở giai đoạn hiện tại, tập trung cho y tế và phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm, chi cho phòng, chống dịch là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế và do đó là khoản chi tất yếu. Tuy nhiên, chi cho phòng, chống dịch cần tính thêm khoản chi cho mua vaccine (tới đây không còn được viện trợ) và mua thuốc chữa trị COVID-19. Khoản chi này nên tách riêng thành một điểm riêng, không nên nằm trong quy định về chi đầu tư phát triển. Cùng với đó, cần phải tiến tới xã hội hóa tiêm vaccine và điều trị COVID-19 để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, phải chủ trương xem COVID-19 là một bệnh đặc hữu, từ đó, cho phép sự vào cuộc của y tế tư nhân.

“Đây là thời điểm vàng cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông vận tải. Tận dụng lưu lượng đi lại của khách du lịch và người dân ít, nên tạo đột phá trong kết cấu hạ tầng. Với định hướng đó, cần xác định tăng đầu tư công tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, từ đó, có thể tạo ra công ăn việc làm, tạo ra dịch vụ cho xã hội, cuối cùng, sẽ đạt được đáp ứng mục tiêu kích cầu”, đại biểu Trần Đình Văn nêu ý kiến.

Hơn 346 nghìn tỷ, chúng ta sẽ thu được kết quả gì?

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đề nghị cụ thể hóa, ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các nghị quyết về phân bổ ngân sách của Quốc hội là đảm bảo nguồn lực, hiệu quả, kết quả đầu ra. “Với hơn 346 nghìn tỷ, chúng ta sẽ thu được kết quả gì”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đặt vấn đề.

Cho rằng nguyên tắc phải rõ kết quả nguồn lực đầu vào, hiệu quả đầu ra, nhưng đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng điểm này chưa được cụ thể hóa, dù Dự thảo Nghị quyết đã có 3 mục tiêu khái quát: Tăng trưởng GDP 6,5-7%/năm; phục hồi sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.

“Nếu không có cam kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác đánh giá kết quả thực tế sau này. Vì thế, cần đưa ra cam kết cụ thể, có thể là sản phẩm hữu hình, vô hình nhưng đều có thể tính toán được”, Vũ Thị Lưu Mai nói.

Gói hỗ trợ lần này sẽ phân bổ cho các mục tiêu khác nhau như giảm thuế, hỗ trợ lãi suất. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết những tiêu chí, nguyên tắc cụ thể về đầu tư nguồn lực.

Về danh mục dự án, có ý kiến cho rằng cần bao quát mọi lĩnh vực, nhưng theo quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ nên tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng.

“Chúng ta không chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nghị quyết trình Quốc hội lần này là chủ trương đúng đắn, nhưng việc khó khăn, là thử thách nên đòi hỏi trí tuệ, sự quyết tâm.

“Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần những bước đi vững chắc, cũng không chịu tác động của bất kỳ xu thế quốc tế nào vì mỗi quốc gia có con đường đi riêng, khác nhau, cũng như không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng, thành tích. Vấn đề cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu quan điểm.

V.Tôn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tap-trung-nguon-luc-vao-nganh-nghe-bi-tac-dong-boi-dich-benh-20220107141128775.htm