Thử tên lửa đạn đạo và bom hạt nhân liên tiếp, những cuộc tập trận dồn dập, khẩu chiến không ngớt, Đông Bắc Á đã trải qua một năm 2017 đầy biến động và căng thẳng.
Triều Tiên phóng tên lửa đầu tiên của năm 2017, một tên lửa đạn đạo tầm trung, vào ngày 4/4. Liên tiếp trong tháng 4 và 5, tổng cộng 4 quả tên lửa đã được thử nghiệm. Đây là những bước thăm dò đầu tiên của Triều Tiên trước khi khuấy động cả khu vực Đông Bắc Á trong 7 tháng giông tố còn lại. Ảnh: Getty.
Trước những vụ phóng tên lửa hồi tháng 4 và 5 của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington không nhượng bộ cho tới khi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Không lâu sau đó, hải quân Mỹ - Nhật tham gia cuộc tập trận chung trên biển Nhật Bản khai mạc ngày 1/6. Cuộc tập trận có sự tham gia của nhiều khí tài quân sự tối tân, bao gồm các nhóm tác chiến của 2 tàu sân bay Mỹ là USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan. Nhật Bản triển khai tàu sân bay trực thăng Hyuga, tàu chiến lớn nhất của nước này, tham gia cuộc tập trận. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Sáng ngày 4/7, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 làm chấn động cả thế giới. Tên lửa đã di chuyển quãng đường 930 km trong thời gian 40 phút, đạt độ cao hơn 2.800 km. Các chuyên gia quân sự phương Tây tin rằng tên lửa có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 6.700 km, tức vươn tới mọi vị trí tại Alaska, Mỹ. Bình Nhưỡng châm biếm vụ phóng tên lửa là món quà gửi đến Washington nhân dịp quốc khánh Mỹ và cho biết sẽ có thêm nhiều món quà gửi tới Tổng thống Trump. Ảnh: Getty.
Phản ứng sau vụ phóng tên lửa Hwasong-14, Tổng thống Trump thề sẽ kết thúc các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên "một lần và mãi mãi". Từ đây, những màn tranh cãi, hăm dọa và miệt thị lẫn nhau giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên chính thức bắt đầu. Ông chủ Nhà Trắng cũng cáo buộc Trung Quốc không làm hết sức để gây áp lực lên Triều Tiên, từ đó buộc Bình Nhưỡng phải hợp tác trong việc từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Mỹ sau đó tiến hành một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty Trung Quốc có quan hệ làm ăn với Triều Tiên. Ảnh: Getty.
Hôm 11/7, Trung Quốc tuyên bố nước này bị đâm sau lưng trong vấn đề Triều Tiên, hàm ý trách móc Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên một số cá nhân và tổ chức Trung Quốc có quan hệ làm ăn với Bình Nhưỡng. Cảnh Sảng, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định các nước không thể coi Trung Quốc là bên "đương nhiên phải có trách nhiệm" trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Ảnh: Getty.
Ngày 28/7, Triều Tiên tiếp tục phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Với độ cao đạt được là 3.000 km, các chuyên gia tên lửa phương Tây tin rằng tên lửa này có thể bắn tới các mục tiêu cách xa 10.000 km, tức có khả năng đe dọa các thành phố đông dân cư dọc bờ Tây nước Mỹ. Tên lửa trong lần thử nghiệm này được cho là bản nâng cấp của tên lửa Hwasong-14. Triều Tiên không tiết lộ thông tin chi tiết về vụ phóng. Ảnh: Reuters.
Càng nhiều tên lửa được phóng, cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un càng nóng bỏng khốc liệt. Ngày 8/8, Tổng thống Trump cảnh báo "Triều Tiên tốt nhất đừng đưa ra thêm bất cứ lời đe dọa nào đối với nước Mỹ hoặc họ sẽ phải đối mặt với lửa và thịnh nộ mà thế giới chưa từng thấy ". Đây là lời đe dọa mạnh mẽ nhất mà một tổng thống Mỹ từng đưa ra trong nhiều năm. Ảnh: Los Angeles Times.
Vài giờ sau lời đe dọa "lửa và thịnh nộ" của Tổng thống Trump, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết quân đội nước này đang lên kế hoạch phóng nhiều tên lửa hướng về phía đảo Guam. Đây là nơi hiện diện của căn cứ hải quân và căn cứ không quân lớn của Mỹ tại Thái Bình Dương. Quân đội Triều Tiên khẳng định kế hoạch tấn công có thể được tiến hành bất cứ lúc nào theo chỉ thị của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ảnh: KCNA.
Trong tháng 8, quân đội Mỹ - Hàn liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận với sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ cùng số lượng khổng lồ khí tài quân sự. Máy bay Mỹ - Hàn không dưới một lần bay sát vùng trời Triều Tiên trong các nhiệm vụ ném bom diệt mục tiêu giả định trên mặt đất. Mỹ - Hàn cũng thực hành năng lực tác chiến chống tấn công hạt nhân trong cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi 2017. Ảnh: Reuters.
Ngày 29/8, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 bay qua vùng trời đảo Hokkaido, đảo lớn thứ 2 của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa bay qua không phận Nhật Bản. Không lâu sau đó, Triều Tiên một lần nữa phóng tên lửa Hwasong-12 bay qua đảo Hokkaido ngày 15/9. Tên lửa đã di chuyển quãng đường 3.700 km, đạt độ cao 770 km. Đây là quãng đường xa nhất một tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên từng đạt được. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động "vô trách nhiệm, liều lĩnh, gây ra đe dọa chết người cho người Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế". Tokyo thề sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để ngăn chặn khả năng Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Ông Abe cũng tuyên bố sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên phóng tới đảo Guam. Ảnh: Reuters.
Ngày 3/9, Triều Tiên đẩy căng thẳng tại Đông Bắc Á lên một nấc thang mới khi cho nổ bom H tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Vụ thử bom H, với sức công phá từ 80 - 120 kiloton, đã gây ra cơn địa chấn mạnh 6,3 độ. Triều Tiên tuyên bố vụ thử bom H thành công mỹ mãn, đồng thời khẳng định nước này đã làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để có thể lắp vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Các quan chức ngoại giao Triều Tiên sau đó khẳng định nước này sẽ tiếp tục tiến hành thử bom hạt nhân với sức công phá mạnh nhất lịch sử tại Thái Bình Dương. Ảnh: KCNA.
Trong các ngày 5/8 và 11/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên tiếp áp đặt 2 lệnh trừng phạt nhắm vào Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt, được đánh giá là khốc liệt nhất từ trước tới nay, cắt giảm khoảng 1/3 nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu khoáng sản của Triều Tiên, cắt đứt con đường xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu lao động và siết chặt nguồn cung năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ, cho quốc gia Đông Bắc Á này. Mặc dù vậy, Triều Tiên vẫn có nhiều biện pháp lách luật nhằm qua mặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters.
Phát biểu tại Liên Hợp Quốc ngày 19/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên nếu đây là bước đi cần thiết để bảo vệ Mỹ và các đồng minh. Ông Trump gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là "gã tên lửa" và nói ông Kim đang tìm tới con đường tự hủy diệt cho bản thân và chính quyền Bình Nhưỡng. Trong thông điệp đáp trả sau đó, Bình Nhưỡng gọi ông chủ Nhà Trắng là "kẻ loạn trí" và đe dọa Tổng thống Trump sẽ phải trả giá đắt vì xúc phạm đất nước Triều Tiên. Ảnh: Reuters.
Nhằm đối phó với các động thái khiêu khích từ Triều Tiên và củng cố cam kết an ninh đối với đồng minh, Mỹ đã triển khai nhiều khí tài quân sự tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước thềm chuyến thăm châu Á của Tổng thống Trump, Mỹ đồng thời triển khai 3 tàu sân bay là USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt tới châu Á. Các tàu sân bay này đã tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong 1 thập kỷ với Nhật Bản và Hàn Quốc. Washington tuyên bố sẽ "gây áp lực tối đa" lên Bình Nhưỡng, tuy nhiên vẫn ưu tiên sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng xung quanh chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Rạng sáng ngày 29/11, Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15. Tên lửa đã di chuyển quãng đường hơn 1.000 km, đạt độ cao đỉnh 4.000 km trước khi rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Ước tính, Hwasong-15 có tầm bắn lên tới 13.000 km, tức có thể vươn tới mọi mục tiêu trên lãnh thổ nước Mỹ. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 23 của Triều Tiên trong năm 2017. Ảnh: Getty.