Thạch Hà, Hà Tĩnh: Dân điêu đứng vì cá nuôi lồng bè chết bất thường cả trăm tấn sau lũ

Sau lũ, người dân Hà Tĩnh đang phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề. Hàng nghìn hecta lúa vụ Hè - Thu bị mất trắng, cùng với đó là việc các hộ dân nuôi cá lồng bè lại phải điêu đứng vì hơn 100 tấn cá bỗng nhiên chết bất thường.

Lực lượng chức năng kiểm tra tình hình cá chết. Ảnh: Sơn Nguyễn

Lực lượng chức năng kiểm tra tình hình cá chết. Ảnh: Sơn Nguyễn

Người dân hoang mang

Chỉ sau một đêm, hàng chục hộ dân nuôi cá lồng bè ở xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) bàng hoàng phát hiện cá chết hàng loạt, nổi trắng hồ, chưa rõ nguyên nhân. Ông Nguyễn Tiến Lục (trú tại thôn Song Hải, xã Thạch Sơn) cho biết: "Vào khoảng 1h sáng 9/9, khi tôi ra thăm lồng cá thì phát hiện cá chết bất thường. Chỉ sau hơn 3 tiếng, toàn bộ 2 lồng với 12 ô cá của gia đình tôi chết không còn một con. Cá tôi đã nuôi được 2 - 3 năm, nặng 3kg/con. Dự tính chuẩn bị xuất cá ra thị trường thì bất ngờ chết đồng loạt. Gia đình tôi coi như trắng tay. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xảy ra sự việc như vậy. Bao nhiêu vốn đều đổ dồn vào vụ cá này mong thu hoạch dịp Tết, vậy mà đột nhiên cá chết bất thường như vậy chúng tôi không biết lấy gì trang trải tiền giống cá, thức ăn...".

Cùng chung tâm trạng, ông Nguyễn Hữu Hùng (ở thôn Song Hải) chia sẻ: "Gia đình tôi bị chết khoảng hơn 500kg cá vược, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Toàn bộ số cá trên gia đình tôi nuôi hơn 1 năm, chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Giá thị trường hiện nay, cá vược nuôi được bán khoảng 170.000 -180.000 đồng/kg. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ nguyên nhân tình trạng này để giúp người dân yên tâm sống với nghề nuôi cá. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi chắc phá sản mất".

Theo một số nhận định của người nuôi cá, khả năng do trong thời gian mưa lũ kéo dài, lưu lượng nước ngọt và bèo số lượng đổ về lớn, trong khi cống bara Đò Diệm mở cao nhất khiến cho cá bị thay đổi môi trường đột ngột nên xảy ra tình trạng cá chết như vậy.

Là hộ nuôi nhiều cá nhất, Ông Lưu Văn Sum (ở thôn Tiến Hưng) buồn bã chia sẻ: "Gia đình tôi nuôi 2.000 con cá chẽm đang đến kỳ thu hoạch. Những lồng cá này được nuôi cách đây 2 năm, thậm chí có lồng gần 4 năm. Theo ước tính trung bình mỗi con đã hơn 1kg, có lứa 3 - 4kg, gia đình tôi thiệt hại hơn 300 triệu đồng".

Theo thống kê sợ bộ, tại địa bàn xã Thạch Sơn có 54 hộ bị thiệt hại với khoảng 100 tấn, giá trị thiệt hại ước tính trên 12 tỷ đồng. Qua kiểm tra các vùng xung quanh lưu vực sông đoạn nuôi lồng cho thấy, có hiện tượng cá tự nhiên chết rải rác..

Trong khi đó, tại xã Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà) có 8 hộ thiệt hại với số cá chết là 2.630 con (kích cỡ cá từ 1-2kg), ước tính sản lượng khoảng 4 - 4,5 tấn, giá trị thiệt hại khoảng 450 - 500 triệu đồng.

Ở xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) có 15 hộ có cá bị chết (kích cỡ cá khoảng 1kg) với số lượng 12 tấn, còn tại xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Xuyên) có 9 hộ, số cá chết là 10 tấn.

Truy tìm nguyên nhân cá chết

Người dân hoang mang vì cá đột nhiên chết hàng loạt.

Người dân hoang mang vì cá đột nhiên chết hàng loạt.

Sau khi nhận được thông tin, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã có mặt để lấy mẫu cá, mẫu nước và quan trắc môi trường để xác định nguyên nhân. Lãnh đạo huyện Thạch Hà đã chỉ đạo chính quyền địa phương nghiêm cấm việc bán cá ra thị trường trong thời điểm này; đồng thời tiến hành thống kê cụ thể số hộ nuôi, số lượng cá trước và sau khi chết.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: "Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng, lấy mẫu nước và mẫu cá gửi đi phân tích để xác định nguyên nhân cá chết".

Theo ông Nguyễn Công Hoàng - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có tổng diện tích nuôi cá lồng bè là 229 lồng, nằm chủ yếu ở vùng ven sông. Mặc dù các ngành chức năng đang lấy mẫu nước, mẫu cá để phân tích và chưa có kết quả nhưng theo đánh giá chuyên môn, hiện tượng cá chết hàng loạt có thể là do mưa lũ, nước bị ngọt hóa nhanh khiến cho môi trường thay đổi đột ngột, cá bị sốc nước.

Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cũng đã có văn bản hướng dẫn các biện pháp xử lý tại các vùng nuôi cá lồng bị thiệt hại. Trong đó yêu cầu thực hiện các biện pháp như: Thu gom cá chết xử lý, chôn cất đúng nơi quy định, không vứt cá chết ra môi trường. Tuyệt đối không được bán, không dùng cá chết làm thực phẩm cho người và động vật khi chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn. Đưa lồng bè lên vệ sinh, phơi lồng khử trùng. Tạm dừng các hoạt động thả nuôi cá vào thời điểm hiện tại.

Sơn Nguyễn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thach-ha-ha-tinh-dan-dieu-dung-vi-ca-nuoi-long-be-chet-bat-thuong-ca-tram-tan-sau-lu-20190913180429165.htm