Tên lửa Ấn Độ suýt bị khai tử bất ngờ sống lại: Trung Quốc hãy coi chừng 'luôn và ngay'
Một trong những dự án vũ khí đầy tham vọng của Quân đội Ấn Độ là sản xuất tên lửa hành trình cận âm Nirbhay, có khả năng mang theo đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa Ấn Độ suýt bị "khai tử", bất ngờ sống lại
Chương trình phát triển tên lửa hành trình cận âm Nirbhay của Ấn Độ được bắt đầu từ những năm 2000.
Dự án này được thực hiện bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) Ấn Độ. Nhưng cũng như các dự án phát triển vũ khí khác của Ấn Độ, trong một số thời điểm, dự án này đã bị đe dọa hủy bỏ.
Đầu năm 2017, truyền thông Ấn Độ trích dẫn các nguồn tin cho biết, giới lãnh đạo Ấn Độ đã xem xét khả năng "đóng băng" dự án này, do chi phí sản xuất tăng và kết quả thử nghiệm trong vài năm không mấy khả quan.
Tuy nhiên sau đó, dự án tên lửa Nirbhay bất ngờ lại được tiếp tục, khi giai đoạn thực hiện một số cải tiến cần thiết cho tên lửa Nirbhay đã kết thúc vào mùa hè năm 2018. Tháng 4/2019, cuộc thử nghiệm Nirbhay lần thứ 6 đã diễn ra thành công và đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.
Tên lửa hành trình Nirbhay có tốc độ cận âm, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn; được phóng đi từ các xe phóng di động do Công ty tư nhân Tata chế tạo. Phương tiện mang, phóng này được phát triển dựa trên loại xe tải bánh lốp 6 cầu chủ động (12x12) có khả năng cơ động cao trên mọi địa hình.
Các lần thử nghiệm phóng của tên lửa hành trình Nirbhay
Lần thử nghiệm phóng đầu tiên đối với tên lửa Nirbhay được lên kế hoạch vào tháng 10/2012, nhưng đã bị hoãn đến ngày 12/3/2013, do có những thay đổi đối với bệ phóng và một số vấn đề về kỹ thuật.
Trong lần thử nghiệm này, Nirbhay được sử dụng để bắn vào một mục tiêu tĩnh ở cự ly 1.000 km trên Vịnh Bengal.
Và cuộc thử nghiệm chỉ thành công một phần theo kế hoạch đặt ra, khi tên lửa rời được bệ phóng, đạt được đến giai đoạn thứ hai, bay được 30% quãng đường thì bị chệch khỏi quỹ đạo bay. Nguyên nhân tên lửa bay chệch ra khỏi quỹ đạo là do sự cố của hệ thống dẫn đường quán tính tên lửa.
Lần phóng thử nghiệm thứ hai của tên lửa Nirbhay được lên kế hoạch vào tháng 2/2014, nhưng đã bị trì hoãn cho đến tháng 10/2014.
Ngày 17/10/2014, phiên bản phóng từ mặt đất của Nirbhay đã được thử nghiệm một lần nữa từ bệ phóng cố định trên mặt đất và lần thử nghiệm này đã thành công, hoàn thành tất cả 15 yêu cầu đặt ra.
Lần thử nghiệm thứ ba diễn ra ngày 16/10/2015, Nirbhay được thử nghiệm về khả năng bay thấp, từ độ cao 4.800 m xuống 20 m và theo từng giai đoạn. Tuy nhiên tên lửa Nirbhay chỉ hoàn thành giai đoạn rời được bệ phóng và bay được 11 phút với cự ly 128 km.
Các lần thử nghiệm tiếp theo cũng đều không thành công, lần do lỗi phần cứng, lần do lỗi động cơ; và đến lần thử nghiệm lần thứ 6 đối với tên lửa Nirbhay diễn ra ngày 15/4/2019, từ ngoài khơi bờ biển miền Đông Odisha, đã thành công tốt đẹp, đáp ứng tất cả các yêu cầu đặt ra.
Nirbhay bay được quãng đường hơn 600 km, ở nhiều độ cao khác nhau, từ 2.500 m xuống tới 50 m.
Về hình dáng, tên lửa Nirbhay có vẻ ngoài giống các loại tên lửa hành trình của một số nước phương Tây và nó thường được so sánh với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ và Kalibr của Nga. Rõ ràng, các kỹ sư Ấn Độ đã nghiên cứu các giải pháp và ý tưởng từ các đối tác nước ngoài, khi nghiên cứu, phát triển tên lửa hành trình Nirbhay của họ.
Tên lửa Nirbhay dài 6 m, đường kính thân đoạn lớn nhất là 0,52 m, sải cánh 2,7 m, khối lượng lượng phóng 1,5 tấn; sử dụng động cơ đẩy rốc-két và động cơ phản lực tăng áp nhiên liệu rắn, vận tốc tối đa khoảng 0,7 Mach, tầm bắn tối đa 1.500 km.
Dựa trên các yêu cầu nhiệm vụ tác chiến, Nirbhay được lắp 24 loại đầu đạn khác nhau, có thể là đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân, khối lượng đầu đạn từ 200-300 kg.
Về hệ thống dẫn đường, tên lửa Nirbhay được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính tiên tiến, được phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu Imarat của Ấn Độ.
Ngoài ra, tên lửa Nirbhay còn được trang bị radar có chức năng quan sát địa hình và so sánh với bản đồ tham chiếu, có thể quan sát trong một khu vực nhất định, chờ đợi mục tiêu xuất hiện và tiêu diệt.
Về cơ chế hoạt động, sau khi tên lửa được phóng đi, tầng động cơ đẩy được tách ra và rơi xuống, các cánh của tên lửa bắt đầu xòe ra.
Lúc đó, một động cơ tua-bin khí bắt đầu hoạt động, hoàn toàn áp dụng chế độ bay như của máy bay, khiến nó có tính năng cơ động cao. Nirbhay có thể đạt độ cao bay tối đa 4 km so với mặt đất và cũng có thể bay ở mức rất thấp (50 m) để tránh bị radar của đối phương phát hiện.
Nâng cao khả năng răn đe của Ấn Độ, Trung Quốc hãy coi chừng
Các quan chức của DRDO cho biết thêm, tên lửa Nirbhay có khả năng xâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương để tiêu diệt các mục tiêu với độ chính xác cao và có thể được phóng từ nhiều phương tiện mang, phóng khác nhau, như máy bay, phương tiện/bệ phóng trên mặt đất, tàu chiến, tàu ngầm; có khả năng phóng đồng loạt, thậm chí phóng ngay cả trong khi đang cơ động.
Khi tiếp cận mục tiêu, Nirbhay có thể vòng lại, xoay tròn, đổi hướng tấn công mục tiêu từ mọi góc độ khác nhau.
Hiện Quân đội Ấn Độ trang bị rất nhiều loại tên lửa chiến thuật nhưng mới chỉ có Nirbhay là loại tên lửa hành trình đầu tiên. Tầm bắn của Nirbhay là 1.000 km, vượt quá tầm bay của các loại tên lửa mà Quân đội Ấn Độ hiện có.
Nếu Ấn Độ chế tạo ra một động cơ mới, với lực đẩy lớn hơn và có mức tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn, thì những thông số trên có thế tăng lên gấp 1,5 lần. Tất cả các nhà khoa học của DRDO được huy động để phát triển tên lửa Nirbhay, nên chắc chắn sẽ tập trung được những thành tựu kỹ thuật tiên tiến nhất.
Với khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất và tàu chiến cỡ lớn từ tầm xa, khi lắp đặt đầu đạn hạt nhân thì Nirbhay sẽ trở thành một thành viên trong bộ 3 tấn công hạt nhân "tam vị nhất thể"của Quân đội Ấn Độ.
Dự án phát triển tên lửa hành trình Nirbhay có tầm quan trọng đặc biệt đối với Quân đội Ấn Độ. Đồng thời đây là một trong những dự án phức tạp nhất trong lịch sử ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia Nam Á này, đưa Ấn Độ trở thành một trong số rất ít các quốc gia chế tạo được tên lửa hành trình tầm xa.
Nếu dự án này được hoàn thiện với kết quả như mong muốn thì có thể coi đó là bước đột phá trong công nghệ sản xuất vũ khí tiên tiến của Ấn Độ.
Mục tiêu của dự án phát triển tên lửa Nirbhay là tạo ra một dòng tên lửa mới, phù hợp bố trí trên các phương tiện mang phóng khác nhau và có khả năng tiêu diệt chính xác mục tiêu từ xa, mà đối phương khó có cơ hội phát hiện và đánh chặn.
Sự xuất hiện của loại tên lửa hành trình cận âm mới do chính ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ nghiên cứu, phát triển và chế tạo, sẽ có khả năng giải quyết nhiều nhiệm vụ, góp phần tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của nước này, nhất là trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tên lửa hành trình cận âm Nirbhay tương lai sẽ có thể giải quyết không chỉ các nhiệm vụ chiến dịch-chiến thuật, mà còn cả nhiệm vụ chiến lược. Ngay từ bây giờ, Trung Quốc hãy coi chừng dần đi là vừa, thậm chí là "luôn và ngay".