Thách thức cản bước các lãnh đạo cánh tả ở Mỹ Latinh

Những lãnh đạo cánh tả lên nắm quyền tại Mỹ Latinh sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán để bảo đảm ổn định chính trị, tăng trưởng cao thời gian tới.

Liệu Tổng thống Gustavo Petro có thể đưa Colombia ‘tăng tốc’ về phát triển kinh tế? (Nguồn: Colprensa)

Liệu Tổng thống Gustavo Petro có thể đưa Colombia ‘tăng tốc’ về phát triển kinh tế? (Nguồn: Colprensa)

Ngày 7/8, ông Gustavo Petro đã trở thành Tổng thống Colombia. Như vậy, 5/6 nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh đều có lãnh đạo phe cánh tả. Nếu bầu cử tháng 10 của Brazil phản ánh chân thực kết quả thăm dò dư luận, con số này sẽ có thể là 6.

Song, ông Petro và đồng nghiệp cánh tả tại Mỹ Latinh sẽ phải đối mặt nhiều thách thức như: tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, tham nhũng tràn lan, bất bình đẳng thu nhập ngày càng lớn, hệ thống y tế - giáo dục còn yếu và cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Riêng với Colombia, đó còn là bài toán về tình trạng tàn phá rừng Amazon và quan hệ phức tạp với chính quyền Venezuela của Tổng thống Nicolas Maduro.

Khi đó, ông Petro có thể học hỏi từ đồng nghiệp khác ở Chile, Peru và Argentina.

Đầu tiên, kết quả bầu cử không phải là chiến thắng của một hệ tư tưởng hay thể hiện hoài niệm của các cử tri về chính sách kinh tế tập trung những năm 2000. Thay vì tìm kiếm ý tưởng mới, người dân Mỹ Latinh lại có xu hướng bỏ phiếu để bày tỏ thái độ với chính quyền đương nhiệm, đồng thời đặt kỳ vọng cao cho người kế cận.

Với người dân, kết quả là điều quan trọng nhất. Do đó, “kỳ trăng mật” của lãnh đạo tại đây không kéo dài: Tỷ lệ ủng hộ tổng thống Chile, Peru hay Argentina giảm mạnh chỉ sau vài tháng vì chưa thỏa mãn các cử tri thiếu kiên nhẫn.

Bài học thứ hai là tìm kiếm liên minh chính trị rộng và bền vững, nhằm đem tới thay đổi mang tính cấu trúc cần thiết với khu vực như cải cách thuế. Đơn cử, Tổng thống Chile Gariel Boric, người đánh mất không ít sự ủng hộ của cử tri sau nỗ lực xây dựng hiến pháp mới gây tranh cãi với nhiều rủi ro về kinh tế.

Hiện ông Gustavo Petro đã cho thấy quan điểm thực dụng hơn khi tham gia đàm phán và tìm kiếm sự ủng hộ từ nhiều đảng phải khác nhau tại Quốc hội, đồng thời bổ nhiệm nhà kinh tế có uy tín José Antonio Ocampo làm Bộ trưởng Tài chính.

Cuối cùng, tăng trưởng mạnh, bền vững là yếu tố then chốt trong nỗ lực xây dựng một cộng đồng công bằng và bao trùm mà ông Petro và các cộng sự cam kết. Tuy nhiên, mong muốn này sẽ đòi hỏi Colombia cần có một lực lượng lao động được đào tạo kỹ càng, với tay nghề cao, môi trường kinh doanh thuận lợi, bộ máy tư pháp hiệu quả và hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chuẩn của thế kỷ XXI.

Ngoài ra, Mỹ Latinh đang đứng ở vị trí thuận lợi để khai thác cơ hội tăng trưởng hiếm có như xu hướng chuyển sản xuất về gần (nearshoring) của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào một quốc gia nhất định. Đồng thời, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào tại khu vực có thể góp phần giải quyết vấn đề lương thực toàn cầu và tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trên thế giới.

Song, kịch bản này sẽ chỉ trở thành hiện thực với các chính sách hỗ trợ kịp thời. Trước đó, các chính quyền một số nước Mỹ Latinh thường tập trung tăng chi tiêu công ngắn hạn thay vì hướng tới tăng trưởng bền vững, đồng thời cung cấp hỗ trợ xã hội, tăng lương tạm thời với mục đích chính trị hơn là xây dựng một hệ thống dịch vụ công chất lượng, hiệu quả.

Colombia, dưới sự lãnh đạo của ông Gustavo Petro, có thể trở thành một ngoại lệ. Tập đoàn JP Morgan (Mỹ) dự báo tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ có thể lên tới 7,2% trong năm nay, cao nhất trong số các nền kinh tế lớn tại khu vực. Thử thách với nhà lãnh đạo mới của Colombia và các đồng nghiệp cánh tả khác tại đây sẽ không nằm ở chương trình phúc lợi xã hội quy mô lớn hay chiến thắng chính trị mà đến từ việc duy trì, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững tại khu vực.

(theo Financial Times)

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thach-thuc-can-buoc-cac-lanh-dao-canh-ta-o-my-latinh-193906.html