Thả tôm, cá giống để phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Sáng ngày 31/3, nhiều tỉnh, thành đã tiến hành thả tôm, cá giống nhằm tái tạo và bảo vệ môi trường sống của nguồn lợi thủy sản.

Việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động thường niên của ngành nông nghiệp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng đánh bắt tận diệt dẫn đến cạn kiệt nguồn thủy sản ven biển. Đồng thời, từng bước tái tạo nguồn thủy sản có nguy cơ bị đe dọa, tuyệt chủng.

Cụ thể, tại tỉnh Sóc Trăng, nhân kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống Nghề cá Việt Nam (31/3/1959 - 31/3/2023), ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã nhận được sự hỗ trợ của 41 tổ chức, cá nhân hỗ trợ 3 triệu con tôm sú giống và 10.000 con cua giống, tương đương số tiền hơn 500 triệu đồng, để thả giống thủy sản về tự nhiên tại khu vực Cảng biển Trần Đề, huyện Trần Đề.

Tại tỉnh Ninh Thuận, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành thả khoảng 41.000 cá giống bao gồm các loại cá: trắm, trôi, mè, chép và cá lăng ra khu vực hồ Sông Cái thuộc địa bàn hai xã Phước Hòa, Phước Tân (huyện Bác Ái). Các loại cá giống được thả đã được tuyển chọn, khỏe mạnh, ngoại hình đồng đều, không dị tật. Đồng thời, các loại cá giống được thả là các loại cá truyền thống, dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên của hồ chứa, có thể sinh trưởng và sinh sản để bổ sung vào nguồn cá tự nhiên tại hồ.

Tỉnh Bạc Liêu thả hơn 6 triệu con tôm giống ra biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản

Tỉnh Bạc Liêu thả hơn 6 triệu con tôm giống ra biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản

Còn ở tỉnh Bạc Liêu, tại cửa biển Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức thả hơn 6 triệu con tôm giống ra biển. Nguồn tôm giống này trị giá gần 1 tỉ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu vận động các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống tài trợ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Trung Hiếu, những năm gần đây với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại tỉnh đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nhận thức của người dân, nhất là ngư dân ven biển về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái đã được nâng lên. Nhờ vậy, tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản từng bước được kiểm soát, ngăn chặn.

“Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các biện pháp siết chặt công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc sử dụng các ngư cụ khai thác, xung điện bắt một cách hủy diệt làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản”, ông Hiếu cho biết.

Tương tự, đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cho biết, thông qua hoạt động này, ngành nông nghiệp tỉnh kêu gọi người dân thay đổi, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên và tham gia khai thác có chọn lọc, không sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện,… để khai thác thủy sản nhằm bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, góp phần tái tạo và bổ sung giống vào các thủy vực tự nhiên.

Thanh Xuân

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tha-tom-ca-giong-de-phuc-hoi-tai-tao-nguon-loi-thuy-san-76460.html