Tết quê mỗi khi nhớ về...

Thêm một truyền thuyết vui trong những lúc trà dư tửu hậu: Có người ở miền ngoài vào Nam chơi, đến quê tôi thấy củ mì ăn ngon quá nên cứ hỏi: Củ chi? (củ gì vậy?), riết rồi thành tên luôn!

Quê tôi ngày xưa nghèo lắm, trước giải phóng toàn rừng cao su, bữa ăn chưa đủ lót lòng..., nhưng ý chí bất khuất, quật cường vẫn luôn được giữ vững. Chiến tranh bom đạn tàn phá dữ dội là thế, vậy mà người dân vẫn bám trụ, kiên cường giữ đất.

Hơn 20 năm kháng chiến trường kỳ, quân và dân quê tôi đã làm vẻ vang mảnh đất kiên trung với những loại vũ khí thô sơ cùng hệ thống đường hầm đã trở thành huyền thoại, lưu dấu cái tên rất đáng tự hào: Củ Chi - Đất thép thành đồng! Nhiều người hỏi vì sao quê tôi có cái tên lạ vậy? Nghe ông bà kể lại, Củ Chi là tên gọi dân gian của cây mã tiền có rất nhiều ở vùng đất này thời đó.

Thêm một truyền thuyết vui trong những lúc trà dư tửu hậu: Có người ở miền ngoài vào Nam chơi, đến quê tôi thấy củ mì ăn ngon quá nên cứ hỏi: Củ chi? (củ gì vậy?), riết rồi thành tên luôn!

Ngày đó, ở quê tôi hầu như nhà nào cũng trồng đậu phộng, nhà ít đất trồng vài luống ăn chơi cùng bắp, củ mì, khoai lang... Gia đình mợ tôi lúc đó làm kẹo đậu phộng bán, tôi thường tranh thủ ghé qua phụ để xin vài miếng lủm cho đỡ thèm! Và dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng các công đoạn làm kẹo vẫn hằn sâu trong ký ức: Một chảo đường thật to trên bếp, cho đậu phộng đã tách vỏ vào sên đến khi đường kéo chỉ thì tắt bếp, múc đường và đậu đổ lên miếng bánh tráng đã được cắt tròn, rồi gắn những hạt đậu đã bao phủ bằng lớp đường vàng ươm trông phát thèm. Sau khi những mẻ kẹo hoàn tất, còn vài hột đậu dư ra, tôi được mợ “ưu tiên” cho vét chảo!

Ngoài món này ra, đậu phộng còn được chế biến nhiều kiểu: đậu phộng rang còn nguyên vỏ ngoài hoặc không, đậu phộng da cá (bọc bên ngoài một lớp bột rồi chiên lên), đậu phộng hấp... Cứ thế, món đậu phộng rang dân dã của người dân quê tôi đã len lỏi vào khắp các hang cùng ngõ hẻm từ thành thị đến nông thôn, từ nhà hàng được gắn sao tới quán xá bình dân ở những vùng hẻo lánh xa xôi… Món đậu phộng rang với hạt nhỏ giòn thơm, béo bùi luôn níu chân du khách khi đến với Củ Chi.

Niềm vui của bà và cháu trong ngày Tết sum vầy.

Niềm vui của bà và cháu trong ngày Tết sum vầy.

Tiếp đó là đến củ mì với đủ thứ món có thể chế biến: củ mì luộc mà khi nấu phải lột vỏ, ngâm vào nước gạo cho ra hết chất độc, nấu đến khi khoai mềm thì chắt nước, rưới đều lên lớp cốt dừa, chờ cho vị béo thấm vào từng sớ khoai thì gắp ra dĩa chấm với chén muối đậu phộng và mè rang giã nhuyễn. Vị bùi của khoai, béo của nước cốt dừa hòa cùng vị mặn, ngọt của đậu phộng và mè rang muối đường… tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng của món ăn dân dã này, mà khách đến tham quan khu di tích địa đạo đều được thưởng thức. Củ mì còn được xay ra làm bột với đủ loại bánh tằm, bánh ít gói lá chuối, bánh tổ trộn với đường, dừa hấp cách thủy, bánh ít trần nhân đậu xanh cùng lớp mỡ hành thêm chút muối đường rưới ở phía trên…

Củ Chi cũng gắn liền với món bò tơ hảo hạng mà không phải ở đâu cũng có, được chế biến vô cùng phong phú: bò luộc, nướng mọi, xào lăn, nhúng dấm… Món bò tuy dễ làm nhưng nói đến lòng bò tơ (mà phải là lòng đen, vì lòng trắng tuy nhìn bắt mắt nhưng thường đã qua khâu tẩy bằng hóa chất) thì không phải ai cũng ăn được, mà một khi đã thưởng thức rồi thì khó thể cưỡng lại với những lá le, lá lách, lá sách, tàng ong, thêm món rau rừng xanh um đúng nghĩa không hề có hóa chất với đủ loại “đặc sản” của sông Sài Gòn: đọt đinh lăng, ngành ngạnh, trâm ổi, các loại lá sộp, sơn, dừng, lụa...

Đặc biệt là quế vị - loại rau có vị the, mùi nồng nồng như xá xị, cùng các loại rau thơm có ở khắp các vùng quê và dứa, dưa leo, chuối chát cuốn chung vài miếng lòng bò luộc chín vào miếng bánh tráng gạo dẻo chấm vào chén mắm nêm chua ngọt pha khéo, dằm thêm vài trái ớt hiểm cay xè, cắn một miếng đã thấy đê mê nơi đầu lưỡi!

Món cháo bò thì trên cả tuyệt vời, được nấu với dựng, đuôi và gân của con bò tơ, hầm cùng quả đu đủ non nguyên vỏ. Ít người biết rằng mủ của loại trái này vừa hái từ trên cây xuống có tác dụng hút hết mỡ bò vào trong, khiến miếng đu đủ trở nên đậm đà, cộng thêm vị bùi bùi, bột bột của củ mì, vị thanh mát của đậu xanh hòa cùng sự thanh ngọt từ nước hầm xương sóng sánh lớp mỡ vàng ươm từ một số bộ phận của con bò tạo ra món cháo thơm lừng nóng hổi, vừa thổi vừa húp sì sụp ấn tượng đến khó quên! Và dù chẳng phải cao lương mỹ vị nhưng những món ăn dân dã quê tôi đã giúp những người con của đất thép, các chiến sĩ dưới hầm địa đạo vượt qua cơn đói, làm ấm lòng bao thực khách phương xa khi đến với Củ Chi.

Hơn bốn thập kỷ đã trôi qua, Củ Chi cũng thay đổi nhiều và dù đã đến nhiều nơi trên thế giới, được thưởng thức những món ăn cầu kỳ chế biến một cách công phu, để khi bày ra, người thưởng thức có cảm giác mình hơn cả Thượng đế..., nhưng tôi lại thẫn thờ chợt nhớ đến quay quắt hương vị dân dã quê nhà - nơi chứa chan tình làng nghĩa xóm, dù chỉ là bụi củ mì mới nhổ còn bê bết đất sau cơn mưa cuối mùa, vài trái chuối sứ vừa chín tới, lột vỏ, xoay qua trở lại trên bếp than hồng, quẹt miếng nước muối đã pha sẵn tạo nên sự hòa vị của ngòn ngọt, chan chát, mằn mặn, mà sao thương đến quặn lòng! Thế mới thấm thía “Quê hương mỗi người chỉ một.... như là chỉ một mẹ thôi...” sâu sắc biết nhường nào!

Cây Sala trước sân nhà đã rụng những chiếc lá vàng cuối cùng, để sau đó là những chồi non mơn mởn nhú lên, chuẩn bị tạm biệt cái rét cuối đông, chào đón một năm mới an khang, thịnh vượng, nhiều phước lành đến với mọi nhà. Sắc xuân đã rộn ràng trên mọi nẻo đường quê tôi với ánh vàng rực rỡ của những luống vạn thọ, hoa mai, hoa cúc đua nhau khoe sắc, những đòn bánh tét treo lủng lẳng bên hiên nhà, nồi khoai mì nghi ngút khói, thúng đậu phộng nóng hổi vừa thổi vừa ăn… tạo cho những ai xa xứ một cảm giác bồi hồi xao xuyến khi nhớ về Tết quê thuở nào.

Lê Trang

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/tet-que-moi-khi-nho-ve_142604.html