Tây Ninh: Sinh hoạt chi bộ gắn với giáo dục chính trị trên chốt dân quân biên giới
Lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tại cơ sở đối với lực lượng dân quân thường trực tại chốt dân quân biên giới thông qua triển khai hiệu quả bằng mô hình 'Sinh hoạt chi bộ gắn với giáo dục chính trị, phổ biến giáo dục pháp luật'.
Nhận thấy việc triển khai sinh hoạt chi bộ tại các chốt sẽ giảm bớt sự di chuyển của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ dân quân trên biên giới, từ năm 2023, được sự nhất trí của Đảng ủy Quân sự tỉnh Tây Ninh, Ban CHQS huyện Tân Biên tổ chức thí điểm triển khai mô hình “Sinh hoạt chi bộ gắn với giáo dục chính trị, phổ biến giáo dục pháp luật”. Theo đó, huyện chọn xã Tân Lập luân phiên mỗi tháng sinh hoạt chi bộ, gắn với giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật và nắm bắt tình hình tư tưởng tại một điểm chốt dân quân.
Xã Tân Lập, huyện Tân Biên là địa bàn có tuyến biên giới dài 32,2km giáp Campuchia đã được bố trí 4 chốt dân quân biên giới gồm: Cầu Ván, Đập Đá, Trảng Dầu, Cầu Cứ 24. Trong đó, cụm chốt Cầu Ván - Đập Đá nằm cách nhau 3,6km, cụm chốt Trảng Dầu - Cầu Cứ 24 cách nhau 4,5km. Đồng chí Đào Văn Sớt, Bí thư Chi bộ quân sự xã Tân Lập chia sẻ: "Hằng tháng, chi ủy, chi bộ quân sự xã căn cứ tình hình thực tế để lựa chọn chốt dân quân biên giới làm địa điểm sinh hoạt chi bộ, không nhất thiết phải theo thứ tự, nhưng bảo đảm thay đổi địa điểm thường xuyên. Tất cả các chốt đều được chọn làm địa điểm sinh hoạt chi bộ trong năm".
Tham dự một hội nghị sinh hoạt tại Chi bộ quân sự xã Tân Lập, chúng tôi nhận thấy, chương trình sinh hoạt được diễn ra cởi mở, chân thành gồm các nội dung: Hội nghị sinh hoạt chi bộ theo Hướng dẫn số 01-HD/ĐUQS ngày 10-3-2023 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong cơ quan quân sự và đơn vị bộ đội địa phương các cấp của tỉnh. Chi bộ quân sự xã Tân Lập kết hợp giáo dục chính trị và phổ biến giáo dục pháp luật theo Quy chế giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 438/QĐ-CT, ngày 21-3-2016 của Tổng cục Chính trị. Bên cạnh ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tháng, kiểm điểm việc đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên, quần chúng, chi bộ còn thông tin quản lý tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, định hướng trao đổi tình hình an ninh chính trị trong lực lượng vũ trang Quân khu 7, địa bàn tỉnh Tây Ninh, đồng thời thông tin Luật Dân quân tự vệ, giảng bài chính trị cho đối tượng dân quân thường trực...
Bên cạnh đó, đồng chí bí thư chi bộ còn trao đổi, nắm tình hình tư tưởng, kết quả thực hiện nhiệm vụ của dân quân thường trực các chốt dân quân biên giới, giải đáp tại chỗ các vướng mắc của đảng viên như: Tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, việc ăn, ở, bảo đảm chế độ và tình cảm, tâm tư nguyện vọng của đảng viên nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trao đổi tình hình đảng viên nắm hộ dân… Sau hội nghị sinh hoạt, cấp ủy, chi bộ đã đánh giá chất lượng, đưa ra nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn chỉnh hơn, theo đúng thực tế tại đơn vị.
Thiếu tá Vũ Trường Trung, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tân Biên, Tây Ninh cho biết: "Mô hình “Sinh hoạt chi bộ gắn với giáo dục chính trị, phổ biến giáo dục pháp luật” được triển khai thí điểm bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Các chốt dân quân được quan tâm, động viên, đầu tư về nhân lực lẫn vật lực. Các chốt được tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau nên công tác xây dựng đơn vị có nhiều đổi mới, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được nâng cao. Đến nay, mô hình phát huy được hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh, mô hình tổ chức sinh hoạt chi bộ kết hợp giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật và nắm tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sĩ ở các chốt của huyện Tân Biên vừa giúp rút ngắn thời gian hội họp, vừa bảo đảm toàn diện trong các mặt công tác. Qua đó, tạo sự thuận lợi cho cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ.
Đại tá Nguyễn Văn Hoàng nhấn mạnh: "Mô hình giúp nắm bắt được tư tưởng, tâm lý, nguyện vọng, nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ dân quân vùng biên giới; đồng thời là một kênh thông tin hết sức quan trọng để cấp ủy, chỉ huy các cấp có được nhận xét, đánh giá tốt nhất về năng lực, khả năng hoạt động của từng dân quân. Từ đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp có cách thức tuyển chọn lực lượng luân phiên bảo đảm nâng cao chất lượng, thu hút tính tự giác, tình nguyện xung kích lên tuyến đầu của thanh niên".
Mô hình “Sinh hoạt chi bộ gắn với giáo dục chính trị, phổ biến giáo dục pháp luật” đã giúp mỗi dân quân cảm nhận được sự quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện công tác của cấp ủy, chỉ huy, tạo được sức lan tỏa lớn và niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong thời gian tới, mô hình tiếp tục được lan tỏa rộng đến 5 huyện, thị xã biên giới của tỉnh Tây Ninh (huyện Châu Thành, Bến Cầu, Tân Biên, Tân Châu và thị xã Trảng Bàng) để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở.
Bài và ảnh: VĂN NẾT
*Mời bạn đọc vào chuyên mục
Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.