Thạch Thành tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây nên, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân, ngay từ đầu năm, UBND huyện Thạch Thành đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người năm 2024. Theo đó, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Phun hóa chất khử khuẩn phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ ở khu phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân.

Phun hóa chất khử khuẩn phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ ở khu phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 950 ca mắc cúm, 28 ca thủy đậu, 7 ca sốt xuất huyết, 2 ca viêm não do virut, 8 ca chân tay miệng, 2 ca ho gà, 2 ca sởi... Dự báo trong thời gian tới, tình hình thời tiết mưa nắng thất thường sẽ là yếu tố nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tiếp tục tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý ổ dịch, phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng trên địa bàn. Trung tâm Y tế huyện đã chuẩn bị sẵn thuốc, vật tư, hóa chất và nhân lực để sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thanh khiết môi trường. Tại các trạm y tế cũng đã chuẩn bị đầy đủ, đặc biệt là tại các trạm hay bị ngập lụt.

Tại thị trấn Kim Tân, do nằm ngoại đê nên mỗi khi nước sông Bưởi dâng cao, tràn vào nhà dân là các hộ dân ở khu phố Ngọc Bồ, lại phải sống chung với cảnh ngập lụt. Chị Đinh Thị Quỳnh, ở khu phố Ngọc Bồ, chia sẻ: "Nhà tôi thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa bão đến và do ở khu vực thấp nên thời gian bị ngập lâu hơn. Đợt mưa lụt vừa qua, sau khi nước rút, được cán bộ, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, hướng dẫn phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mùa mưa bão nên gia đình tôi và những người dân trong khu phố đã ổn định cuộc sống sau lũ, một số bệnh ngoài da, đau mắt đỏ cũng được điều trị kịp thời".

Tại xã Thành Mỹ, do ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 3, toàn xã có 72 hộ dân bị nước ngập vào nhà từ 0,5-1,2m. Ngay sau khi nước lũ rút, Trạm Y tế xã Thành Mỹ đã huy động lực lượng cán bộ, y bác sĩ cùng Nhân dân thau rửa giếng khơi bằng hóa chất, vận động Nhân dân thu dọn đồ đạc, vệ sinh môi trường, phòng chống các dịch bệnh sau lũ thường gặp như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết...

Trao đổi với Bác sĩ CKII Đặng Văn Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành, được biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn điều tra, giám sát những ca bệnh mắc mới, hướng dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng, vệ sinh môi trường... để phòng bệnh và tránh lây lan trong cộng đồng. Cùng với đó, trung tâm thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện dịch, nhận báo cáo dịch bệnh từ xã lên cấp trên đúng quy định. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, như: sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng; chủ động tham mưu cho UBND các cấp kiện toàn lại ban chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong đợt mưa lũ vừa qua, Trung tâm Y tế huyện đã thành lập các tổ xuống các địa bàn, phối hợp cùng trạm y tế và người dân khẩn trương thu gom, xử lý rác thải, san gạt bùn đất, vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm; hướng dẫn người dân cách xử lý nguồn nước, tiến hành thau rửa và khử trùng giếng khơi, bể chứa, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân; cấp hơn 125 kg Cloramin B, 100 kg phèn chua, 16 lít hóa chất phun khử khuẩn và các phương tiện, trang thiết bị cho 8 xã, thị trấn có nhiều hộ dân bị ngập lụt để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường đạt hiệu quả cao nhất.

Để công tác phòng, chống dịch, bệnh trên địa bàn huyện được triển khai có hiệu quả, Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành tiếp tục tăng cường phối hợp với các ban, ngành có liên quan tham mưu cho UBND cấp huyện, xã trong công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn huyện. Kiện toàn và duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, đẩy mạnh hoạt động của các tiểu ban phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm tại các tuyến. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền vận động Nhân dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để nâng cao miễn dịch; hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cách ly điều trị, phòng, chống lây nhiễm và xử lý ổ dịch kịp thời; thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình đề xuất UBND huyện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện tốt công tác điều tra dịch tễ các ca bệnh; tăng cường công tác giám sát bệnh chủ động, giám sát trọng điểm theo các chỉ số giám sát cảnh báo, để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, có biện pháp xử lý ca bệnh, khoanh vùng xử lý ổ dịch triệt để và điều trị kịp thời, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát diện rộng trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thach-thanh-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-228500.htm