Tết đoàn viên của những lao động đi xuất khẩu trở về

Sau một thời gian đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhiều lao động tỉnh ta đã được trở về đoàn tụ, sum họp cùng gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Với họ, sự trở về lần này mang nhiều ý nghĩa. Không chỉ là khoảnh khắc đoàn tụ với gia đình mà đó còn đánh dấu một sự khởi đầu mới tràn đầy hi vọng vào một cuộc sống mới đủ đầy, ấm no trong năm mới.

Từ nguồn vốn tích lũy, nhiều lao động trở về nước và đã khởi nghiệp thành công.

Từ nguồn vốn tích lũy, nhiều lao động trở về nước và đã khởi nghiệp thành công.

Nguyễn Văn Hoàng (xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn) đi lao động có thời hạn tại Nhật Bản từ hơn 3 năm về trước. Công việc chính của Hoàng là làm nông nghiệp với mức thu nhập trung bình 30 triệu đồng/tháng. Hai năm vừa qua, mặc dù dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng khá nặng nề, song tình hình việc làm và thu nhập của Hoàng vẫn được đảm bảo.

Hết thời hạn lao động tại nước sở tại, Hoàng trở về nước khi cách Tết Nguyên đán Quý Mão chỉ gần 1 tháng. Trở về quê, tụ họp với gia đình trước thềm năm mới, với Hoàng đó là một khoảnh khắc thật đáng nhớ. Hoàng bảo, với số vốn tích cóp được, em sẽ có nhiều cơ hội để khởi nghiệp ở quê hương. Nhưng vì còn trẻ nên nhiều khả năng em sẽ tiếp tục làm thủ tục để quay trở lại làm việc tại Nhật Bản thêm một thời gian nữa. Nhưng đó là câu chuyện của thời gian tới, còn hiện tại, em đang tận hưởng niềm hạnh phúc khi được sum họp cùng với người thân sau nhiều năm xa nhà.

Hoàng tâm sự: Khi làm việc ở Nhật, khu kí túc xá em ở có rất nhiều người Việt Nam, họ ở mọi miền Tổ quốc từ Bắc, Trung, Nam. Vì vậy, mỗi dịp Tết Nguyên đán, khu ký túc xá lại trở thành nơi hội tụ rất phong phú "đặc sản" của các vùng, miền, từ ẩm thực đến các phong tục, nét văn hóa khi đón tết cổ truyền.

Từ những người vốn ở các miền quê khác nhau, nay trở thành người thân ở một nơi xa lạ để cùng ăn bữa cơm tất niên, cùng bày biện mâm ngũ quả, cùng thức để chào đón giao thừa… cảm xúc ấy thật khó quên. Dẫu ở đây có khá đầy đủ các loại vật phẩm đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, nhưng vào thời khắc giao thừa, ai cũng dưng dưng tới trào nước mắt bởi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhất là những người mới sang. Chúng em lại động viên nhau cùng cố gắng làm việc tốt hơn nữa để đạt được các mục tiêu mà bản thân đề ra trước khi đi lao động xa nhà. Vì tương lai, ai cũng phải cố gắng để vượt qua cảm xúc chông chênh vì nỗi nhớ nhà.

Tết Nguyên đán năm nay, anh Bùi Văn Vương ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn không còn phải tất bật để lo toan mọi thứ nữa bởi anh đã có vợ cùng sẻ chia mọi công việc gia đình cho tới đối nội, đối ngoại. Vợ chồng anh Vương có hai đứa con. Cô con gái lớn đang học đại học, cậu con trai út học lớp 8. So với ở quê, kinh tế gia đình anh Vương không phải diện khó khăn. Song, để có điều kiện cho 2 đứa con ăn học đến nơi, đến chốn, vợ anh Vương đã đi xuất khẩu lao động ở Ðài Loan. Năm nay vợ anh Vương hết hạn hợp đồng lao động nên trở về sum họp với gia đình đúng vào dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Vương như có thêm ngọn lửa ấm áp vào khoảnh khắc mùa xuân gõ cửa. Mọi công việc nhà anh Vương cũng được vợ san sẻ.

"Tết này, bố con tôi chỉ có 3 nhiệm vụ chính là: lau dọn, bày biện bàn thờ tổ tiên; chọn mua cành đào, chậu quất thật đẹp và đi "đánh đụng" thịt lợn. Còn vợ tôi đảm nhận các công việc từ muối vại dưa hành; mua kẹo bánh, nhang đèn; gói bánh chưng; bó chiếc giò mỡ… Những việc tưởng chừng rất đơn giản ấy, có bắt tay vào làm mới thấy cũng rất công phu, thế nhưng cô ấy đã làm thật nhanh, gọn, khéo léo, mà chẳng tiếng kêu ca, phàn nàn. Ðúng trưa 30 Tết đã có mâm cơm bày biện đẹp mắt với đủ món truyền thống để cúng tất niên. Mâm cỗ ở nhà quê cũng đơn giản, nhưng chỉn chu, ấm áp nhờ vào đôi bàn tay khéo léo và cái "tình" của người phụ nữ"- anh Vương vui vẻ.

Sau một thời gian dài im ắng do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, năm 2022 công tác xuất khẩu lao động của tỉnh ta đã phục hồi và bứt tốc mạnh mẽ. Số lao động đi xuất khẩu trong năm đạt trên 1.500 người, nâng tổng số lao động đang làm việc ở thị trường ngoài nước lên hàng chục nghìn người. Thực tiễn cho thấy, xuất khẩu lao động là hướng đi hiệu quả nhằm mang lại cơ hội việc làm và mức thu nhập tốt cho người lao động.

Từ nguồn tiền tích lũy từ xuất khẩu lao động, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đáng kể đời sống cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động ở vùng sâu, vùng xa. Diện mạo ở các vùng quê cũng đã được thay đổi ngày càng khang trang, hiện đại.

Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, còn rất nhiều người đi lao động ở nước ngoài đã không thể về chung vui bên gia đình. Ở xứ lạ, họ đang cần mẫn cóp nhặt từng tia nắng nhỏ, để gửi về cho gia đình một mùa xuân ấm áp. Ở quê nhà, tình cảm mà người thân dành cho họ cũng thật lẫn lộn: sự biết ơn, lòng cảm phục, chút xót xa… Nhưng dù là người "đi", hay người "ở", tất cả đều hướng về một niềm tin, ấy là bữa cơm đoàn viên ở mùa xuân năm sau.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tet-doan-vien-cua-nhung-lao-dong-di-xuat-khau-tro-ve/d2023012612056715.htm