Theo Sputnik đưa tin cho hay, Đài Loan vừa công bố kế hoạch thử nghiệm hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 đầu tiên của nước này tại Mỹ vào tháng tới bất chấp căng thẳng với Trung Quốc. Quá trình thử nghiệm sẽ diễn ra tại trung tâm thử nghiệm tên lửa White Sands ở tiểu bang New Mexico. Việc thử nghiệm PAC-3 ở Mỹ thay vì Đài Loan là nhầm tránh các hoạt động do thám của Trung Quốc.
Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng ý bán PAC-3 cho Đài Loan được xem như là động thái nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bằng cách tăng cường năng lực quốc phòng cho các quốc gia láng giềng của Bắc Kinh.
Tất nhiên không chỉ có mình Đài Loan được Mỹ trang bị các hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot, khi bên cạnh đó còn có Hàn Quốc và Nhật Bản các quốc gia vốn có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Bắc Kinh nhất là trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển. Và gần đây nhất là việc Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài thập kỷ đối với Việt Nam.
Được biết mối quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh trở nên xấu đi sau khi nữ Tổng thống đầu tiên của Đài Loan Tsai Ing-wen lên nắm quyền kết thúc 8 năm quan hệ nồng ấm giữa hai bờ eo biển. Khi Tổng thống Tsai kiên quyết duy trì chính sách độc lập với Trung Quốc và không có chuyện trở về với Đại Lục.
Cũng trong tháng này Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ cắt đứt mọi đường dây đối thoại với Đài Loan đưa mối quan hệ giữa hai bên trở lại lại điểm xuất phát sau nhiều năm, thậm chí Bắc Kinh cũng để ngỏ khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn với Đài Bắc nếu cần thiết.
Do đó việc Mỹ đồng ý chuyển giao tên lửa đánh chặn PAC-3 cùng nhiều loại vũ khí khác cho Đài Loan được xem là giúp hòn đảo này tăng cường sức mạnh quân sự trước mối đe dọa từ Đại Lục. Cũng cần nhìn về quá khứ rằng trước đó Đài Loan từng đề nghị mua hàng loạt vũ khí mới từ Mỹ nhưng đều bị quốc hội nước này bác bỏ do lo ngại làm xấu đi mối quan hệ với Trung Quốc.
Patriot PAC-3 (hay còn gọi là MIM-104F) là biến thể nâng cấp gần như toàn bộ của hệ thống phòng không Patriot PAC-2 ngoại trừ hình dáng xe phóng và radar điều khiển hỏa lực, nhà sản xuất Lockheed Martin đã thiết kế lại gần như toàn bộ các hệ thống bên trong.
Điểm khác biệt đầu tiên so với biến thể PAC-2 trước đó là tên lửa. Quả đạn tên lửa của PAC-3 được trang bị động cơ thế hệ mới cho phép đường kính của đạn thu gọn hơn so với trước. Do kích thước gọn hơn nên mỗi hệ thống phóng của PAC-3 có thể mang theo 4 tên lửa thay vì một như PAC-2 giúp tăng đáng kể khả năng tác chiến.
Radar điều khiển hỏa lực AN/MPQ-53/65 của PAC-3 có tầm hoạt động lên đến 100 km, với khả năng phát hiện và theo dõi cùng lúc từ 90-125 mục tiêu, cung cấp dữ liệu hướng dẫn tên lửa tấn công đồng thời 6 mục tiêu cùng một lúc và có thể nhận dạng mục tiêu từ khoảng cách 35-50km.
Trước khi đưa vào trang bị PAC-3, Đài Loan cũng sở hữu một hệ thống tên lửa phòng không khác không hề kém cạnh đó là Tien Kung III do hòn đảo này tự phát triển và được giới thiệu có sức mạnh ngang ngửa PAC-3 với tầm bắn lên tới 200km.
Trà Khánh