Tập truyện ngắn 'Qua những miền yêu' và những chuyện tình dễ thương dễ nhớ

Không ít người tự hỏi rằng liệu mình đã từng yêu chưa, hay yêu là gì, hay chăng nhớ nhung và vị tha chính là tình yêu? Tất cả câu trả lời sẽ được khắc họa qua 15 lăng kính nhân vật trong tập truyện ngắn 'Qua những miền yêu' mà NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM vừa giới thiệu đến công chúng.

"Qua những miền yêu" sẽ giúp ta nhận ra chính mình, chính tình yêu của bản thân ở cả quá khứ và hiện tại.

“Hình như… chưa bao giờ là của nhau nên cũng không thể gọi là đánh mất”, là câu nói chắc chắn khiến mọi người đọc dù rắn rỏi đến mấy cũng phải ngấn lệ khi đọc tác phẩm "Giới hạn vô hình" vốn là món quà mà nhóm các cây bút trẻ từng tham gia Cuộc thi viết truyện ngắn Một nửa làm đầy thế giới cùng ngồi lại sau chương trình, sinh hoạt và sáng tác dành tặng công chúng.

Đọc "Mùa hạ có em", chúng ta sẽ thấy một Hạ Lam kiên cường và sắt son với tình yêu dành cho chàng họa sỹ đa tình từng khiến cô xao lòng, tin tưởng gửi trao trái tim mềm yếu và rồi chính cô đón nhận sự phản bội.

Tình yêu trong câu chuyện này được ví von như một căn phòng và người có chìa khóa của căn phòng không chỉ là một, cũng giống như quan điểm rằng “giống như việc một căn phòng cả đời không chỉ có một ổ khóa thì nên việc thay ổ khóa là rất đỗi bình thường”.

Và đâu ai ngờ rằng, sau thăng trầm của cuộc sống, Huy lại khắc họa Hạ Lam thành nhân vật của bức tranh sơn dầu lấy bối cảnh một cô gái chạy ngang một cơn mưa rào đầu hạ, với màn mưa lùa vào mái tóc cô gái bay ngược về phía sau, mong manh từng sợi, kèm với đó là dăm ba cánh phượng lất phất.

“Trong những hạt mưa có giọt nước mắt của cô gái lẫn vào trong ấy”, tác giả Phong Dương dường như hoàn toàn hạ gục người đọc khi khắc họa một hình ảnh Huy rời Sài Gòn về Hội An như chạy trốn những kỷ niệm với Hạ Lam, với từng con đường góc phố mà đôi bạn trẻ đã từng sánh bước, nơi có mùa hoa kèn hồng dịu ngọt, có những đại lộ thênh thang và cả quán café bình yên trong hẻm vắng của những chiều hò hẹn.

Hay như với tác phẩm "Sưa vàng bên sông", chúng ta sẽ thấy được sự nấc nghẹn của Thanh với người chị gái tên Vũ mà cậu trai bỗng dưng có được nhờ ba má hai bên “gá nghĩa” để sớm hôm có nhau, cùng chăm lo cho bọn trẻ. Tình yêu mà Thanh dành cho chị Vũ là thứ tình yêu đơn phương, là kỷ niệm của những chiều thả diều ngoài mé sông, là thảm hoa sưa vàng óng ánh trên mặt đường quê, của lần tỏ tình chưa kịp nói đã bị ghẹo là con nít. Tình yêu ấy, có lẽ mãi đậm đà và đầy thương cảm, là sự thủy chung của tình chị em, quyện hòa bền chặt trong nghĩa gia đình trước biến cố của cuộc sống.

Đọc tập truyện ngắn "Qua những miền yêu", chúng ta cũng sẽ có dịp ngắm lại những chuyện tình học sinh thật đẹp như tác phẩm "Tuổi yêu không nghĩ nhiều", hay nỗi nhớ khắc khoải của lời hẹn ước trong "Bình bát trôi sông", hay sự ấm áp của ngọn lửa tình thương giữa Ngà và anh Năm trong tác phẩm "Mai xây cầu", là hình bóng của Luyến mà chàng kỹ sư Mãnh không bao giờ lãng quên bởi đó là nỗi nhớ được khắc ghi trong sâu thẳm con tim với bờ đê đầy hoa xoan tím biếc, là tinh thần luôn hướng về nguồn cội, bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của cha ông, tiền nhân trong "Qua thềm xoan muộn".

Có thể thấy rằng, đúng như lời đại diện nhóm tác giả viết trong lời giới thiệu, thì “tình yêu hệt như một thứ quả ngọt chín cây”, nhưng có người chạm tay đến, còn có người lại vụt mất. Nhưng hơn bao giờ hết, tình yêu cũng chính là động lực, là nguồn cơn cho mọi khát vọng sống. Yêu, đôi khi chỉ dung dị là sự hy sinh vì người mình yêu, hay vì tình bạn sắt son. Và đôi khi, yêu là nén chặt nỗi đau vào sâu thẳm trái tim để “ai đó” được hạnh phúc, là khát khao muốn hét lên chứng minh tình yêu dành cho đối phương...

Qua những miền yêu có lẽ sẽ giúp ta nhận ra chính mình, chính tình yêu của bản thân mình, ở cả quá khứ và hiện tại. Tập truyện ngắn hiện được giới thiệu tại Cửa hàng sách Văn hóa Văn nghệ (88-90 Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) và quầy M3 - đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM).

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tap-truyen-ngan-qua-nhung-mien-yeu-va-nhung-chuyen-tinh-de-thuong-de-nho-post77394.html