Tập trung thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển

Kiên Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển. Để phát huy tiềm năng, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, Kiên Giang xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Kiên Giang có hai huyện, thành phố đảo là Phú Quốc, Kiên Hải và 7 huyện, thành phố ven biển. Biển của Kiên Giang có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc trưng với vùng biển lớn trong vùng vịnh Thái Lan diện trên 63.000km2. Vị trí và điều kiện tự nhiên đã tạo nhiều tiềm năng, lợi thế cho tỉnh phát triển kinh tế biển.

Đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang cho biết, để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững vùng kinh tế biển của tỉnh trong thời gian tới cần xem đây không chỉ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các sở, ngành, địa phương có biển mà còn phải phát huy vai trò, trách nhiệm của địa phương không có biển. Tỉnh cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương có biển và không có biển. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo. Các cấp, ngành, địa phương rà soát, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, đảo, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển và hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận, bảo đảm phù hợp với quy hoạch của vùng. Hoàn thành quy hoạch các khu đô thị ven biển, hệ thống cảng biển phục vụ các ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ biển, khai thác thủy sản, hàng hải.

Đồng chí Đỗ Thanh Bình cho rằng, để phát triển kinh tế biển tỉnh cần nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lợi thế không gian biển để đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển gắn tăng trưởng xanh, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Song song đó, tiếp tục liên kết, cơ cấu lại các lĩnh vực, ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển; ưu tiên ngành, lĩnh vực phát triển thủy sản. Tập trung đẩy mạnh có hiệu quả đề án phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững đến năm 2030, nâng dần tỷ trọng nuôi biển trong cơ cấu ngành thủy sản. Cơ cấu lại đội tàu đánh bắt thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản gắn với thực hiện đề án điều tra các ngành, nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở xác định các vùng đánh bắt, vùng bảo tồn, vùng tái sinh thủy sản…

Nuôi cá lồng bè trên vùng biển Phú Quốc.

Nuôi cá lồng bè trên vùng biển Phú Quốc.

Tỉnh tập trung phát triển đô thị biển đặc trưng, mở rộng phát triển không gian đô thị về phía biển như TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên và một số đô thị ven biển khác trở thành động lực phát triển kinh tế biển của từng địa phương, từng vùng. Tỉnh đẩy mạnh hơn nữa phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, đảo mang đặc sắc riêng. Tiếp tục phát triển TP. Phú Quốc thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực và quốc tế. Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển; hạ tầng kỹ thuật các khu và cụm công nghiệp; hạ tầng viễn thông, điện và nước ngọt, nhất là ở địa phương có biển, các xã đảo tiêu biểu, có vị trí chiến lược. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp...

Những năm qua, Kiên Giang đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực khai thác hải sản, tổ chức, sắp xếp lại đội tàu khai thác hải sản theo hướng không tăng thêm số lượng tàu cá. Tỉnh chuyển đổi, sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng; vận động, khuyến khích đầu tư phát triển một số nghề khai thác thủy sản mang tính chọn lọc cao nhằm tăng tỷ lệ sản phẩm khai thác có giá trị cao đi đôi với thực hiện tốt công tác phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh còn 9.879 tàu cá. Sản lượng khai thác hải sản trung bình hàng năm đạt khoảng 585.000 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản khu neo đậu, tránh trú bão; nâng cấp, mở rộng cảng cá ở các địa phương có biển với tổng mức đầu tư ước trên 645 tỷ đồng. Đồng thời tích cực thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đầu tư, tín dụng và bảo hiểm.

Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/tap-trung-thuc-hien-hieu-qua-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-8853.html