Tết Bunpimay trong nỗi nhớ lưu học sinh người Việt

Mỗi dịp Tết cổ truyền Việt Nam hay Tết cổ truyền của Lào, tại tỉnh Sơn La đều tổ chức cho lưu học sinh Lào đang theo học các trường trên địa bàn đón tết vui tươi, ấm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào cũng như tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào. Bên nước bạn Lào cũng có những hoạt động nhân dịp Tết cổ truyền hai nước, đầy ắp tình cảm, để lại cho những lưu học sinh Việt Nam những kỷ niệm khó quên, nhất là trải nghiệm thú vị đón Tết Bunpimay trên chính đất nước Lào anh em.

Lưu học sinh Lào, Trường Cao đẳng Y tế Sơn La trong lễ buộc chỉ cổ tay đón Tết Bunpimay.

Lưu học sinh Lào, Trường Cao đẳng Y tế Sơn La trong lễ buộc chỉ cổ tay đón Tết Bunpimay.

Ảnh: PV

6 năm học Trường Đại học Quốc gia Lào theo chương trình hợp tác giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa Phăn và 10 năm về nước làm giảng viên dạy tiếng Lào và tiếng Việt tại Trường Cao đẳng Sơn La, chị Lò Quỳnh Hiếu được tham gia các hoạt động đón Tết cổ truyền của Lào trong tình đoàn kết đặc biệt, dành cho nhau những lời chúc, tình cảm tốt đẹp nhất. Mỗi dịp tháng tư, trong tâm trí chị Hiếu lại ùa về kỷ niệm đón Tết Bunpimay trên đất nước Lào thanh bình, tươi đẹp.

Chị Hiếu kể: Nhớ nhất là Tết Bunpimay năm 2010, tôi tham gia trọn vẹn các hoạt động, nghi lễ. Trong không khí rộn ràng năm mới, tôi cùng các thầy cô, các bạn học sinh Lào gấp lá chuối làm mâm lễ, gói bánh chưng ngọt kiểu Lào, mua hoa quả, bánh và không thể thiếu việc chuẩn bị những đoạn chỉ vàng, trắng sắp lên mâm lễ dùng để buộc chỉ cổ tay. Gần trưa, tất cả ngồi theo vòng tròn quanh mâm lễ, người lớn tuổi ngồi vòng trong và theo thứ tự thành các vòng bên ngoài, lặng nghe tiếng thầy cúng chúc phúc, tiếp đó mọi người buộc chỉ vào tay nhau, vừa buộc vừa chúc những điều xui xẻo năm cũ qua đi để đón những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Sau phần lễ là phần hội, tiếng nhạc vang lên, từng đôi nam, nữ múa Lăm Vông xếp thành những vòng tròn cứ nối rộng ra cho đến khi tiếng nhạc kết thúc. Ngoài múa Lăm Vông đặc trưng của dân tộc Lào thì còn nhảy lilalilat, barolop, tuy có tên chung vậy nhưng có nhiều kiểu nhảy khác nhau tùy theo bản nhạc cất lên. Được các bạn Lào hướng dẫn nên tôi nhanh chóng bắt nhịp được các điệu nhảy, hòa chung không khí lễ hội rộn ràng. Ngày Tết Bunpimay, tôi còn đến bờ sông Mê Kông thăm tượng đài vua Suphanuvong, cùng các bạn Lào “tắm Phật” tại các ngôi chùa.

Trường Cao đẳng Sơn La tổ chức giao lưu văn nghệ nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay.

Trường Cao đẳng Sơn La tổ chức giao lưu văn nghệ nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay.

Ảnh: Lò Quỳnh Hiếu (Trường CĐ Sơn La)

Còn chị Hà Thị Thu, Sở Ngoại vụ, vẫn nhớ như in năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, sang học tại Trường đại học Quốc gia Lào, theo chương trình hợp tác đào tạo lưu học sinh của Chính phủ Việt Nam và Lào. Nhớ về đất nước con người Lào, chị Thu xúc động: Sinh sống và học tập tại đất nước Lào 6 năm, cho tôi nhiều cảm xúc từ lạ lẫm đến thân thiện. Những dịp Tết Lào được nghỉ học, tôi và một số lưu học sinh Việt ở lại, tham gia các các nghi lễ truyền thống như buộc chỉ cổ tay, vẩy nước thơm, té nước để chúc phúc và phá cỗ, văn nghệ. Năm học đầu tiên, tôi đã cùng gia đình người bạn Lào đi chơi tết, đi chùa “tắm phật” đủ 9 ngôi chùa lớn được coi là linh thiêng nhất tại Viêng Chăn. Thời gian học tại Lào, tôi còn được đi tham quan một số tỉnh phía Nam và phía Bắc của Lào. Học xong về nước, tôi may mắn được làm việc tại Sở Ngoại vụ, được tiếp xúc thường xuyên với các bạn Lào, đặc biệt là vinh dự được tham gia đón tiếp các đoàn khách của 9 tỉnh nước CHDCND Lào mà tỉnh Sơn La có quan hệ hợp tác, sang thăm, làm việc và tháp tùng các đoàn công tác của tỉnh đi công tác tại 16 tỉnh, thành phố của Lào. Mỗi lần được gặp lại những người bạn học và những người quen cũ, mừng như anh em một nhà lâu ngày đoàn tụ.

Cũng từng học tại Trường Đại học Quốc gia Lào từ năm 2005-2011 theo chương trình đào tạo hữu nghị giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa Phăn, chị Bùi Thị Huyền Trang, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh, phải mất 1 năm học tiếng và làm quen cuộc sống trên đất bạn, thích nghi với các món ăn.

Chị Trang chia sẻ: Món ăn của dân tộc Lào rất đặc trưng với vị cay, chua, ngọt đậm đà, khác hẳn các món ăn Việt Nam. Thời gian đầu, tôi không ăn được, sau đó càng sống trên đất nước Lào, chơi với các bạn người Lào, dần dần các món ăn của Lào đã trở thành món ăn chính của mình mỗi bữa và đã “nghiện” từ bao giờ không hay. Tôi có thể chế biến được nhiều món như món đu đủ trộn, gỏi cá, canh cá Tổm Nhăm chua cay, cá nướng muối... Đặc biệt, những ngày Tết Lào, tự tay chế biến món lạp (gần giống món lạp của đồng bào Thái Sơn La), đây là món ăn không thể thiếu để đón năm mới của người Lào, món ăn này có nghĩa là lộc, mang hy vọng có nhiều tài lộc trong năm mới. Tôi cũng nhiều năm ở lại đón Tết Lào, tham gia đủ các nghi lễ, hoạt động hội và nét đẹp tương đồng với Tết cổ truyền Việt Nam là đầu năm đi chùa cầu may, cầu bình an, nhưng khác là phải đi đủ 7-9 chùa cầu may. Đón Tết Lào mà lòng rưng rưng nhớ Tết cổ truyền Việt Nam. Về nước đã 10 năm nhưng tôi vẫn giữ liên lạc với các bạn bên Lào, chia sẻ, động viên nhau lúc vui, buồn, không quên gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Tết cổ truyền hai nước Việt - Lào.

Những hoạt động giao lưu, đối ngoại, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên các lĩnh vực càng gắn kết tình hữu nghị đặc biệt, trong sáng, hiếm có trên thế giới. Nhiều thế hệ lưu học sinh Sơn La đã từng học tập bên Lào luôn vẹn nguyên những kỷ niệm không bao giờ phai, tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người nước bạn, nhất là các tỉnh Bắc Lào. Trên cương vị công tác, họ đã và đang là cầu nối gắn kết hai nước, hai dân tộc Việt - Lào cùng phát triển “Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Phạm Đức

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tet-bunpimay-trong-noi-nho-luu-hoc-sinh-nguoi-viet-38955