Tết hội nhập của người Brâu nơi ngã 3 biên giới

Nhắc đến người Brâu ở thôn Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum người ta sẽ nghĩ ngay đến 'làng ba nước', là nơi mà khi đón bình minh 'một tiếng gà gáy cả 3 nước cùng nghe thấy'. Chính sự giao thoa nơi ngã ba biên giới này đã tạo nên sự độc đáo đặc biệt duy nhất ở Tây Nguyên.

Nhớ về lễ cúng lúa mới của người Brâu

Chúng tôi quyết định đến thăm ngôi làng người Brâu sinh sống nơi tiếp giáp 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia vào thời điểm những bông hoa Pơ Lang bắt đầu rải “sắc xuân” trên đại ngàn. Cùng với sắc hoa rừng là sự “thay da đổi thịt” khắp đường làng ngõ xóm đã tạo thành một bức tranh muôn màu đầy ấn tượng.

Để tìm hiểu về văn hóa, phong tục ăn Tết của người Brâu xưa và nay, chúng tôi đã tìm gặp già làng Y Pan (92 tuổi, trú tại thôn Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi). Theo già làng Y Pan, thôn Đắk Mế có cộng đồng người Brâu sinh sống đông nhất (chiếm 94%). Những năm trước đây, với người Brâu lễ cúng lúa mới được coi là một lễ Tết, một sự kiện trọng đại của cả làng được diễn ra vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch. Đây là dịp để các gia đình và cộng đồng làng thể hiện niềm vui mừng khi đón những hạt lúa mới thơm ngon và cảm ơn thần linh đã ban cho dân làng được một mùa bội thu, nhà nhà ấm no.

Nhiều năm về trước người Brâu tổ chức lễ cúng mừng lúa mới vào tháng 10 dương lịch

Nhiều năm về trước người Brâu tổ chức lễ cúng mừng lúa mới vào tháng 10 dương lịch

Chuẩn bị cho lễ hội diễn ra đúng theo nghi lễ của cha ông ngày xưa, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín sẽ phải tổ chức họp, tính toán trước đó một tháng. Sau đó, các trưởng thôn sẽ ra thông báo việc tổ chức lễ cúng lúa mới và phân chia công việc cho mọi người. Lễ cúng lúa mới thường kéo dài 4 ngày với các nghi lễ như: lên rẫy tuốt lúa về làm cốm và lấy 3-5 bông lúa về mang lên nhà rông làm lễ cúng; tiến hành rang lúa, giã lấy cốm để cúng; hấp lúa rồi giã lấy gạo để làm cơm lam ăn trong lễ hội; làm lễ cúng các con vật hiến tế (trâu, dê, heo, gà); làm lễ ăn đầu trâu, chân trâu…

Đến gần ngày diễn ra lễ hội đàn ông, thanh niên trai tráng trong làng sẽ vào rừng tìm mây đắng, chặt gỗ, tre, nứa, lồ ô, bẫy con chim, con chuột, trang trí cho lễ hội… Còn phụ nữ trong làng sẽ đi chặt củi, hái rau rừng, bắt cá, ủ rượu ghè, gùi nước, hay lên rẫy tuốt một ít lúa mới về rang, rồi giã làm cốm để cúng và ăn trong buổi lễ.

Các già làng dùng máu của vật tế bôi vào lòng 2 chiếc chiêng, rót rượu vào chiêng, khấn và đánh chiêng Tha

Các già làng dùng máu của vật tế bôi vào lòng 2 chiếc chiêng, rót rượu vào chiêng, khấn và đánh chiêng Tha

Trước khi làm lễ cúng lúa mới, già làng phải tổ chức đánh chiêng Tha (Chiêng Tha chỉ có hai chiếc gồm Chuar (nghĩa là vợ) và Jơliêng (nghĩa là chồng) và khi tiếng chiêng cất lên sẽ là âm thanh thông linh giữa thế giới phàm tục của con người và thế giới các thần trên cao.

“Để thực hiện nghi thức già làng sẽ lấy huyết bôi vào lòng 2 chiếc chiêng rồi rót rượu vào chiêng và khấn “Ơ Tha, đây là máu của vật cúng được dân làng dâng lên Tha, đó là con vật đẹp nhất, thức ăn ngon nhất, rượu cũng ngon nhất xin mời Tha ăn, Tha uống để vui cùng dân làng”. Sau khi dứt lời khấn, thanh niên, trai làng sẽ tiến hành hạ gục các con vật hiến sinh. Họ lấy ống lồ ô đựng máu các con vật hiến sinh để thực hiện các nghi thức cúng trong lễ hội. Đầu và chân trâu mang lên nhà rông để thể hiện niềm vui mừng khi đón những hạt lúa, mùa màng bội thu và cảm ơn thần linh”, già làng Y Pan kể.

Theo già làng Y Pan, đối với người Brâu, lễ cúng lúa mới của dân tộc Brâu là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệt trên bức tranh văn hóa đa sắc màu các thành phần dân tộc thiểu số ở Kon Tum nói chung, dân tộc Brâu nói riêng. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây thì lễ cúng này đã dần mai một, người Brâu đã không còn làm nhà thóc, không còn tổ chức lễ cúng như ngày xưa. Vào những ngày cuối năm âm lịch, người Brâu đã dần tổ chức ăn tết Nguyên đán như người kinh, hội nhập với người Kinh.

Tết hội nhập của người Brâu nơi 3 biên

Nói về Tết hội nhập của người Brâu nơi 3 biên, ông Thao Lợi - Trưởng thôn Đắk Mế cho biết, người Brâu xưa nay không có Tết cổ truyền như người Kinh hay các dân tộc khác, mà chỉ tổ chức ăn mừng hết năm vào những ngày cuối tháng 12 dương lịch và các lễ hội như lễ mừng lúa mới, lễ hội khi trỉa lúa... Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, người Brâu dần hội nhập với người Kinh, cũng ăn Tết cổ truyền với bánh chưng, đón giao thừa, xông đất như người Kinh.

“Nhờ có nguồn thu từ cây cà phê, mì, lúa nên gia đình tôi năm nay cũng chuẩn bị làm thịt heo, gà, ủ rượu ghè để chuẩn bị ăn tết Nguyên đán, tiếp đãi bà con gần xa đến thăm, chơi tại nhà… Cuộc sống của người dân “ba nước” nơi đây bắt đầu thay đổi, ổn định, họ dần hòa nhập với văn hóa mới, cuộc sống mới tạo nên sự đa dạng, phong phú”, ông Lợi nói thêm.

Nhà rông của người Brâu, nơi tổ chức các lễ hội văn hóa của dân làng

Nhà rông của người Brâu, nơi tổ chức các lễ hội văn hóa của dân làng

Tiếp lời ông Lợi, ông Thao La (trú tại thôn Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) chia sẻ: “Để chuẩn bị đón tết thời điểm này, phụ nữ trong làng sẽ rủ nhau đi hái lá dong, lá chuối về gói bánh tét, bánh chưng còn đàn ông thì vào rừng kiếm củi, chặt tre chẻ lạt gói bánh, làm heo, làm gà… không khí ngày tết cũng vì thế mà rộn ràng. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, dân làng còn tổ chức đánh chiêng, múa xoang, mặc những trang phục váy áo truyền thống của dân tộc Brâu với mong ước sang năm mới được nhiều sức khỏe, làm ăn phát đạt hơn, đời sống tốt hơn. Ai cũng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu để những mùa xuân sau ấm no, đủ đầy hơn”. Chính sự kết hợp giữa nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc bao đời với những nét văn hóa hiện đại của các dân tộc khác, người Brâu thực sự đã làm được điều quý giá đó là “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

Theo già làng Y Pan, so với nhiều năm về trước thì mùa xuân hôm nay đã ấm no hơn nhiều rồi. Bây giờ bà con trong thôn ai cũng biết trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi hộ gia đình nên kinh tế khá giả hơn. Bà con trong thôn nhà nhà đều có xe máy, truyền hình, điện thoại, các đồ dùng điện tử phục vụ trong đời song.

“Năm mới đang đến, già chỉ mong rằng bà con người Brâu sẽ ngày càng hội nhập, phát triển, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao, luôn tin yêu Đảng và Nhà nước. Dân làng Brâu hôm nay tự hào rằng lớp trẻ ngày một giỏi giang, nhiều em đã đến trường, học đại học và có cô giáo Nàng Xô Vi 25 tuổi đại diện đầu tiên của người Brâu trúng cử Đại biểu quốc hội”, già làng Y Pan nói với chúng tôi đầy tự hào trước lúc chia tay.

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/tet-hoi-nhap-cua-nguoi-brau-noi-nga-3-bien-gioi-108284.html