Tên lửa hỏa ngục gắn 6 lưỡi dao trong vụ không kích thủ lĩnh Al Qaeda

Quân đội Mỹ được cho là đã sử dụng tên lửa 'Ginsu bay' với 6 lưỡi dao 'cắt mọi thứ trên đường đi' để tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda mà không gây thiệt hại lớn xung quanh.

Máy bay không người lái của Mỹ đã bắn hai tên lửa khi Thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri đang ở trên ban công của ngôi nhà 3 tầng ở khu Sherpur tại thủ đô Kabul khi bình minh ló dạng hôm 1/8.

Trùm khủng bố khét tiếng 71 tuổi đã thiệt mạng.

Một lần nữa sự chú ý lại dồn về tên lửa Hellfire - còn được gọi với biệt danh “hỏa ngục” - từng được nhắc tới trong các vụ tấn công mục tiêu bí mật của Mỹ trước đây.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là những tên lửa Hellfire thông thường - vốn được biết tới với sức nổ mạnh có thể phá hủy cả tòa nhà.

Các bức ảnh cho thấy cửa sổ một tầng trong ngôi nhà al-Zawahiri trú ngụ, bị thổi tung, nhưng phần còn lại của tòa nhà, bao gồm cả cửa sổ ở các tầng khác vẫn nguyên vẹn.

Điều đó cho thấy tên lửa Hellfire R9X, không có đầu đạn nhưng được trang bị 6 lưỡi dao có thể đâm xuyên mục tiêu mà không phát nổ, đã được triển khai, theo AFP.

Một số quan chức Mỹ cho biết đây là loại tên lửa bí mật, được thiết kế đặc biệt cho các cuộc không kích đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối.

Tên lửa có thể đâm xuyên mục tiêu mà không phát nổ, tiêu diệt thủ lĩnh khủng bố, đồng thời giảm đáng kể thiệt hại và giảm thiểu nguy cơ thương vong dân sự.

Theo Wall Street Journal, cả Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Lầu Năm Góc đều đã sử dụng vũ khí này trong nhiều chiến dịch nhưng vẫn cố gắng giữ kín sự tồn tại của nó.

Trang bị đặc biệt

Tên lửa Hellfire R9X, hay "Ginsu bay", là một phiên bản sửa đổi của tên lửa Hellfire tiếng tăm.

Điểm mới của loại tên lửa này là nó được trang bị đầu đạn động học không chứa thuốc nổ. Bởi vậy, thay vì phát nổ, một khối kim loại hơn 45 kg sẽ rơi xuyên qua nóc ôtô và các tòa nhà để tiêu diệt mục tiêu mà không gây thiệt hại đến cá nhân và tài sản gần đó.

Không chỉ vậy, phiên bản này của tên lửa Hellfire, được gọi là R9X, cũng được trang bị thiết bị đặc biệt là 6 lưỡi dao dài, được phóng ra vài giây trước khi trúng mục tiêu, "cắt mọi thứ trên đường đi của nó".

 Bản vẽ mô phỏng tên lửa R9X với 6 lưỡi dao xung quanh. Ảnh: Wall Street Journal.

Bản vẽ mô phỏng tên lửa R9X với 6 lưỡi dao xung quanh. Ảnh: Wall Street Journal.

Nhờ hệ thống dẫn đường tối tân bằng tia laser, Hellfire R9X có khả năng đánh trúng một chiếc ôtô đang di chuyển trên đường hoặc một căn phòng trong nhà mà không chệch ra ngoài.

Thông tin chi tiết về vũ khí bí mật và việc triển khai nó đã được xác nhận bởi hơn 12 quan chức và cựu quan chức Mỹ.

Việc phát triển và sử dụng của tên lửa Hellfire R9X chưa từng được tiết lộ công khai trước đây, song có nhiều suy đoán xung quanh loại vũ khí này.

Thông tin về vũ khí bí ẩn này từng bị rò rỉ và nó được những người đã quen sử dụng gọi là "Ginsu bay", vì những lưỡi dao có thể cắt xuyên qua các tòa nhà hoặc nóc xe hơi và tiêu diệt mục tiêu.

Biệt danh này liên quan đến đoạn quảng cáo nổi tiếng những năm 1980 về loại dao nhà bếp của Nhật Bản có thể cắt đứt lon nhôm mà vẫn hoàn toàn sắc bén. Loại vũ khí này cũng được gọi là “bom Ninja”.

Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, tên lửa Hellfire R9X ra đời nhằm mục đích tránh gây thiệt mạng cho dân thường trong chiến dịch không kích của Mỹ ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria, Somalia, Yemen và các quốc gia khác. Nguyên nhân xuất phát từ thực tế là ngoài các vấn đề về nhân đạo và pháp lý, thương vong dân sự có thể làm suy yếu sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và dân chúng đối với các mục tiêu chiến lược của Mỹ.

Ngoài ra, còn có một lý do khác cho sự xuất hiện của Hellfire R9X. Theo giới chức Mỹ, các tay súng khủng bố đã học được cách đối phó với những cuộc không kích của Mỹ, bằng việc ẩn nấp giữa nhóm phụ nữ và trẻ em để tránh rơi vào tầm ngắm.

Trong bối cảnh đó, loại vũ khí này đã được phát triển vào đầu năm 2011. Thậm chí, Wall Street Journal lưu ý vào cùng năm ấy, quân đội Mỹ từng tính đến việc sử dụng tên lửa có đặc điểm tương tự Hellfire R9X trong "kế hoạch B" tiêu diệt "trùm khủng bố số một" Osama bin Laden ở Abbottabad, Pakistan.

 Ayman al-Zawahiri (phải) ngồi cùng Osama bin Laden trong một buổi phỏng vấn vào tháng 11/2001. Ảnh: Reuters.

Ayman al-Zawahiri (phải) ngồi cùng Osama bin Laden trong một buổi phỏng vấn vào tháng 11/2001. Ảnh: Reuters.

Các quan chức Mỹ cho biết loại vũ khí này hiếm khi được sử dụng và chỉ được dùng trong những trường hợp cụ thể. Đó là khi vị trí của thủ lĩnh nhóm khủng bố được thiết lập chính xác, nhưng việc sử dụng các loại vũ khí khác có nguy cơ khiến nhiều người vô tội thiệt mạng.

Tổng cộng, theo các nguồn tin, tên lửa này đã được sử dụng khoảng 6 lần, trong chiến dịch ở Libya, Syria, Iraq, Yemen và Somalia.

Giải quyết vấn đề "ghế phải, ghế trái"

Wall Street Journal có thể xác nhận hai cuộc tấn công cụ thể trong đó Hellfire R9X được sử dụng, một cuộc tấn công của Bộ Quốc phòng Mỹ và một cuộc tấn công của CIA.

Lần đầu tiên loại vũ khí này xuất hiện là tháng 2/2017 khi cựu thủ lĩnh cấp cao của Al Qaeda Abu al-Khayr al-Masri được cho là đã bị tiêu diệt bởi tên lửa R9X bắn từ máy bay không người lái, tại tỉnh Idlib của Syria.

Khi đó al-Masri đang lái xe vào thành phố Al Mastouma thì bị tên lửa xuyên thủng nóc xe và trúng cơ thể. CIA không thừa nhận liên quan đến cuộc không kích này.

Jamal al-Badawi, tay súng bị cáo buộc đứng sau vụ đánh bom tàu USS Cole vào năm 2000, khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng, cũng đã bị tiêu diệt bằng tên lửa Hellfire.

Lầu Năm Góc đã xác nhận vụ việc xảy ra ở Yemen, nhưng không đề cập đến loại vũ khí sử dụng.

Tuy nhiên, những cuộc tấn công tinh vi như vậy đã thúc đẩy suy đoán về một loại vũ khí mới. Trên thực tế, thiệt hại trong các vụ việc này không giống với cuộc không kích thường thấy của Mỹ.

Trước đó, tên lửa Hellfire - được bắn bằng máy bay không người lái trong các cuộc tấn công có chủ đích - gắn liền với những vụ nổ dữ dội, thường gây thiệt hại và thương vong lớn.

 Cựu thủ lĩnh cấp cao của Al Qaeda Abu al-Khayr al-Masri được cho là đã bị tiêu diệt bởi tên lửa R9X. Ảnh: Văn phòng An ninh Nội địa New Jersey.

Cựu thủ lĩnh cấp cao của Al Qaeda Abu al-Khayr al-Masri được cho là đã bị tiêu diệt bởi tên lửa R9X. Ảnh: Văn phòng An ninh Nội địa New Jersey.

Nhưng R9X không để lại dấu hiệu như vậy. Các bức ảnh chụp chiếc ôtô của Masri cho thấy một lỗ thủng lớn trên nóc xe, toàn bộ thiết bị bên trong bị phá hủy nhưng phần trước và sau xe hoàn toàn nguyên vẹn. Không có vết cháy nào cho thấy một vụ nổ. Kính chắn gió của chiếc xe bị nứt nhưng cần gạt nước vẫn còn nguyên.

Một cựu quan chức Mỹ cho biết loại vũ khí này giải quyết được vấn đề "ghế phải, ghế trái" lâu nay. Nói cách khác, về mặt lý thuyết, R9X có thể tiêu diệt mục tiêu ngồi trên ghế phụ của một chiếc ôtô đang di chuyển, mà vẫn tránh được người lái xe.

Một cựu quan chức thứ ba cho hay tên lửa R9X có thể được sử dụng khi quân đội Mỹ nghi ngờ về khả năng chống chịu của cấu trúc tòa nhà - nơi có trùm khủng bố hiện diện. Nó có thể tiêu diệt mục tiêu mà không làm sập tòa nhà, đồng thời giảm thiểu thương vong khi có những người khác bên trong.

Các quan chức Mỹ nói thêm để sử dụng tên lửa R9X, cần có thông tin tình báo cực kỳ chính xác về vị trí của mục tiêu và môi trường xung quanh.

Nhưng do loại vũ khí này giảm thiểu nguy cơ thương vong dân sự nên có nhiều cơ hội hơn để bắn, giảm số giờ quân đội phải giám sát và trang bị máy bay trên cao.

Hai trong số các quan chức đồng ý thảo luận về vũ khí bí mật này với Wall Street Journal cho biết chính phủ Mỹ lẽ ra phải thừa nhận sự tồn tại của nó từ nhiều năm trước. Một người nói rằng làm như vậy sẽ gửi thông điệp tới thế giới Hồi giáo rằng Washington đặc biệt cẩn thận để tránh thương vong cho dân thường.

Nhưng theo bà Sarah Holewinski, cố vấn pháp lý cho Bộ Quốc phòng Mỹ, không nên công bố rộng rãi thông tin về loại Hellfire R9X. Bà cho rằng nếu người dân biết về loại vũ khí không gây tổn thất ngoài dự kiến này thì họ sẽ chủ quan, không tránh xa các phần tử khủng bố và có thể là nạn nhân của cuộc không kích.

Dù vậy bà Holewinski cũng nhấn mạnh "dường như có rất nhiều lợi ích" từ một loại vũ khí như vậy.

Cựu giám đốc CIA giải thích về cuộc không kích thủ lĩnh Al Qaeda Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) David Petraeus nói việc không kích tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri có sự phối hợp từ nhiều nguồn lực tình báo và quân đội.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ten-lua-hoa-nguc-gan-6-luoi-dao-trong-vu-khong-kich-thu-linh-al-qaeda-post1341682.html