Tệ nạn ở nơi không ngờ
Bạo lực, tệ nạn đã và đang ngang nhiên xảy ra ở những nơi khó ngờ tới: trong nhà trường, bệnh viện tâm thần và cả cơ quan hành chính nhà nước.
Tuy không bi quan tới mức nghĩ rằng đó là hiện tượng phổ biến trong đời sống xã hội hôm nay nhưng những thông tin như thế chắc chắn khiến chúng ta bất an...
Sự việc bảo vệ tổ dân phố đánh đập 2 thiếu niên ngay trong phòng giám thị của Trường THCS Nguyễn Văn Tố (phường 14, quận 10, TP HCM) là một hồi chuông báo động. Đoạn clip cho thấy 2 thiếu niên bị nghi ăn cắp đã không có cơ hội giải thích hay khả năng bảo vệ chính mình trước những cú lên gối, đấm đá dồn dập của một bảo vệ tổ dân phố. Sự việc dấy lên lo ngại với cách "bảo vệ an ninh" như thế thì ai cũng có thể trở thành nạn nhân và đối tượng yếu thế là trẻ em, trẻ vị thành niên sẽ có nguy cơ bị tấn công bất cứ lúc nào.
Điều đáng nói, sự việc xảy ra ngay trong phòng giám thị nhà trường, nơi được mở ra để duy trì nề nếp, sự tôn nghiêm của môi trường giáo dục; nơi uốn nắn học sinh sống có ý thức, kỷ luật và trách nhiệm với người khác. Vẫn biết trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, trách nhiệm của "khu vực giám thị" khá lớn trong bảo đảm an ninh, kỷ cương của môi trường dạy và học nhưng việc phải sử dụng đến bạo lực, mở đường cho bạo lực đi vào trường học thì hoàn toàn trái ngược với sứ mệnh sư phạm và tính "tự trị" của nhà trường.
Trách nhiệm quản lý là câu hỏi đầu tiên được đặt ra. Cũng như câu chuyện mua bán ma túy và biến phòng điều dưỡng của bệnh nhân thành "phòng bay lắc" xảy ra ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội), dư luận muốn được truy vấn đến cùng trách nhiệm quản lý của ban giám đốc bệnh viện này và xa hơn là các cơ quan quản lý y tế địa phương ở đâu?
Việc truy trách nhiệm không chỉ dừng lại với cán bộ bệnh viện đã trực tiếp tham gia các "phi vụ" mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy trái phép, mà cần làm rõ sự dung túng cho tệ nạn diễn ra. Chỉ khi nào chấn chỉnh được trách nhiệm quản lý, trách nhiệm với chính môi trường lao động, thúc đẩy một hệ thống y tế biết tự đề kháng sự xâm nhập của tệ nạn mới mong có thể ngăn chặn được tệ nạn ở chính cái nơi được lập ra để cứu người, chăm sóc sức khỏe và sự lành mạnh của con người.
Nhưng sẽ thế nào nếu chính người đứng đầu các cơ quan chức năng lại vướng vào tệ nạn như sự việc vừa xảy ra (trường hợp 2 chủ tịch 2 phường 1 và 6 của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng sử dụng ma túy trong một homestay và bị phát hiện)? Việc truy cứu trách nhiệm lúc bấy giờ lại là hệ thống giám sát ở cấp cao hơn và cả chính trong nội bộ của cơ quan đã có thể bao che cho hành vi phạm pháp.
Một hệ thống quản lý và giám sát có trách nhiệm với môi trường công sở, nơi làm việc đặt trong sự liên đới trách nhiệm với xã hội cần được xây dựng lại nghiêm túc hơn, thay vì né tránh, cầu an hay vị kỷ theo tư duy "ai sai mặc ai, đó không phải việc của mình".
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/te-nan-o-noi-khong-ngo-2021040422103837.htm