Tàu ngầm Triều Tiên: Mối đe dọa lớn hay chỉ là hổ giấy
Triều Tiên đang vận hành hạm đội tàu ngầm hơn 70 chiếc và có thể mang tên lửa đạn đạo, nhưng các chuyên gia vẫn hoài nghi năng lực chiến đấu của chúng trong một cuộc chiến lớn.
Hải quân Triều Tiên được xem là một trong những lực lượng chiến đấu mặt nước bí ẩn nhất hành tinh. Sự bí ẩn bắt nguồn từ việc hải quân nói riêng và lực lượng vũ trang Triều Tiên nói chung gần như “bế quan tỏa cảng” đối với quốc tế.
Các nguồn tin tình báo nhận định, Triều Tiên đang vận hành khoảng 70 tàu ngầm các loại. Phần lớn những tàu ngầm này được chế tạo trong những năm Chiến tranh Lạnh với công nghệ lạc hậu. Tuy vậy, hạm đội tàu ngầm Triều Tiên lại gây ra rất nhiều sự cố quốc tế.
Mối hiểm họa tiềm tàng dưới mặt nước
Tháng 9/1996, một tàu ngầm điện-diesel lớp Sang-O của Triều Tiên bị phát hiện mắc cạn tại bờ biển gần Gangneung, Hàn Quốc. Trước đó, tàu ngầm này đã bí mật tiếp cận bờ biển Hàn Quốc để thả 3 lính biệt kích. Nhiệm vụ của họ là do thám căn cứ hải quân Hàn Quốc được bố trí trong khu vực và quay trở lại điểm tập kết ban đầu sau 2 ngày.
Tuy nhiên, con tàu bị mắc cạn. Sau nhiều nỗ lực tìm cách thoát ra khỏi bãi cạn không thành công, thủy thủ đoàn 23 người cùng 3 lính biệt kích quyết định trở về Triều Tiên bằng đường bộ. Vụ việc dẫn đến cuộc truy lùng đẫm máu kéo dài 49 ngày của Hàn Quốc. Trong số 26 lính Triều Tiên, chỉ một người sống sót.
Tháng 6/1998, một tàu ngầm mini lớp Yugo bị vướng vào lưới đánh cá của ngư dân Hàn Quốc. Tàu ngầm Triều Tiên được kéo về căn cứ hải quân Hàn Quốc. Bên trong là cảnh tượng rùng rợn, 5 thủy thủ và 4 lính biệt kích đã tự sát để tránh bị bắt giữ.
Tháng 3/2010, tàu hộ tống ROKS Cheonan bị đánh chìm bởi một quả ngư lôi được cho là phóng ra từ tàu ngầm Triều Tiên khi đang hoạt động ở Hoàng Hải. Tàu chiến nặng 1.500 tấn bị vỡ làm đôi, 46 thủy thủ thiệt mạng cùng 56 người khác bị thương. Cuộc điều tra quốc tế kết luận, Cheonan bị đánh chìm bởi ngư lôi CHT-02D phóng ra từ tàu ngầm lớp Yono của Triều Tiên.
Ngoài các tàu ngầm cũ, Triều Tiên đang chế tạo tàu ngầm lớp Sinpo có khả năng mang tên lửa đạn đạo. Sinpo được cho là sử dụng công nghệ phóng tên lửa đạn đạo của Liên Xô phát triển trong những năm Chiến tranh Lạnh.
Tàu ngầm lớp Sinpo có thể mang theo một hoặc hai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1 (KN-11), tầm bắn khoảng 2.000 km. Công nghệ sử dụng trên tàu ngầm lớp Sinpo vẫn lạc hậu so với tiêu chuẩn hiện đại nhưng là một bước tiến lớn của Hải quân Triều Tiên.
Ẩn số năng lực chiến đấu
Bình Nhưỡng đang vận hành khoảng từ 52-70 tàu ngầm, gồm 4 tàu ngầm lớp Whiskey lượng choán nước 1.340 tấn do Liên Xô chế tạo, khoảng 20 tàu ngầm lớp Romeo, lượng choán nước 1.830 tấn do Liên Xô sản xuất. 7 tàu ngầm được nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, số còn lại chuyển đến Triều Tiên để lắp ráp.
Triều Tiên còn có khoảng 40 tàu ngầm lớp Sang-0 (lượng choán nước 330 tấn) và 10 tàu ngầm mini lớp Yono (lượng choán nước 110 tấn). Các tàu ngầm của Triều Tiên đều được trang bị ngư lôi, vũ khí cực kỳ nguy hiểm đối với tàu chiến mặt nước.
Joseph Bermudez, nhà phân tích về Triều Tiên nhận định, tàu ngầm Triều Tiên có công nghệ quá lạc hậu, tốc độ di chuyển dưới nước chậm, độ ồn khi hoạt động lớn và dễ bị phát hiện. Trong thời bình, chúng có thể trở nên nguy hiểm, đặc biệt là khi Hàn Quốc mất cảnh giác. Sự cố chìm tàu hộ tống Cheonan là một ví dụ điển hình.
Nhưng trong một cuộc chiến quy mô lớn, hạm đội tàu ngầm Triều Tiên khó có thể duy trì năng lực chiến đấu. Phần lớn tàu ngầm Triều Tiên có thời gian sử dụng rất dài, chất lượng linh kiện và vật liệu chế tạo bị xuống cấp theo thời gian, khó có thể đáp ứng tần suất sử dụng cao trong thời chiến.
Ở phía đối diện, Hàn Quốc và Mỹ sở hữu năng lực tác chiến chống ngầm cực kỳ mạnh mẽ. Hạm đội tàu ngầm Hàn Quốc ít về số lượng nhưng rất hiện đại. Cuối cùng, hạm đội tàu chiến mặt nước Triều Tiên quá mỏng và yếu để có thể bảo vệ cho lực lượng tàu ngầm.