Tập trung thực hiện nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu

Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ bổ sung Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) tỉnh là 1 trong 8 Khu KTCK trọng điểm quốc gia để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh tập trung phát triển KTCK (cùng với du lịch và nông nghiệp) là một trong 3 đột phá chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tháng 12/2023, Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức nâng cấp cặp cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang lên cửa khẩu quốc tế theo quyết định của Chính phủ 2 nước. Ngày 1/1/2024, Thủ tướng Chính phủ bấm nút khởi công tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đây là tiền đề đưa Cao Bằng thành điểm kết nối trong tuyến vận chuyển hàng hóa quốc tế, từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu và ngược lại.

Theo Trưởng Ban Quản lý Khu KTCK tỉnh Nguyễn Kiên Cường, giai đoạn 2021 - 2023, ngân sách Trung ương, địa phương đầu tư hơn 296 tỷ đồng xây dựng hạ tầng thiết yếu tại các cửa khẩu. Với quan điểm đầu tư hợp lý, hiệu quả, dùng “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, nhờ hạ tầng cơ sở dần hoàn thiện, Khu KTCK tỉnh thu hút 54 dự án đầu tư, gồm 49 dự án đầu tư trong nước và 5 dự án đầu tư nước ngoài. Có 43 dự án, trong đó, 22 dự án kho bãi đi vào hoạt động, cơ bản đáp ứng các dịch vụ cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa.

Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn - Cà phê tại Khu kinh tế Cửa khẩu Tà Lùng (Quảng Hòa) sản xuất cà phê hòa tan xuất khẩu sang Trung Quốc.

Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn - Cà phê tại Khu kinh tế Cửa khẩu Tà Lùng (Quảng Hòa) sản xuất cà phê hòa tan xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mỗi năm, có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn. Từ năm 2021 đến hết tháng 6/2024, tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua địa bàn tỉnh đạt 2,9 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm. Thu ngân sách từ hoạt động XNK hàng hóa và thu phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 40% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng thu ngân sách bình quân 138%/năm. Tính riêng 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua các cửa khẩu tại tỉnh đạt hơn 576 triệu USD, thu thuế XNK hàng hóa hơn 711 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch năm.

Khu KTCK Tà Lùng, huyện Quảng Hòa là trọng điểm về XNK hàng hóa, thu hút đầu tư trong Khu KTCK tỉnh. Đến nay, Khu KTCK Tà Lùng thu hút 39 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 3.319 tỷ đồng. Có 28 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Bà Linh Thị Xuân Huế, quản lý Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn - Cà phê, ở thị trấn Tà Lùng chia sẻ: Công ty đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng 2 dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu, đi vào hoạt động từ cuối năm 2018. Công ty nhập cà phê nguyên liệu từ vùng Tây Nguyên, phối chế, sản xuất sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê đen, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Từ năm 2023 đến hết tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt hơn 3 triệu USD, giải quyết việc làm cho 22 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Phạm Tường Lâm, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Máy và dịch vụ nông nghiệp Sơn Hà có trụ sở tại thị trấn Tà Lùng cho biết: Công ty chuyên gia công thực phẩm và phối hợp xuất khẩu mía nguyên liệu sang thị trường Trung Quốc. Năm 2023, Công ty gia công hàng thực phẩm giá trị hơn 500 triệu USD, xuất khẩu hơn 18.000 tấn mía nguyên liệu với doanh thu 25 tỷ đồng sang thị trường Trung Quốc; giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng; nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng.

Sự phát triển của KTCK có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Hiện nay, các xã, thị trấn biên giới dần hình thành các đô thị vùng biên với đông đúc cư dân sinh sống; cơ sở thương mại dịch vụ ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng; lĩnh vực lao động việc làm cũng đang có những chuyển biến tích cực, từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực thương mại dịch vụ. Hoạt động KTCK giải quyết việc làm cho 5.000 - 10.000 lao động với thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng.

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua lối thông quan Nà Đoỏng - Nà Ráy, Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Trùng Khánh).

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua lối thông quan Nà Đoỏng - Nà Ráy, Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Trùng Khánh).

Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh KTCK tại Cao Bằng còn một số điểm “nghẽn”. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, mà nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh. Do vậy, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc thỏa thuận với người dân về việc sử dụng địa điểm thực hiện dự án. Mặt khác, quỹ đất đã giải phóng mặt bằng còn ít, chưa tạo được mặt bằng sạch để bố trí cho nhà đầu tư nên công tác mời gọi chưa hấp dẫn, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn.

Hiện, tỉnh khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng cửa khẩu để làm cơ sở đề xuất các dự án đầu tư hạ tầng quan trọng và tạo cơ sở cho việc thu hút đầu tư vào khu KTCK. Ban Quản lý Khu KTCK tỉnh đang rà soát, tổng hợp danh mục các dự án hạ tầng thiết yếu để tham mưu cho tỉnh bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030. Các cơ quan, đơn vị tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 vào quản lý, xây dựng nền tảng cửa khẩu số, tiến tới cửa khẩu thông minh để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào khu KTCK tỉnh, XNK hàng hóa qua các cửa khẩu.

Ban Quản lý Khu KTCK tỉnh tiếp tục phối hợp, tăng cường công tác thu hút, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, mang tính lan tỏa để tạo đột phá cho phát triển; tham mưu UBND tỉnh đề xuất nội dung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển KTCK tỉnh để tạo nguồn lực, động lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu KTCK; hoàn thiện thủ tục đề nghị Bộ Công thương cấp ủy quyền C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục XNK hàng hóa qua địa bàn. Tiếp tục phối hợp, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công Khu công nghiệp Chu Trinh (Thành phố); đồng thời, triển khai các thủ tục xúc tiến xây dựng 2 Khu công nghiệp Tiên Thành (Quảng Hòa) và Đông Khê (Thạch An), bám theo tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nhằm phát huy lợi thế về giao thông, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Minh Ngọc

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tap-trung-thuc-hien-nhiem-vu-dot-pha-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-cua-khau-3172597.html