Tên lửa TQ có thể 'bẻ gãy' các căn cứ Mỹ trong vài giờ?

Trung tâm phân tích Mỹ ở Australia nói rằng kho tên lửa đạn đạo đồ sộ của Trung Quốc có thể áp đảo lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á chỉ trong vài giờ khi có chiến tranh.

Nếu có cuộc xung đột vũ trang nổ ra giữa Bắc Kinh và Washington, tên lửa đạn đạo công nghệ cao của Trung Quốc có thể làm tê liệt các căn cứ quân sự và hạm đội hải quân Mỹ trên khắp Tây Thái Bình Dương chỉ trong vài giờ, báo cáo của các nhà nghiên cứu Australia cho biết.

Với sự tiến bộ công nghệ nhanh chóng và tăng cường sức mạnh cứng rắn của Trung Quốc, báo cáo kêu gọi Mỹ và các đồng minh khu vực như Nhật Bản, Australia hiện đại hóa quân đội, cải tổ lại các kế hoạch triển khai quân sự, nếu không muốn đối mặt với viễn cảnh sức mạnh quân sự của Mỹ bị phá hủy ở châu Á.

Bản báo cáo dài 104 trang do Trung tâm nghiên cứu Mỹ, thuộc Đại học Sydney, Australia công bố hôm 19/8, đã cảnh báo về sự suy giảm ưu thế quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, South China Morning Post cho biết.

Đẩy sức mạnh ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất

Ashley Townshend, tác giả chính của bản báo cáo nói với South China Morning Post, rằng sự cân bằng quyền lực ở khu vực đang thay đổi và cần được các quốc gia châu Á quan tâm, bao gồm những quốc gia đang tìm cách duy trì mối quan hệ với cả 2 cường quốc Mỹ - Trung.

Tên lửa đạn đạo DF-26 được mệnh danh là "sát thủ đảo Guam". Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tên lửa đạn đạo DF-26 được mệnh danh là "sát thủ đảo Guam". Ảnh: Tân Hoa Xã.

“Khi sức mạnh của Trung Quốc tăng lên, Bắc Kinh có thể được khuyến khích để thực hiện cuộc dạo chơi vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm Đài Loan, nơi sẽ hạn chế nghiêm trọng các vấn đề an ninh cho các bên liên quan”, ông Townshend nói về chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ Nhật Bản đến đảo Borneo ở Đông Nam Á.

Tuy vậy, các nhà phân tích của quân đội Trung Quốc đã gạt bỏ lập luận rằng quân đội nước này đang tìm cách để vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất. “Hiện tại, chúng tôi tôn trọng sự hiện diện hợp lý của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng Mỹ là bên liên quan có trách nhiệm trên thế giới, bao gồm cả Tây Thái Bình Dương”, ông Zhao Yi, cựu sĩ quan cao cấp hải quân Trung Quốc, nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) của Singapore nói.

Wu Shang Su, một nhà nghiên cứu tại RSIS, cho biết trong khi khả năng chống tiếp cận của Trung Quốc có thể làm gián đoạn việc sử dụng không gian của kẻ thù đã tăng cường trong những năm gần đây. Nhưng điều đó không nhất thiết là Bắc Kinh sẽ sử dụng nó để kiểm soát khu vực hoạt động của đối phương.

Ông Wu nêu ví dụ để chiếm đảo Đài Loan, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hoặc các điểm xa xôi hơn đòi hỏi Bắc Kinh phải thiết lập quyền kiểm soát đối với không phận, biển và không gian điện tử. Hỏa lực của quân đội Trung Quốc có thể làm gián đoạn sự kiểm soát của quân đội Mỹ, nhưng trước đó họ phải xây dựng quyền kiểm soát để đạt được mục tiêu của mình.

Mối đe dọa từ kho tên lửa đồ sộ

Một trong những phát hiện rõ ràng nhất của báo cáo là về sức mạnh của lực lượng tên lửa Trung Quốc. Theo tính toán độc lập của tác giả, lực lượng tên lửa Trung Quốc sở hữu khoảng 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 450 tên lửa tầm trung, 160 tên lửa đạn đạo liên lục địa và hàng trăm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất.

Tên lửa đạn đạo DF-21D được gọi là "sát thủ diệt tàu sân bay Mỹ". Tuy vậy, trên thế giới chưa quốc gia nào phát triển thành công loại tên lửa này. Ảnh: AP.

Tên lửa đạn đạo DF-21D được gọi là "sát thủ diệt tàu sân bay Mỹ". Tuy vậy, trên thế giới chưa quốc gia nào phát triển thành công loại tên lửa này. Ảnh: AP.

Những tên lửa đạn đạo thông thường này có thể thực hiện cuộc tấn công chính xác vào Singapore, nơi Mỹ có cơ sở hậu cần lớn, hay căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trung Quốc cũng sở hữu loại tên lửa đạn đạo được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay” DF-21D. Tên lửa này được cho là có thể nhấn chìm hàng không mẫu hạm Mỹ đang di chuyển ở cự ly 1.500 km.

Mỹ và Nga bị ràng buộc bởi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) nên không được phép phát triển các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 500 đến dưới 5.500 km. Trung Quốc không bị ràng buộc bởi INF nên có quyền phát triển các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Mỹ đã tuyên bố rút khỏi INF với lý do Nga vi phạm INF. Washington đã rục rịch kế hoạch muốn triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung ở châu Á -Thái Bình Dương.

Jim Fanell, cựu chỉ huy tình báo liên hợp Hải quân Mỹ, từng cảnh báo về năng lực của tên lửa Trung Quốc. Cảnh báo này được lặp lại trong một báo cáo đặc biệt của Reuters công bố vào tháng 4.

Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Mỹ, nhấn mạnh kho tên lửa tầm xa của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa đối với hầu hết căn cứ quân sự Mỹ ở châu Á. Các căn cứ quân sự chủ chốt của Mỹ trong khu vực ở đảo Guam, Nhật Bản có thể vô dụng sau đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo chính xác của Trung Quốc trong vài giờ mở đầu cuộc chiến nếu có.

Tên lửa đạn đạo Trung Quốc thách thức khả năng hoạt động tự do của Mỹ. Trong một kịch bản như vậy quân tiếp viện của Mỹ có thể phải mất nhiều thời gian hơn và phải chiến đấu để đến được nơi cần đến.

Điều này đặt Mỹ vào thế phải lựa chọn, tham gia vào một cuộc xung đột có thể rất nguy hiểm, hoặc không can thiệp và làm tăng khả năng chiến thắng cho Trung Quốc. Lợi ích của Mỹ đối với an ninh của các đồng minh có thể “chỉ là thứ yếu” so với sự sống còn của họ. Điều này được cho là ít giá trị hơn so với tuyên bố “lợi ích cốt lõi” mà Bắc Kinh tuyên bố ở các điểm tranh chấp. Washington cuối cùng có thể cho rằng sự can thiệp là không cần thiết, báo cáo nhấn mạnh.

Vấn đề từ chính người Mỹ

Các tác giả chỉ ra rằng những tiến bộ quân sự của Trung Quốc không phải là lý do duy nhất khiến cho sức mạnh của Mỹ ở châu Á trở nên lung lay, mà một phần đến từ chính chiến lược của Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong số các yếu tố nội bộ của Mỹ được báo cáo đề cập tới là sự lạm dụng tài sản không quân và hải quân, phần lớn là do cam kết của Mỹ đối với các cuộc chiến ở Trung Đông. Sự bất cập trong tài trợ cho bảo trì cơ sở hạ tầng.

Khoảng 23% cơ sở quốc phòng của Mỹ được xếp ở tình trạng nghèo nàn, 9% được xác định đã lỗi thời và không thể hoạt động, báo cáo trích dẫn tài liệu của Lầu Năm Góc. Trong khi đó, vào thời điểm cần thiết để tài trợ cho việc khôi phục các căn cứ, chi tiêu của chính phủ Mỹ cho lĩnh vực này đã giảm 21% từ giữa năm 2011-2018.

Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã ký luật tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ năm 2003 đến nay. Sự khác biệt về ý thức hệ trong chi tiêu quốc phòng giữa các nhà lập pháp ở cấp độ nội bộ và liên đảng được xem là một bất cập lớn.

Báo cáo nhấn mạnh rằng gần 2 thập niên sa lầy vào cuộc chiến ở Trung Đông đã gây tổn thất nghiêm trọng cho quân đội Mỹ và NATO, khiến họ không được chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh quyền lực lớn.

Năm 2017, một báo cáo chỉ ra rằng chỉ một phần ba các lữ đoàn bộ binh cơ động sẵn sàng triển khai ở mọi thời điểm. Chưa đến 50% các máy bay chiến đấu sẵn sàng cho cuộc chiến cao cấp chống lại kẻ thù ngang hàng. Hải quân Mỹ cũng thiếu sự sẵn sàng, có đến 53% máy bay chiến đấu của Hải quân và thủy quân lục chiến được coi là không phù hợp để chiến đấu.

Vấn đề này đang được cải thiện, nhưng Mỹ vẫn cần thêm nhiều thời gian và nguồn lực để khôi phục sức mạnh.

Trong số các khuyến nghị được nêu ra, các tác giả đề nghị Australia đóng vai trò lớn hơn cùng với Nhật Bản thông qua một loạt các biện pháp, bao gồm tiến hành kế hoạch xây dựng tàu ngầm có khả năng tấn công vào đất liền.

Các tác giả kêu gọi chính phủ Australia, đồng minh chủ chốt của Mỹ nên tăng cường dự trữ và chủ động trong việc sản xuất, lưu trữ vũ khí dẫn đường công nghệ cao, nhiên liệu và thiết bị cần thiết cho cuộc xung đột cao cấp kéo dài. Họ cũng kiến nghị Canberra giảm bớt việc triển khai hải quân đến Trung Đông.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ten-lua-tq-co-the-be-gay-cac-can-cu-my-trong-vai-gio-post980431.html