Test nhanh cả lớp khi có F0 là tốn kém, không hiệu quả

PGS Nguyễn Huy Nga nhận định việc tổ chức xét nghiệm nhanh toàn bộ học sinh ngay khi lớp phát hiện F0 sẽ không thể cho ra kết quả chính xác, gây tốn kém, không có ý nghĩa.

Ngày 22/2, Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Ở bước 3 (trong số 4 bước hướng dẫn nêu), Bộ Y tế thông tin ngay sau khi phát hiện F0, cán bộ y tế trường học và ban chỉ đạo phòng, chống dịch trong trường xác định F1 theo hướng dẫn của ngành y tế.

Toàn bộ học sinh của trường được xét nghiệm nhanh kháng nguyên, trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, F0 được xử lý theo quy định. Trường hợp F1 âm tính, các em được đi học trở lại bình thường.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên ngay cho tất cả học sinh khi lớp phát hiện F0 gây tốn kém, không hiệu quả.

 PGS Nguyễn Huy Nga nhận định việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ học sinh là tốn kém. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

PGS Nguyễn Huy Nga nhận định việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ học sinh là tốn kém. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

"Chỉ nên xét nghiệm những học sinh tiếp xúc gần F0"

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguồn lây nhiễm của trường hợp học sinh dương tính với nCoV có thể từ gia đình, không phải ở lớp. Việc phát hiện F0 ở lớp và tổ chức xét nghiệm ngay cho toàn bộ học sinh khó đưa ra kết quả chính xác.

"Thời gian lây nhiễm virus có thể là 3 ngày sau khi tiếp xúc. Lúc đó, chúng ta mới có thể tiến hành xét nghiệm nhanh. Vì vậy, tổ chức xét nghiệm nhanh cho toàn bộ học sinh ngay khi lớp phát hiện F0 sẽ không thể cho ra kết quả chính xác và gây tốn kém, không có ý nghĩa", ông Nga nói.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định các trường học có thể tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh ngồi cạnh, nói chuyện khoảng 15 phút, tiếp xúc gần dưới 2 m với F0. Khi tiếp xúc, các em không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên quan tâm những trường hợp học sinh có triệu chứng nhiễm bệnh hoặc có người thân trong gia đình là F0 để tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, thông tin một số quốc gia đã dựa trên tình hình ở từng lớp học để tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19.

Cụ thể, khi phát hiện F0 trong lớp, học sinh từ 12 đến 17 tuổi trở lên, đã được tiêm chủng không phải cách ly và xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Đối với học sinh từ 11 tuổi trở xuống, phát hiện ca F0, nhà trường sẽ thực hiện phương án xét nghiệm nhanh kháng nguyên những em tiếp xúc gần trong phạm vi 1 m trở xuống.

"Chúng ta không cần xét nghiệm cả lớp khi phát hiện F0 vì tốn kém chi phí, thời gian và gây lo lắng cho trẻ em. Nhà trường chỉ cần xét nghiệm những em tiếp xúc gần F0 trong 1 m", ông Dũng nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng khuyến cáo các trường học có tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 tăng cao nên chuyển sang hình thức học online. Trường hợp tỷ lệ ca dương tính với nCoV chiếm từ 1% đến 2% tổng học sinh, nhà trường có thể tiếp tục cho trẻ học trực tiếp.

 Các trường lo ngại việc lây nhiễm khi học sinh ở bán trú. Ảnh: Phương Lâm.

Các trường lo ngại việc lây nhiễm khi học sinh ở bán trú. Ảnh: Phương Lâm.

Mỗi trường một kiểu khoanh vùng xác định F1

Ngày 23/2, UBND TP.HCM có một loạt điều chỉnh trong việc xử lý trường hợp học sinh, giáo viên F0, thay đổi định nghĩa học sinh F1, thời gian cách ly theo quy định mới của Bộ Y tế. Song, vì đặc thù của từng cấp học, nhất là với các em học sinh ở bậc tiểu học là đối tượng chưa được tiêm ngừa, nên việc triển khai phân loại hay xác định đối tượng F0, F1 ở các trường vẫn chưa đồng bộ.

Bà Phạm Thị Minh Châu, Phó hiệu trưởng Tiểu học Mê Linh (quận 3, TP.HCM), cho hay trường vẫn thực hiện nguyên tắc nếu lớp có F0, toàn bộ học sinh còn lại sẽ là F1 và tiến hành cách ly tại nhà.

Theo bà Minh Châu, vì ở tiểu học, các em còn ham chơi, đôi lúc sẽ không để ý, chú tâm trong quá trình phòng dịch nên việc tiếp xúc nhiều bạn thường xuyên xảy ra. Đối tượng này cũng chưa được tiêm phòng vaccine nên dễ lây nhiễm hơn các khối lớp lớn ở bậc THCS và THPT.

"Việc các em có triệu chứng, xét nghiệm nhanh kháng nguyên ra dương tính với nCoV đã làm chúng rất hoảng sợ. Các thầy cô phải cần thời gian trấn tĩnh, hỗ trợ về mặt tâm lý cho học sinh. Nếu cứ hỏi hoặc yêu cầu các bé kể rằng đã tiếp xúc với ai thì học sinh khó lòng nhớ chính xác trong cơn hoảng loạn ấy được", bà Châu chia sẻ thêm.

Chúng ta không cần xét nghiệm cả lớp khi phát hiện F0 vì tốn kém chi phí, thời gian và gây lo lắng cho trẻ em. Nhà trường chỉ cần xét nghiệm những em tiếp xúc gần F0 trong 1 m.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Với số lượng 89 học sinh là F0, chiếm 3% học sinh toàn trường, bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết công tác xác định F1 của trường dựa theo sơ đồ lớp học.

Trong 89 trường hợp F0, THCS Hà Huy Tập ghi nhận 2 học sinh dương tính với nCoV ở lớp học, còn lại là F0 được xác định tại nhà.

Đối với trường hợp học sinh có kết quả dương tính với nCoV ở lớp học, nhà trường sẽ phun khử khuẩn và xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 mẫu gộp tất cả thành viên lớp.

Trường hợp F0 được xác định tại nhà, giáo viên chủ nhiệm sẽ nắm bắt thông tin, sau đó dựa trên sơ đồ lớp học (bao gồm cả sơ đồ ăn uống và ngủ nghỉ của học sinh bán trú) để khoanh vùng F1.

"Khi có trường hợp F0 được thông tin từ phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm sẽ hỏi những học sinh nào thường xuyên nói chuyện, ăn chung, ngủ chung mà không đeo hoặc kéo khẩu trang xuống. Những học sinh này sẽ được đưa đến phòng y tế và đo nhiệt độ. Nếu tình hình sức khỏe của học sinh ổn định thì sẽ tiếp tục trở về lớp, hoàn thành buổi học, sau đó về nhà theo dõi", bà Trâm nói.

Cũng theo bà Trâm, trường THCS Hà Huy Tập quan điểm "lớp có F0 thì không phải học sinh nào cũng là F1" và "nói chuyện một câu cũng không hẳn là F1".

Ở trường Tiểu học Tuệ Đức (TP.HCM), bà Anh Thư, Phó hiệu trưởng trường, cho biết đã ghi nhận có khoảng 30 trường hợp học sinh trở thành F0. Các học sinh này đa phần đều là F1 được xác định từ trước và cho cách ly tại nhà, sau đó xét nghiệm lại và dương tính với nCoV.

Bà Thư nhận định việc xác định F0, F1 của trường đang gặp một số khó khăn do F0 chủ yếu có nguồn lây ở nhà, nhưng phụ huynh không thông báo sớm với giáo viên, dẫn đến phát hiện trễ các ca F1 liên quan.

Tuy nhiên, trong công tác khoanh vùng F1, nhà trường có ưu điểm về số lượng học sinh mỗi lớp chỉ từ 25 em. Điều kiện này đã tạo thuận lợi khi trường khoanh vùng xử lý. Những trường hợp là F1 sẽ được xác định nếu thực sự tiếp xúc gần với F0.

Sau khi xác định được F0, F1, các học sinh nào phải học online tại nhà sẽ được trường phân công giáo viên giảng dạy riêng, khác với giáo viên dạy trực tiếp trên lớp.

Thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội), có chung băn khoăn về tính cần thiết của việc xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp có trường hợp F0.

Theo thầy, học sinh đến lớp giao tiếp, tiếp xúc với nhau. Do đó, trường và bên y tế khó kiểm soát để biết ai là F1 và đúng là phải xét nghiệm rộng mới biết các em có nhiễm virus hay không. Tuy nhiên, khi một học sinh vừa được kết luận mắc Covid-19, tại thời điểm đó, việc test nhanh chưa thể xác định ai dương tính với SARS-CoV-2.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), cũng đánh giá việc test nhanh cho cả lớp khi có một em mắc Covid-19 sẽ gây tốn kém.

Với cách làm hiện tại, trường và y tế chỉ test nhanh cho những em được xác định là F1, tức ở diện hẹp, không test cả lớp. Và thông thường, học sinh được phát hiện mắc Covid-19 tại nhà. Lúc đó, phụ huynh báo tin cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên báo lại với lớp. Những em tiếp xúc gần hoặc có triệu chứng được cha mẹ cho xét nghiệm, ít khi trường test nhanh với số lượng lớn.

Nguyễn Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/test-nhanh-ca-lop-khi-co-f0-la-ton-kem-khong-hieu-qua-post1298536.html