Taxi truyền thống đổi mới để cạnh tranh

Trước sự phát triển của xã hội và nhu cầu thực tế từ khách hàng, các hãng taxi truyền thống đã phải đổi mới phương thức hoạt động nhằm giảm giá cước hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ.

Taxi truyền thống đang có những đổi mới trong kinh doanh nhằm giảm giá cước hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ

Taxi truyền thống đang có những đổi mới trong kinh doanh nhằm giảm giá cước hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ

Sau khi thị trường vận tải Việt Nam xuất hiện loại hình Uber và Grab thì số lượng phương tiện vận tải hành khách bằng taxi đã tăng đột biến về số lượng. Chỉ tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong vòng vài năm trở lại đây, số lượng xe Uber và Grab đã lên tới 24.000 xe. Tại Hà Nội, tính đến hết ngày 31/5/2017 đã có 4.900 xe Grab, 1.900 xe Uber. Tuy nhiên, con số này mới chỉ là tương đối vì còn rất nhiều xe chưa đăng ký.

Trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của loại hình taxi công nghệ đã phá vỡ và thay đổi hoạt động kinh doanh vận tải bằng loại hình taxi truyền thống. Để nắm bắt được nhu cầu và xu hướng của khách hàng buộc các hãng taxi truyền thống phải có những chiến lược kinh doanh mới nhằm cạnh tranh thị phần.

Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Taxi Vinasun cho rằng: “Từ khi xuất hiện loại hình dịch vụ Grab và Uber, các doanh nghiệp taxi truyền thống phải chịu sự cạnh tranh không công bằng về điều kiện kinh doanh, dù đã có đầy đủ những quy định pháp lý. Bởi lẽ, Uber, Grab không mua bảo hiểm cho lái xe, không mua bảo hiểm phương tiện, không chịu bất kỳ sự quản lý nào (trong khi taxi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tự quyết định giá cả, khi thấp điểm có thể hạ giá cước, nhưng khi cao điểm hay ngày lễ, Tết có thể tăng giá cước cao gấp 02 - 3 lần giá taxi truyền thống”.

Để tiếp cận khách hàng và cạnh tranh kinh doanh, chúng tôi đã đưa ứng dụng App vào đặt xe và quản trị để giảm chi phí, giảm giá thành... và cuối cùng sẽ giảm được cước phí. Do đó, doanh nghiệp taxi truyền thống hiện đang chú trọng đầu tư vào ứng dụng công nghệ để mang lại tiện ích cao nhất cho khách hàng như: Cho khách hàng biết trước giá, biết trước lộ trình để khách hàng yên tâm minh bạch về giá cả và hạn chế việc tài xế “vẽ vời” các quãng đường. Việc thay đổi đó giúp cho hành khách yên tâm sử dụng xe của hãng nhiều hơn.

“Ngoài ra trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ mở rộng chi nhánh tại tỉnh Phú Yên, Quảng Nam và một số tỉnh trong địa bàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Một khi taxi truyền thống sử dụng lợi thế sẵn có là thương hiệu, sự chuyên nghiệp, bài bản cùng việc ứng dụng công nghệ, lợi thế cạnh tranh sẽ hơn hẳn. Đặc biệt, Vinasun cũng nâng cao chất lượng phục vụ bằng biện pháp sa thải ngay những lái xe vô lễ với khách, chạy lòng vòng, gian lận cước, chê cuốc ngắn không đi”, ông Hỷ nhấn mạnh.

Về vấn đề này, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, doanh nghiệp taxi truyền thống nên tăng cường khả năng tương tác, giải đáp những phản hồi, thắc mắc, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng để phục vụ hành khách tốt nhất, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giảm giá cước thì mới có thể cạnh tranh với loại hình Uber và Grab.

Ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho rằng: “Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp taxi truyền thống đang được áp dụng 13 quy định về thuế, giá, logo, phù hiệu xe, lái xe… Việc tăng hay giảm giá cước vẫn phải khai báo với cơ quan chức năng như sở Tài chính, sở GTVT…, còn Uber, Grab không chịu bất kỳ ràng buộc nào.

Một xe ô tô cá nhân tham gia ký kết với Uber hoặc Grab thông qua một hợp tác xã hoặc doanh nghiệp vận tải, sau đó được Uber hoặc Grab đưa vào hệ thống, cấp tài khoản là có thể bắt đầu tham gia chở khách như taxi truyền thống. Giá cước có thể tăng hoặc giảm không cần khai báo. Điều này đồng nghĩa cơ quan quản lý cũng khó nắm được. Grab Taxi gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 02/2014. Uber chậm chân hơn đối thủ chút ít khi có mặt tại Việt Nam sau đó 4 tháng. Nhưng với những “ưu đãi” khó chấp nhận trong cạnh tranh như nói trên, Mai Linh cũng như các doanh nghiệp taxi truyền thống đều bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm sút. Riêng năm 2016, lợi nhuận Mai Linh từ hoạt động kinh doanh thấp nhất 5 năm gần đây”.

Để đổi mới trong hoạt động kinh doanh, Mai Linh hiện vẫn tiếp tục tập trung vào lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng taxi và xem đây là mũi nhọn. Để cạnh tranh với Uber và Grab, doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai áp dụng công nghệ gọi xe trong toàn hệ thống, nhất là trong điều kiện cạnh tranh không bình đẳng. Mai Linh coi việc áp dụng công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế là sự sống còn. Chúng tôi áp dụng công nghệ theo văn hóa Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế để phát triển bền vững.

“Từ giữa tháng 5/2017 tại TP. Hồ Chí Minh, Mai Linh đã áp dụng mức giá mở cửa chỉ 5.000 đồng. Đây là một giải pháp về giá để cạnh tranh với Uber, Grab. Một yếu tố quan trọng giúp cạnh tranh là Mai Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng”, ông Huy cho biết thêm

Văn Quyết

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/taxi-truyen-thong-doi-moi-de-canh-tranh-d53700.html