Tây Thiên trong mắt ai

Ngọn suối nguồn chảy từ trong đá, giọt nước mát đọng trên lá cây, thoang thoảng hương nếp ngái mà nồng nàn; những ánh nắng chờ đợi chiều tà để buông… Tây Thiên như một bức tranh tràn đầy sức sống trải dài theo thời gian với những đường nét xanh thẳm thiên nhiên hùng vĩ, hành trình những câu chuyện tâm linh huyền bí về con đường đến với Phật, về với Mẫu. Và còn những dấu tích chưa khám phá hết để mỗi chúng ta vẫn khắc khoải kiếm tìm…

Lần này, chúng tôi quyết định đến Khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo bằng cáp treo khi lên và đi bộ khi xuống núi. Tây Thiên buổi sơ khai chỉ là một đường mòn duy nhất được các thủ từ, thủ đền cùng người dân “vắt mồ hôi, sôi nước mắt” mở đường.

Chùa cổ Tây Thiên huyền bí tọa lạc trên đỉnh núi Thạch Bàn

Chùa cổ Tây Thiên huyền bí tọa lạc trên đỉnh núi Thạch Bàn

Hạnh phúc, hãnh diện khi được “phát quang”, tìm lối về với đất Phật, đất Mẫu, họ - những con người dành tâm thiện cả cuộc đời để mang đến cho chúng ta buổi bình minh về cội nguồn của dân tộc, tổ tiên.

Hành trình cùng tôi là cô bạn “thổ dân” ở đây, từ đền Thỏng ra ga để đi cáp treo, cô dặn dò: “Chuẩn bị tinh thần đi, lúc về cuốc bộ sẽ rất mệt và chùn gối vì bậc đá liên tục đấy. Nhưng rồi, đi bộ mới cảm nhận được hết Tây Thiên, muốn ghé thăm tìm hiểu điểm nào thì chúng ta rẽ vào. Càng đi càng thấy thú vị và để khám phá hết nơi đây cũng phải mất ít nhất 1 tuần thong thả”.

Đi trong một ngày, chúng tôi chỉ tới được những điểm chính nhất để cảm nhận hơi thở, linh hồn của một miền mênh mông, sâu thẳm mà huyền bí linh thiêng!

Tôi nhớ lại, trong cuốn sách “Tam Đảo xưa và nay” có ghi: “Thời Lê Sơ thế kỷ thứ XV có một người đương thời là Cao Hùng Trưng đã viết về Tây Thiên: “Núi Tam Đảo ở địa phận Tam Dương có ba ngọn sừng sững nổi cao vút đến tận trời cùng với Tản Viên, hai ngọn xứng nhau là danh sơn của Giao Chỉ. Tiên uyển ở trong núi nhiều hoa lạ quả quý. Trên núi có am Vân Tiên, am Lưỡng Phong, thang Bộ Vân, am Song Tuyền, cầu Đái Tuyết. Sườn núi có chùa Tây Thiên, trên đỉnh lại có chùa Đồng Cổ và vô số những thác ghềnh, phong cảnh đều kỳ tuyệt”.

Động Phật bà Quan Âm uy linh giữa đỉnh núi Thạch Bàn

Động Phật bà Quan Âm uy linh giữa đỉnh núi Thạch Bàn

Phong cảnh tuyệt vời ở Tây Thiên tưởng như chỉ có ở trong tranh vẽ, một bức tranh có núi rừng xanh thẳm, có suối chảy thơ mộng hay những cánh chim chao liệng giữa bầu trời khiến bất kỳ ai tới đây cũng mê mẩn, đắm say…

Khu danh thắng Tây Thiên được lấy tên từ một ngôi chùa trên ngọn núi Thạch Bàn của dãy Tam Đảo - Tây Thiên cổ tự, nằm ở phía Tây Nam thuộc địa phận thị trấn Đại Đình ngày nay. Gắn với vùng đất này là hệ thống chùa, tháp, đền. Tại khu vực núi Thạch Bàn hiện nay có 5 ngôi chùa cổ, 3 ngôi mộ của các thiền sư và được xây lăng quy mô, hoành tráng. Núi Thạch Bàn xứng danh được gọi là Tây Thiên-nơi đất Phật.

Ngồi trên cáp treo, chúng tôi có thể nhìn thấy ngọn Thạch Bàn sừng sững chứa đựng nhiều bí ẩn, mây xếp lớp hình vòng cung ôm trọn đỉnh núi, từng sợi bảng lảng như chốn bồng lai, tiên cảnh. Chỉ mất 7-10 phút là chúng tôi đã có thể đặt chân tới Khu di tích đền Thượng, đền Cô Chín, Tam Tòa Thánh Mẫu… hay đến khu vực chùa Tây Thiên, động Phật bà Quan Âm… Mỗi di tích là một câu chuyện huyền thoại chứa đựng nhiều giáo lý.

Điểm nhấn ở khu danh thắng chính là ngôi đền Thượng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và chùa Tây Thiên. Tam Đảo xưa có các vị Tiên thường đến họp, Vua Hùng Vương thứ 7 là Chiêu Vương đã lòng thành chay tịnh đến xem… Khi tới, ngài thấy cảnh tượng "đỉnh non gấm vóc, chóp núi thêu hoa, khe biếc xanh vạn nhánh, dòng chảy yên lành; hoa cỏ tranh thơm trên các vách đẹp, bên đầu non hình thế như hổ trắng đang nằm, thấy có một chùa cổ Tây Thiên". Phật giáo đã có ở Tây Thiên từ khi ấy.

Cũng là chuyện xưa còn truyền lại, Quốc Mẫu Tây Thiên là vị tiên nữ tu tiên, nên bà chọn nơi đất Phật Tây Thiên để tu hành. Từ thời Vua Đinh, Lê đã ghi nhận công lao của Quốc Mẫu với đất nước dạy dân trồng lúa, giúp dân đánh giặc từ buổi sơ khai, nhà Vua đã truyền lệnh lập đền để tri công đức lại của Quốc Mẫu và chọn nơi linh địa - đất Phật Tây Thiên để đặt đền thờ.

Đền Thượng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên - điểm nhấn trong quần thể khu danh thắng

Đền Thượng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên - điểm nhấn trong quần thể khu danh thắng

Đặt chân tới núi Thạch Bàn, chúng tôi được vào thắp nén tâm hương tri ân công đức của Quốc Mẫu, tạ ơn với trời Phật. Đến Tây Thiên mùa này hay mùa nào cũng không bao giờ vắng vẻ bởi luôn có những đoàn người hành hương, chiêm bái và chinh phục núi rừng nơi đây.

Hai cha con cùng chuyến cáp treo đến từ Hải Phòng cũng trò truyện thân mật như đã quen biết chúng tôi từ lâu: “Đúng là đất Phật, đất Mẫu, đến đây thấy một vùng trời trong lành, sảng khoái mà bình yên. Tâm hồn vương bụi trong cuộc sống thường nhật bỗng như được gột rửa.

Mỗi lần đến Tây Thiên là như đến cõi tiên để rồi lại trở về với trần thế; chuyến đi như đánh thức góc khuất tâm hồn, nhìn lại chặng đường đã qua để thêm những năng lượng tích cực, sống thiện lương và nhân ái hơn với cuộc đời!”.

Anh con trai tâm sự và không quên gửi vào tay tôi nhánh hoa rừng ngắt bên sườn núi. Đúng là, tới đây, mỗi con người bỗng gần gũi nhau hơn, yêu thương hơn và thức tỉnh ngọn nguồn trong cuộc sống!

Cảnh núi rừng thơ mộng giữa núi rừng Tây Thiên

Cảnh núi rừng thơ mộng giữa núi rừng Tây Thiên

Trở xuống với đôi chân chạm đất, chạm rừng, chúng tôi trải nghiệm du lịch tracking và bất ngờ với khá nhiều người cũng thong thả từng bước. Quả thật, có vào rừng mới cảm nhận được hơi thở của rừng, lá phổi xanh của mẹ thiên nhiên - nơi Tây Thiên vẫn nguyên vẹn và được những bàn tay của mỗi con người vẫn đang ngày đêm bảo vệ.

Những người dân bản địa vẫn luôn bám rừng dù hệ thống cáp treo được đầu tư, có ít du khách đi bộ để ghé chân vào quán uống nước… Họ vẫn sinh nhai ở đây dù nghèo, dù không còn nguồn thu như trước.

Họ bảo: “Ở đây với rừng là chính, ngủ đêm không sợ trộm, mùa hè không sợ nóng… chỉ sợ ít khách qua lại bằng con đường độc đạo cuốc bộ này thì buồn”.

Xung quanh những ngôi nhà ngói, nhà lá của họ là những vườn chuối rừng được trồng thêm xanh mát mắt. Có lẽ sinh ra với rừng và sau này cũng về cội với rừng nên khiến tình yêu với rừng luôn mãnh liệt, căng tràn. Không có bất cứ thợ săn bắt chim muông, thú rừng nào… Chúng tôi thấy những con chim chào mào, xẻ quạt hay sóc rừng vẫn bay nhảy "trêu đùa" những loài hoa ngạt ngào hương thơm!.

Chúng tôi qua các đền Cô, đền Cậu và dừng lại ở dòng suối Giải Oan, tương truyền ai có nỗi oan ức nếu tắm, gội hay rửa mặt ở đây thì có thể được giải hết oan khuất. Nước trong vắt nhìn thấy đáy! Những viên sỏi cuội ánh lên trong nắng tưởng chừng chỉ có ở trong tranh! Nhiều loài hoa rừng cũng bắt đầu đua nhau tỏa hương, khoe sắc…

Ghé chân vào nhà một người dân, đúng lúc bữa cơm đạm bạc với rau rừng được dọn ra bên tấm phản, họ rất chân thành khiến chúng tôi như được trở về với gia đình sau chặng đường dài mệt mỏi. Uống ngụm nước suối và vốc nước xoa mặt, cơ thể tỉnh lại như chưa từng qua những đoạn dốc mỏi rời. Cơm trắng, rau rừng, măng rừng, chúng tôi và họ - vợ chồng già giữa rừng mừng mừng, hạnh phúc như gặp nhau từ kiếp nào!

Một đoàn khách có 3 người, 2 nam và 1 nữ - họ là mẹ con, dừng lại bên quán uống nước, mời chúng tôi trái bưởi lấy từ trong ba lô… Chúng tôi và họ nhập cuộc một cách tự nhiên như những người bạn đồng hành với rừng! Họ cũng giống chúng tôi, hành trình khám phá và yêu rừng! Người mẹ nói, họ ở Đông Anh, Hà Nội - mỗi tháng một lần, gia đình lại cùng nhau hành lý, ba lô tới Tây Thiên, họ cùng nhau đi bộ để rèn luyện sức khỏe và hít thở không khí trong lành.

Giếng nước thần ở đền Cô Bé trong quần thể Khu danh thắng Tây Thiên

Giếng nước thần ở đền Cô Bé trong quần thể Khu danh thắng Tây Thiên

Bà nói: “Chẳng phải đi đâu quá xa, núi rừng Tây Thiên, Tam Đảo là một điểm du lịch sinh thái, tâm linh mà chúng tôi thường đến, hít thở bầu không khí trong lành cho tâm hồn thêm thanh khiết, mỗi lần trở về là thêm phần sức khỏe, tâm trạng phấn chấn. “Kho báu” thiên nhiên này nếu biết khám phá, trân trọng, gìn giữ thì muôn phần đáng quý”.

Câu nói của vị khách đến với Tây Thiên như nhen lên ngọn lửa trong lòng mỗi chúng tôi, vừa suy ngẫm, để tôn trọng thiên nhiên cũng như vừa hãnh diện với “tài sản” quý giá mà tạo hóa đã ưu ái ban cho vùng đất lành Vĩnh Phúc!

Bài, ảnh: Nghĩa Thành

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phong-su-ghi-chep/78821/tay-thien-trong-mat-ai.html