Tết quê một thuở

Ảnh minh họa: Internet

Quê tôi đã “lên phố, lên phường” cuộc sống người dân quê tôi giờ đây tương đối đủ đầy. Nhưng năm nào cũng vậy, khi những ngày cuối Chạp hòa trong không khí xôn xao Tết sắp về với mọi người, mọi nhà, mọi nơi… trong tôi xốn xang nhớ về những cái Tết quê một thuở… Những hương vị Tết quê ngày ấy đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên.

Thuở ấy. Những ngày Tết sắp về ở quê tôi không rộn ràng, nhộn nhịp như ở phố thị. Hương vị đón Tết ở quê tôi mặc nhiên theo thời gian chầm chậm len lỏi vào từng con đường, từng nhà và từng người. Qua rằm tháng Chạp trở đi, không khí Tết có vẻ “lộ diện” rõ nét hơn, khi mà bốn, năm gia đình bàn nhau “Tết này giăng tay con heo có thịt để cúng và ăn” và nhà nào chí ít cũng chuẩn bị sẵn trong chuồng một vài con gà, con vịt, cùng ít củi khô để nấu trong những ngày Tết.

Thuở ấy. Qua hai ba tháng Chạp, ngày đưa “ông Táo về trời”, một hai ngày sau thì không khí chuẩn bị Tết có vẻ khẩn trương hơn. Đầu thôn, cuối xóm, vang tiếng heo bị chọc tiết kêu eng éc…cũng là dịp chúng tôi nghỉ học để ăn Tết, những lúc như thế, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau chạy đến nhà bác năm, chú bảy coi mổ heo và chủ yếu tranh nhau xin cái “bọng đái” về rửa với muối rồi lấy cọng lá đu đủ thổi để làm trái bóng đem đến sân trường mẫu giáo giữa thôn đá chơi.

Thuở ấy. Con đường chính ở quê đất sỏi gồ ghề, các ngõ đi của xóm là đất cát, không có bê tông như ngày nay, nhưng mỗi nhà tự giác san lấp, quét dọn, rong cây để con đường thông thoáng và nhà nào cũng dọn dẹp trước sau tươm tất. Càng đến ngày cuối năm đi đâu cũng nghe tiếng ơi ới rủ nhau đổ bánh thuẫn, bánh kẹp, và “dện” bánh in… nghe rất rộn ràng.

Thuở ấy. Chiều ba mươi Tết mẹ tôi dù bận rộn đến đâu vẫn nấu một nồi nước lá sả, lá bưởi và lá bạc hà (bạch đàn) để anh em tôi tắm rửa. Theo mẹ làm như vậy là để dội rửa năm cũ để đón năm mới thanh sạch và may mắn, và anh em chúng tôi không quên nhắc mẹ “Ngày mai cho con mặc đồ mới để đi chơi Tết nghen!”

Thuở ấy. Khi quê tôi chưa có điện sinh hoạt thắp sáng, đêm giao thừa cả xóm trời tối như mực, chỉ có một vài gia đình có điều kiện thắp được cây đèn tạ đăng (đèn dầu loại lớn) là thấy oai rồi. Giờ đây, quê tôi đã đổi mới. Đường làng, ngõ xóm đã bê tông hóa. Nhà cao tầng ngày càng nhiều, điện thắp sáng dọc các tuyến đường từ tối đến năm giờ sáng… chẳng khác gì nơi phố thị.

Gần Tết gia đình nào cũng trang hoàng rực rỡ bằng hệ thống đèn lồng, đèn hoa lấp lánh. Các vật dụng phục vụ Tết, từ lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép, hóa mỹ phẩm kể cả ti vi, điện thoại… từ cao cấp đến bình dân đều có ngay tại các đại lý ở quê. Vì thế, Tết về ở quê tôi giờ không phải lo đi qua chợ thành phố hay lên chợ thị trấn để mua sắm và kể cả dự trữ đồ ăn thức uống như xưa nữa.

Thắm thoát qua bao thời gian, cứ mỗi dịp xuân về, những ký ức về cái Tết quê một thuở lại ùa về trong tâm trí tôi. Những kỷ niệm về cái Tết một thời tuổi thơ khó khăn mà vui ấy đã giúp tôi có thêm nhiều nghị lực trong cuộc sống.

Tết ở quê ngày ấy tuy mộc mạc đơn sơ nhưng thấm đượm nghĩa tình vẫn theo mãi trong tôi.

HOÀNG HÀ THẾ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/251855/tet-que-mot-thuo.html