Tết Nguyên đán về, thêm một lần tri ân những chiến sĩ áo trắng

Chiều muộn những ngày cuối năm, khi người người hối hả về nhà lo sắm Tết, nhận thông tin người thân xa nhà trở về sum họp gia đình, thì những y bác sĩ trong các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 vẫn tất bật làm việc. Họ tách biệt với thế giới bên ngoài, bởi trong các khu vực điều trị, họ đang đồng hành với nhiều bệnh nhân, cùng nhau chiến thắng bệnh tật. Và với họ, Tết dường như không khác ngày thường là mấy...

Những ngày Tết công việc vẫn là chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Những ngày Tết công việc vẫn là chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Nhận nhiệm vụ tăng cường vào Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 của tỉnh từ ngày 14/1, bác sĩ Trịnh Hùng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được giao trọng trách là Trưởng khu điều trị của Bệnh viện - nơi điều trị các bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 có triệu chứng, chuyển nặng từ các nơi chuyển về, trong đó có những bệnh nhân ung thư nơi anh làm việc, vừa mới phát sinh ổ dịch.

"Hầu hết đó là những bệnh nhân quen thuộc với tôi, bởi bệnh nhân mắc ung thư thường phải điều trị nhiều đợt và dài ngày. Nhiều trường hợp tôi hiểu quá rõ về bệnh tật, gia cảnh, nỗi lo lắng của bệnh nhân, của người nhà, cả những tâm tư, hi vọng của họ..., nên luôn cố gắng cùng đồng nghiệp an ủi, động viên tinh thần, chăm sóc, điều trị hết sức có thể, để họ thêm niềm tin, hi vọng ..." - bác sĩ Sơn chia sẻ.

Ông N.V.T, xã Lai Thành (huyện Kim Sơn) điều trị ung thư phổi tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ nhiều tháng trước. Khi mắc COVID-19, ông cùng nhiều người bệnh khác được chuyển sang Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 của tỉnh, nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các y bác sĩ. Ông T. chia sẻ, các y bác sĩ ở đây đã vất vả vì chúng tôi quá nhiều, chúng tôi không biết dùng lời nào để cảm ơn cho hết. Năm mới về, chúng tôi mong các y bác sĩ có nhiều sức khỏe, để cứu chữa, cho chúng tôi được sống....

Khi trên địa bàn tỉnh ghi nhận số ca bệnh COVID-19 tăng nhanh, với nhiều ca bệnh diễn biến nặng, Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 được kích hoạt đi vào hoạt động, bác sĩ Trịnh Hùng Sơn cùng 4 đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được tăng cường sang làm nhiệm vụ.

Cùng với 3 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Phổi, nhóm 9 bác sĩ, điều dưỡng duy trì nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho từ 80-90 bệnh nhân, trong đó đều là bệnh nhân có triệu chứng và nặng do có sẵn các bệnh nền.

Tính từ ngày 14/1 đến 26/1, bệnh viện tiếp nhận 92 bệnh nhân, trong đó có hơn 30 bệnh nhân ung thư của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đã có 9 trường hợp được điều trị khỏi và xuất viện, 12 ca tử vong đều là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 được đặt tại khu vực riêng của Bệnh viện Phổi Ninh Bình, tuy nhiên, các điều kiện về cơ sở vật chất tại đây còn khá nhiều khó khăn, kể cả khu vực điều trị lẫn chỗ làm việc, ăn nghỉ, sinh hoạt của nhân viên y tế.

"Những ngày Tết Nguyên đán năm nay có một điều đặc biệt hơn, là chúng tôi làm việc trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19, nên các yêu cầu phòng chống dịch nghiêm ngặt, không thể xong nhiệm vụ là có thể trở về với gia đình. Những ngày Tết, bên cạnh là các đồng nghiệp và những người bệnh. Chúng tôi cũng xác định, nhiệm vụ này là lâu dài và những người bệnh COVID-19 cần chúng tôi...." - bác sĩ Trịnh Hùng Sơn khẳng định.

Phòng khám đa khoa Gia Lạc nơi điều trị bệnh nhân COVID-19

Đối với bác sĩ Vũ Thành Luân, khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn, nhận nhiệm vụ tại Phòng khám ĐKKV Gia Lạc từ tháng 11/2021 đến nay đã gần 3 tháng, thì những ngày Tết cổ truyền đối với anh cũng có nhiều cảm xúc.

Là bác sĩ trẻ, mới lập gia đình và có con nhỏ 5 tháng tuổi, xa gia đình dài ngày, bác sĩ Luân cũng chỉ biết động viên người vợ trẻ và những người thân trong gia đình đồng cảm, chia sẻ với công việc vất vả, nguy hiểm và không ai mong muốn này.

"Tôi cũng như biết bao đồng nghiệp trong ngành Y tế, không ai muốn những ngày Tết phải xa người thân, xa gia đình của mình. Nhưng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, buộc chúng tôi phải vào cuộc. Đó là trách nhiệm nghề nghiệp mà chúng tôi đã lựa chọn và chấp nhận hi sinh.

Làm việc tại đây, luôn có khoảng 40 ca bệnh, trong đó có hàng chục trẻ em, nhưng chỉ có 3 nhân viên y tế. Công việc theo dõi sức khỏe, hướng dẫn người dân ăn, ở, sinh hoạt, uống thuốc, lấy mẫu xét nghiệm..., hầu như chiếm hết thời gian.

Mong muốn của chúng tôi, mỗi người dân, hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng dịch, không để lây lan dịch rộng, sẽ vất vả và thiệt thòi cho nhân viên y tế...." - bác sĩ Vũ Thành Luân chia sẻ thêm.

Trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19 phức tạp và nguy hiểm thời gian qua, không chỉ riêng lực lượng tham gia điều trị bệnh nhân, chịu nhiều áp lực, vất vả và phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Mà bên cạnh đó, còn là lực lượng cán bộ làm công tác y tế dự phòng, dù không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân, nhưng họ luôn là những người tiên phong trong cuộc chiến phòng chống dịch.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc, dù là ngày Tết hay ngày thường, ban ngày hay ban đêm, trời mưa hay trời nắng, rét buốt hay nóng bức, cứ nắm bắt được thông tin có ca nhiễm, là các chiến sĩ áo trắng lại đến tận nơi điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch...

Nghề thầy thuốc là một nghề cao quý nhất và cũng là nghề đòi hỏi rất nhiều sự hi sinh, tận tụy. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 nhiều cam go, phức tạp, thì sự vất vả, hi sinh của đội ngũ y bác sĩ càng nhân lên gấp nhiều lần.

Lặng thầm cống hiến, lặng lẽ hi sinh, biết bao nhân viên y tế đã vượt lên nỗi sợ hãi, tạm quên sức khỏe của mình, làm việc ngày đêm không mệt mỏi, để điều trị cho bệnh nhân và góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Họ chính là những người luôn là chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng trong cuộc chiến với dịch COVID-19.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tet-nguyen-dan-ve-them-mot-lan-tri-an-nhung-chien-si-ao/d20220127091546173.htm