Tất cả vì mục tiêu kiểm soát dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam

Trước tình hình dịch Covid-19 với vi-rút biến chủng mới bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt cùng với cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân. Mọi nỗ lực lúc này là nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: Kiểm soát thành công dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các lực lượng dọn dẹp, thiết lập bốn bệnh viện dã chiến tại Khu tái định cư Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: DUY HIỆU

Các lực lượng dọn dẹp, thiết lập bốn bệnh viện dã chiến tại Khu tái định cư Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: DUY HIỆU

Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cao nhất

Những ngày này với tấm lòng đoàn kết và sự chia sẻ hơn bao giờ hết, cả nước đang hướng về TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam - nơi nhân dân đang phải đối mặt với những khó khăn, phức tạp hơn của dịch bệnh, nơi cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào bị ảnh hưởng do các biện pháp giãn cách. TP Hồ Chí Minh và bảy tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam là trung tâm kinh tế quan trọng nhất, chiếm 20% dân số, 45% GDP, 40% thu ngân sách của cả nước. Nơi đây tập trung rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn, nơi có mật độ dân cư lớn, giao lưu rộng, hoạt động thương mại sôi động... Chính vì thế, ngay từ đầu khi đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, dành nhiều thời gian cùng các địa phương đề ra nhiều giải pháp chống dịch kịp thời, hiệu quả. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp vào tận “tâm dịch” ở TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh miền đông và biên giới tây nam để thị sát, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh; động viên, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội đang căng mình làm nhiệm vụ chống dịch trên các địa bàn từ bệnh viện, khu cách ly đến khu vực biên giới. Trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác kiểm soát và quản lý biên giới tại Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (TP Châu Đốc, An Giang), Thủ tướng nhấn mạnh, phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới, nhưng nóng nhất lúc này là phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống yên lành cho nhân dân, do đó lực lượng biên phòng phải kiểm soát chặt biên giới tại các điểm xung yếu đã được chỉ ra.

Thủ tướng luôn khẳng định, chiến lược chống dịch phải linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa phòng ngự với tấn công, tấn công tốt thì mới phòng ngự tốt, phòng ngự tốt mới tấn công tốt. Trước tình hình dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg kể từ 0 giờ ngày 9-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh ưu tiên cao nhất với tinh thần “tất cả vì TP Hồ Chí Minh”, dành tất cả những gì tốt nhất cho thành phố: Tài chính, nhân lực, thuốc men, sinh phẩm, vật tư y tế, vắc-xin... Thủ tướng sẽ tiếp tục sát cánh hằng ngày, các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao để thành phố thực hiện bằng được ưu tiên cao nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, chống dịch hiệu quả, dứt khoát không để ai thiếu ăn, thiếu mặc và các nhu cầu tối thiểu, thiết yếu. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành phải nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả hơn trong tình hình mới.

Hầu hết số vắc-xin do Chính phủ Nhật Bản và cơ chế COVAX viện trợ trong các đợt đã được vận chuyển gấp vào TP Hồ Chí Minh để tiêm chủng kịp thời cho nhân dân. Chính phủ cũng thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc mua và nhập khẩu vắc-xin. Trước việc còn ách tắc trong khâu thẩm định, đánh giá trang thiết bị y tế nhập khẩu phục vụ chống dịch, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phải tháo gỡ ngay vướng mắc, xem lại toàn bộ quy trình công nhận trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”. Bộ Y tế nhìn nhận, việc phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần cho thành phố mà còn quyết định thành công trong phòng, chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Bộ Y tế có kế hoạch cử lực lượng chi viện (khoảng 10.000 cán bộ y tế) giúp thành phố lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị...

Hài hòa, linh hoạt, hiệu quả

Để thực hiện được mục tiêu kép, Thủ tướng luôn nhấn mạnh yêu cầu các địa phương phải hết sức chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tùy tình hình từng nơi, từng lúc để ưu tiên chống dịch hoặc ưu tiên sản xuất, hoặc đồng thời, đồng bộ cả hai nhiệm vụ này, bảo đảm phù hợp, tối ưu nhất. Việc đối phó chủng vi-rút mới chắc chắn rất khó khăn, phát sinh nhiều việc chưa có tiền lệ, do đó vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nhưng không nóng vội. Càng khó, càng phức tạp thì càng phải đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ; thực hiện tốt hơn phương châm “4 tại chỗ”. Lúc này rất cần những người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết; mặt khác phải xử lý nghiêm những cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, tham nhũng… Rút kinh nghiệm khi dịch bùng phát ở một số địa phương, có nơi có lúc không có đủ sinh phẩm, vật tư y tế do cơ chế bó buộc, Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế cùng với địa phương không được để thiếu sinh phẩm y tế cho các địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh trên tinh thần “ba không”: Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm. Thủ tướng cũng hết sức quan tâm việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước. Trực tiếp đến kiểm tra Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen - đơn vị đang nghiên cứu, sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 Nanocovax, Thủ tướng chỉ đạo phải đẩy nhanh hơn nữa quy trình thử nghiệm lâm sàng, “thay vì đi từng bước một thì phải bước nhanh hơn, thậm chí phải chạy trong lúc nước sôi lửa bỏng, cháy nhà chết người”. Quan điểm của Chính phủ là cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục cản trở việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin.

Một trong những điểm quan trọng nhất mà Thủ tướng liên tục chỉ đạo TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía nam, cũng như các địa phương khác, đó là phải nỗ lực duy trì phát triển sản xuất, bởi có chống dịch tốt thì mới phát triển sản xuất, sản xuất tốt thì mới có nguồn lực cho chống dịch. Bằng mọi giá, chúng ta không được để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Người Việt Nam có truyền thống “vừa tăng gia, vừa đánh giặc”. Phải đặc biệt coi trọng bảo đảm an toàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nơi nào đủ điều kiện, bảo đảm an toàn thì tiếp tục tổ chức sản xuất, khuyến khích các nhà máy cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ để duy trì hoạt động trong 15 ngày giãn cách, không để đứt gãy sản xuất. Dứt khoát không được để dịch lây lan vào các khu công nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Các địa phương phía nam cũng cần tham khảo cách chống dịch, bảo đảm sản xuất của các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh. Chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, không phải ngày một ngày hai. Càng khó khăn, thách thức, càng phải coi đây là động lực, cơ hội phấn đấu, vươn lên. Dịch bệnh cũng là thời cơ để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi cách thức làm việc, chuyển đổi số.

Phải làm tốt công tác khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị làm tốt; nhân rộng những điển hình hay, cách làm tốt, sáng tạo, hiệu quả; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm những cá nhân, đơn vị lơ là, thiếu trách nhiệm, không chấp hành đúng quy định trong phòng, chống dịch. Tại các cuộc họp khẩn với TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh biên giới tây nam, Thủ tướng luôn khẳng định mạnh mẽ: Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, trì trệ kinh tế - xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 phải “chỉ ra được địa chỉ cụ thể”, “không nể nang lúc này”; phải xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; người không làm được thì phải điều chuyển, thay thế ngay.

Chốt kiểm soát phong tỏa phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Chốt kiểm soát phong tỏa phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Thực hiện giãn cách xã hội chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đời sống của nhân dân, tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì không còn lựa chọn nào khác là phải ưu tiên cho chống dịch, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ phải vào cuộc, coi việc hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam kiểm soát dịch bệnh thành công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm lúc này. Người dân cũng nhận thức rõ và đồng tình với chủ trương của Chính phủ, của địa phương. Bí thư, Chủ tịch các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã, thôn phải vào cuộc với tinh thần cao nhất, “chống dịch như chống giặc”, mỗi tỉnh, mỗi huyện, mỗi xã là một pháo đài chống dịch; mỗi người dân là một chiến sĩ, là một thành viên của pháo đài, thì chúng ta mới ngăn chặn được dịch.

Với sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống chính trị các cấp, sự cố gắng của các lực lượng tuyến đầu không quản ngại gian khổ, cùng với sự đồng lòng của người dân, sự quan tâm, chia sẻ của cả nước, nhất định TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam sẽ chiến thắng đại dịch.

THANH GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tat-ca-vi-muc-tieu-kiem-soat-dich-o-tp-ho-chi-minh-va-cac-tinh-phia-nam-654677/