Tất bật, ngược xuôi mua sắm Tết

Cận Tết, không khí mua sắm của người dân ở nhiều địa phương càng trở nên sôi động, náo nhiệt hơn bao giờ hết. Vào trưa, chiều ngày 28/1 (tức 26 Tết), tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên nườm nượp người, phương tiện ngược xuôi, có thời điểm còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, nhất là ở những khu vực có chợ truyền thống, siêu thị và trung tâm thương mại. Trong dịp Tết, người dân chú trọng mua sắm đồ lễ, thực phẩm, chậu hoa cây cảnh trang trí nhà cửa, quần áo, trang sức mỹ nghệ… Sức mua tăng cao khiến các cửa hàng, chợ, siêu thị đông đúc, tấp nập.

Người dân đi mua sắm dịp Tết. Ảnh: Nguyễn Lượng

Người dân đi mua sắm dịp Tết. Ảnh: Nguyễn Lượng

Năm nay, do tháng Chạp thiếu 1 ngày nên 29 là 30 Tết. Như vậy, chỉ còn hơn 1 ngày nữa là chúng ta đón năm mới Nhâm Dần 2022.

Cận Tết, người dân đang “chạy nước rút” mua sắm, nhất là hôm nay, nhiều người mới được nghỉ. Trước đó, tranh thủ những ngày cuối tuần, người dân đã đi mua sắm nhưng đối với các loại thực phẩm tươi sống, phần lớn đều mua dịp áp Tết để đảm bảo chế biến các món ăn được tươi ngon.

Theo ghi nhận, thị trường hàng hóa phục vụ Tết năm nay dồi dào, không có nhóm, ngành hàng nào khan hàng, tăng giá.

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, gần 1 tuần nay, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại phải tăng cường lực lượng bán hàng, bảo vệ an ninh, nhất là vào các buổi tối do lượng khách hàng tăng cao.

Năm nay, các mặt hàng Tết như bánh mứt kẹo, rượu bia, giỏ quà tặng phần lớn là hàng Việt Nam, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, giá cả ổn định, không tăng so với năm ngoái.

Theo đại diện một số siêu thị, trung tâm thương mại, sức mua của người dân trong những ngày cận Tết tăng cao từ 20-40%.

Nếu như các mặt hàng khô tương đối ổn định về giá cả thì thực phẩm tươi sống ở các chợ truyền thống năm nào cũng có sự tăng giá nhất định, từ 10-30%. Trong đó, phải kể đến các loại thịt lợn, bò, gà, hải sản, riêng mặt hàng hoa quả tại một số chợ đầu mối tăng cao gấp 1,5-2 lần.

Cụ thể, tại một số chợ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, giá thịt lợn dao động từ 120.000-160.000 đồng/kg, thịt bò từ 290.000-320.000 đồng/kg, thịt gà ta từ 120.000-140.000 đồng/kg, tôm từ 250.000-600.000 đồng/kg (tùy loại tôm rảo hoặc tôm sú và trọng lượng con/kg), giò lợn 200.000 đồng/kg.

Đối với hoa quả, xoài Thái từ 60.000- 70.000 đồng/kg tăng lên 120.000-130.000 đồng/kg, cam canh từ 40.000- 50.000 đồng/kg tăng lên 80.000- 90.000 đồng/kg…

Trái với hoa quả và thực phẩm, giá các loại rau xanh, củ quả lại khá rẻ do thời tiết thuận lợi giúp cây trồng có điều kiện phát triển như su su, cà chua, su hào, bắp cải, cải ngọt…

Sáng sớm nay (tức 27 Tết), mặc dù thời tiết ở nhiều địa phương có mưa nhỏ song ở các chợ truyền thống người dân vẫn tấp nập đội áo mưa đi mua hàng.

Trên các tuyến phố, tranh thủ những lúc tạnh mưa, nhiều cửa hàng, shop quần áo, giày dép, đồ gia dụng... xả hàng bán thanh lý thu hút chị em, thanh thiếu niên đến mua sắm nhộn nhịp dịp cuối năm.

Cũng trong ngày hôm nay, lượng hàng hóa tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý, nhà phân phối vẫn rất dồi dào, đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu thụ trong nhân dân.

Chị Phạm Hồng Lý, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Chợ ngày Tết rất đông nên hôm nay tôi phải đi sớm vì lo tắc đường. Về cơ bản, gia đình tôi đã sắm Tết xong, chỉ cần mua thêm mâm ngũ quả bày bàn thờ và một số loại thực phẩm tươi sống.

Áp tết, giá hoa quả, thực phẩm tuy có đắt đỏ hơn so với ngày thường nhưng năm nào tôi cũng mua muộn để đảm bảo sản phẩm sau chế biến được tươi ngon.”

Để đảm bảo nguồn hàng hóa cung ứng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trước đó, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị, phòng chuyên môn theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để triển khai phương án, biện pháp nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết.

Yêu cầu các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid - 19; triển khai các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa; mở rộng mạng lưới phân phối, đặc biệt là khu vực nông thôn, nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân.

Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại để đảm bảo quyền lợi tiêu dùng cho nhân dân.

Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/73307/tat-bat-nguoc-xuoi-mua-sam-tet.html