Tất cả bộ gen con người được lưu trữ để có thể tồn tại hàng tỷ năm

Tại Anh, các nhà khoa học đã lưu trữ toàn bộ bộ gen của con người trong mẫu 'tinh thể bộ nhớ 5D' với hy vọng rằng nó có thể đưa loài người trở lại sau sự tuyệt chủng.

Công nghệ này được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học Southampton, Anh, và có tiềm năng lưu giữ những dữ liệu quan trọng của nhân loại trong tương lai, ví dụ như các tài liệu lịch sử, thư viện thông tin toàn cầu, hoặc các bản ghi về khoa học và văn hóa.

Đây là công nghệ lưu trữ thông tin tiên tiến sử dụng các cấu trúc tinh thể nano, đặc biệt là thủy tinh silic, có thể lưu trữ đến 360 terabyte dữ liệu trong mỗi đĩa. Vật liệu này chịu được các điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, bao gồm nhiệt độ lên đến 1.000 độ C, chống lại bức xạ, nhiệt độ đóng băng, hỏa hoạn, và các tác động vật lý mạnh mẽ, theo trường đại học cho biết trong một thông cáo báo chí công bố hôm thứ Năm.

 Mẫu pha lê chứa thông tin cho bất kỳ ai tìm thấy nó. Ảnh: Đại học Southampton

Mẫu pha lê chứa thông tin cho bất kỳ ai tìm thấy nó. Ảnh: Đại học Southampton

Nhóm của Kazansky đã sử dụng tia laser cực nhanh để ghi dữ liệu vào các tinh thể nano trong thủy tinh silic. Công nghệ này cho phép mã hóa dữ liệu vào các khoảng trống rất nhỏ, chỉ khoảng 20 nanomet (một nanomet là một phần tỷ mét).

Theo giáo sư Peter Kazansky, một chuyên gia về quang điện tử tại Đại học Southampton, công nghệ lưu trữ quang học 5D không chỉ mở ra khả năng lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ với độ bền hàng tỷ năm, mà còn có tiềm năng cực kỳ lớn cho lĩnh vực lưu trữ thông tin gen. Nó có thể bảo vệ dữ liệu di truyền của các loài sinh vật phức tạp như thực vật và động vật, từ đó giúp phục hồi hoặc tái tạo các loài sinh vật tuyệt chủng, hoặc tái tạo dữ liệu di truyền cho các mục đích khoa học khác.

Ý tưởng về việc lưu trữ thông tin mà không chỉ dành cho con người, mà còn cho những trí thông minh chưa biết trong tương lai, thể hiện tầm nhìn dài hạn về việc bảo tồn kiến thức nhân loại vượt qua các giới hạn của thời gian, không gian và sự tiến hóa công nghệ.

 Tinh thể được lưu trữ trong một hang muối ở Áo. Ảnh: Đại học Southampton

Tinh thể được lưu trữ trong một hang muối ở Áo. Ảnh: Đại học Southampton

Thomas Heinis, người đứng đầu về nghiên cứu lưu trữ DNA tại Imperial College London cho biết: “Công nghệ của họ rất ấn tượng”. Tuy nhiên, ông vẫn còn những câu hỏi về cách dữ liệu đó có thể được đọc trong tương lai.

“Công nghệ của Southampton có độ bền cao hơn, tuy nhiên điều này đặt ra câu hỏi: Để làm gì? Thế hệ tương lai liệu có biết cách đọc tinh thể?", ông nói thêm. “Tôi không thể sử dụng chiếc iPod 10 năm của mình và nghe những gì tôi đã nghe hồi đó”. Ông đặt ra những mối lo ngại thực tế về tính hữu ích lâu dài của công nghệ lưu trữ như các tinh thể quang học 5D.

Hiện loại kính này đang được lưu trữ trong một ‘hộp thời gian’ nằm trong hang muối nổi tiếng ở Áo.

Vào năm 2018, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Peter Kazansky tại Đại học Southampton đã sử dụng công nghệ lưu trữ quang học 5 chiều để lưu trữ bộ ba sách "Foundation" của Isaac Asimov, sau đó đã được gửi lên vũ trụ trên chiếc Tesla Roadster của Elon Musk, trong sứ mệnh SpaceX Falcon Heavy. Ngoài ra, công nghệ này đã được sử dụng để lưu trữ nhiều tài liệu lịch sử quan trọng khác như Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Magna Carta.

Hà Trang (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tat-ca-bo-gen-con-nguoi-duoc-luu-tru-de-co-the-ton-tai-hang-ty-nam-post313362.html