Tập trung thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền phát biểu thảo luận. Ảnh: XUÂN HIẾU

Ngày 22/10, Kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa XIV) dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.

Trong phiên làm việc sáng, các ĐBQH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Tiếp đó các ĐBQH thảo luận và tranh luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Tại phiên thảo luận, đa số ĐBQH tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC và tập trung thảo luận vào một số nội dung: XLVPHC đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy; việc xử phạt đối với đối tượng VPHC chưa thành niên; xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính như cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định…

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho rằng, đạo luật này có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nêu vấn đề: Điều 8 Luật XLVPHC năm 2012 quy định: “Cách tính thời hạn, thời hiệu trong XLVPHC được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc; Thời gian ban đêm được tính từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau”.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 147 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định: “Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định”.

Trong khi đó, một số quy định về thời hạn như việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hoặc thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ thì ngày lập biên bản, ngày tạm giữ có được tính vào thời hạn hay không vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể về thời gian, thời hạn, thời hiệu để khi thực hiện cơ quan có thẩm quyền không bị vi phạm.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền cũng cho rằng: Khoản 2, Điều 9 Luật XLVPHC năm 2012, quy định: “Người VPHC đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện VPHC, XLVPHC…”.

Tuy nhiên, hiện tại có nhiều cách hiểu khác nhau về quy định “tự nguyện khai báo”. Có trường hợp áp dụng tình tiết “tự nguyện khai báo” sau khi bị phát hiện, có trường hợp không áp dụng. Các cơ quan thi hành pháp luật cho rằng nếu tự nguyện khai báo trước khi bị phát hiện, bị tố cáo, được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là phù hợp, việc áp dụng quy định này sau khi bị phát hiện sẽ không thỏa đáng, bởi nó không phản ánh đúng tính chất, mức độ của việc tự nguyện. Do đó, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “đã tự nguyện khai báo trước khi bị phát hiện, bị tố cáo” trong quy định này.

Cũng theo ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, về “giao quyền xử phạt” tại Điều 54 có ý kiến cho rằng ngoài giao quyền xử phạt, việc giao quyền còn được thực hiện trong một số quy định khác như: Giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính (khoản 2 Điều 123); cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC (khoản 2 Điều 87)… Quy định việc giao quyền phải thực hiện bằng văn bản. Tuy nhiên, Điều 54 chỉ quy định giao quyền xử phạt, không quy định giao quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XPVPHC, cưỡng chế. Do đó, trong cùng một vụ việc làm phát sinh nhiều văn bản giao quyền. Để đảm bảo tính thống nhất về thẩm quyền, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tên gọi và nội hàm của Điều 54 là Giao quyền xử phạt, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XPVPHC.

Tại khoản 28 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi khoản 5 Điều 58 quy định về “Lập biên bản VPHC”. Theo ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, quy định “Trường hợp biên bản VPHC được lập có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung nêu tại các khoản 2 và 3 Điều này” là chưa phù hợp, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung, hình thức của hành vi VPHC, dẫn đến biên bản VPHC đó không còn giá trị chứng minh. Cần phải xác định rằng, biên bản xác minh tình tiết của vụ việc không có giá trị thay thế, sửa đổi, bổ sung biên bản VPHC. Biên bản VPHC là văn bản hành chính, trường hợp có sai sót có thể bị khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật mặc dù có thể được bổ sung bằng các biên bản xác minh tình tiết của vụ việc. “Để giải quyết vấn đề này, đề nghị cần phải có quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế Biên bản VPHC ngay trong điều khoản này”, đại biểu nêu.

Ngoài ra, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền cũng đề nghị Luật XLVPHC cần quy định cụ thể thời hạn giải trình và xem xét giải trình bằng văn bản cho phù hợp để không ảnh hưởng đến quyền giải trình của cá nhân, tổ chức; như thế nào là trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng… để làm căn cứ xác định thời hạn tạm giữ, thời hạn ra quyết định XPVPHC.

Phiên làm việc buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế. Tiếp đó, các ĐBQH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo; cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Hôm nay (23/10), kỳ họp tiếp tục làm việc ngày thứ tư bằng hình thức trực tuyến.

XUÂN HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/247965/tap-trung-thao-luan-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh.html