Tha thứ

Tại TAND TP HCM, bị hại tha thiết xin bãi nại cho 2 bị cáo dù nguy cơ các bị cáo không có khả năng hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt là rất lớn

Người đàn bà mặc chiếc áo nhầu nhĩ, đôi mắt hõm sâu, thâm quầng đứng cạnh người đàn ông với vẻ ngoài lam lũ ở bục xét hỏi của TAND TP HCM hôm ấy là 2 bị cáo trong một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một chiêu lừa, 5 lần trót lọt

Tòa hỏi về nghề nghiệp, bị cáo N.T.H (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) lúng túng giải thích vòng vo một hồi, chủ tọa phiên tòa hỏi: "Vậy bị cáo làm nghề môi giới bất động sản đúng không?". Bị cáo có vẻ đắn đo, sau đó kể chỉ học đến lớp 7, nhờ khéo miệng nên đã mối lái thành công cho mấy vụ mua bán nhà đất. Nếu gọi đó là nghề môi giới bất động sản thì "nghe... sang quá!".

Bị cáo thứ hai, T.V.L (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) khai làm nghề chạy xe ôm, chưa học hết lớp 5, đọc - viết chính tả còn sai nhiều.

Theo cáo trạng của VKSND TP HCM, tháng 10-2016, biết người hàng xóm tên Đ. có nhu cầu mua đất xây nhà xưởng, bị cáo N.T.H giới thiệu cho người này thửa đất tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP HCM), nói chủ đất là con trai riêng của chồng. Sau khi dắt bà Đ. đi xem đất, bị cáo N.T.H báo giá 2,5 tỉ đồng nhưng bà Đ. không đủ tiền nên không mua.

Hai bị cáo và bị hại tại tòa

Hai bị cáo và bị hại tại tòa

Một thời gian sau, lấy lý do con trai riêng của chồng cần tiền trả nợ, N.T.H đến gặp bà Đ. xin vay 600 triệu đồng và cầm cố giấy tờ thửa đất trên. Để bà Đ. tin tưởng, N.T.H dẫn bà Đ. cùng T.V.L (đóng giả chủ đất) ra văn phòng thừa phát lại quận 5 để thực hiện giao dịch. Sau khi kiểm tra giấy tờ các bên, văn phòng thừa phát lại lập vi bằng về việc giao nhận 600 triệu đồng và lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Đ. và "mẹ con" N.T.H.

Trong vòng 6 tháng, "mẹ con" N.T.H cùng bà Đ. đến văn phòng thừa phát lại quận 5 thực hiện thêm 4 lần giao dịch thế chấp bằng hợp đồng giả cách khác để nhận tổng cộng 1,2 tỉ đồng. Khi biết bị lừa, nạn nhân gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

"Tôi không muốn ai phải tù tội"

Trả lời thẩm vấn, bị cáo N.T.H khai thửa đất đó do con trai một người quen của bị cáo làm chủ sở hữu. Trong một lần người này ghé chơi, N.T.H đã lấy cắp giấy tờ đất và chứng minh nhân dân trong cốp xe của nạn nhân.

Chủ tọa phiên tòa hỏi về kế hoạch của các bị cáo, N.T.H khai đã nói với T.V.L là do con trai ở xa nên cần người đóng giả để làm thủ tục bán đất. Ban đầu T.V.L từ chối, sau đó thì nhận lời và N.T.H đã đưa tổng cộng cho T.V.L 28 triệu đồng tiền công. Số tiền này, T.V.L khai đã tiêu xài hết. Đến khi vụ việc bị phanh phui, bị cáo T.V.L đã đi vay mượn để trả lại cho bị hại. Còn khoản tiền hơn 1 tỉ đồng, N.T.H khai đã dùng trả nợ cho "xã hội đen" và chạy chữa bệnh tình cho mình. Nói dứt câu, bị cáo N.T.H khóc sướt mướt. "Bị cáo bị "xã hội đen" nhiều lần đe dọa bắt cóc con gái (13 tuổi), túng quẫn nên bị cáo đã… làm liều" - bị cáo N.T.H phân trần. Thế nhưng, liều lĩnh không chỉ 1 lần mà những 5 lần nên lời biện minh này khó ai có thể cảm thông.

Với thắc mắc bị cáo T.V.L không phải là người trong hình chứng minh nhân dân, 5 lần đến văn phòng thừa phát lại vẫn không bị phát hiện, bị cáo N.T.H cho biết ở đây không bị kiểm tra giấy tờ; còn bị cáo T.V.L cho biết "họ chưa đọc hết nội dung giấy tờ đã ký"(!). Trong khi đó, bà Đ. thừa nhận vì tin tưởng văn phòng thừa phát lại nên không chút nghi ngờ.

Trước tòa, bà Đ. xin bãi nại cho các bị cáo. Nói về quyết định này, bà Đ. cho hay toàn bộ số tiền đưa cho 2 bị cáo, một phần là tiền tích cóp, phần còn lại do vay mượn. Ấy vậy mà tiền mất, đất cũng không có. Tuy nhiên, là hàng xóm, bà hiểu khá rõ hoàn cảnh túng quẫn của bị cáo. N.T.H là mẹ đơn thân, sống cảnh tha hương cùng con gái nhỏ. "Vụ việc này xảy ra, hằng tháng tôi phải dành dụm để trả ngân hàng 15 triệu đồng. Tôi không giàu nhưng công việc ổn định nên cuộc sống đỡ hơn họ. Tôi cũng không muốn ai phải tù tội"- bà Đ. vừa dứt lời liền vội vã theo chân thư ký phiên tòa để hỏi về thủ tục xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Lòng tham chắc chắn sẽ bị trả giá. Nhưng giá như ngay từ đầu, nhân viên văn phòng thừa phát lại có trách nhiệm và cẩn trọng khi kiểm tra giấy tờ, có lẽ đã ngăn chặn được hậu quả người mất tiền, kẻ vào tù.

Sau khi cân nhắc về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với hành vi của các bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo N.T.H 12 năm tù, T.V.L 7 năm tù, cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bài và ảnh: Ý LINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/tha-thu-20200731204541272.htm