Thách thức rời Nga của các công ty phương Tây

Nếu muốn rời khỏi Nga, các doanh nghiệp phương Tây bắt buộc phải giảm giá 50% giá bán tài sản và chịu 10% thuế, hãng tin RT (Nga) trích dẫn.

Kể từ tháng 12/2022, Bộ Tài chính Nga đã công bố một số biện pháp chống lại các nhà đầu tư từ "các quốc gia không thân thiện" bán tài sản, trong đó có chiết khấu 50% trên giá bán và đánh thuế 10%.

Các công ty phương Tây muốn rời khỏi Nga đã phải đối mặt với chi phí gia tăng khi Moscow yêu cầu mức chiết khấu lớn hơn đối với tài sản mà họ muốn bán, Reuters đưa tin hôm thứ Sáu, trích dẫn những người hiểu biết về vấn đề này.

 Ảnh minh họa: RT.

Ảnh minh họa: RT.

Theo đó, phân tích của hãng thông tấn này chỉ ra rằng các công ty đã bị thiệt hại hơn 80 tỷ USD từ các hoạt động ở Nga do bị ghi giảm và mất doanh thu.

Ngoài ra, báo cáo chỉ ra rằng Moscow đã yêu cầu giảm giá 50% cho tất cả các giao dịch nước ngoài cũng như đóng góp cho ngân sách Nga ít nhất 10% thuế giá bán. Các nguồn tin của Reuters cho biết một số thương vụ đang phải đối mặt với yêu cầu giảm giá thêm trước khi Chính phủ “bật đèn xanh”.

Bộ Tài chính nước này lưu ý rằng Bộ kinh tế và ngân hàng Trung ương Nga cũng đã tham gia vào việc đánh giá các doanh nghiệp và có thể thực hiện “điều chỉnh” về giá bán.

Aleksey Kupriyanov từ Aspring Capital, người đã tư vấn cho hàng chục thương vụ, nói với Reuters rằng cuộc di cư của các công ty là một vận may lớn đối với các doanh nhân Nga, cũng như các đối thủ và đối tác kinh doanh cũ của các công ty phương Tây.

Theo các nhà phân tích của Đại học Yale, sau khi bắt đầu hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine, hơn 1.000 công ty phương Tây đã rời khỏi thị trường Nga do bị áp lực bởi các lệnh trừng phạt. Kết quả là Nga buộc phải chuyển hướng sang các đối tác ngoài phương Tây, nổi bật nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.

Bloomberb nhận định quá trình rời Nga cũng tương đối phức tạp và mất nhiều thời gian. 4 ngày sau khi giao tranh diễn ra, gã khổng lồ năng lượng Shell tuyên bố họ sẽ rời khỏi Nga và bán gần 27,5% cổ phần của mình trong cơ sở sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2, thuộc tập đoàn Novatek, ở vùng Viễn Đông với giá 1,6 tỷ USD.

Hồi đầu tháng 4, truyền thông Nga đưa tin Tổng thống Putin chỉ cho phép Shell nhận lại 1,2 tỷ USD từ việc bán cổ phần tại cơ sở Sakhalin-2.

"Ngay cả khi các công ty bán được tài sản ở Nga, họ cũng không thể tùy ý đưa tiền ra khỏi nước này", chuyên gia Fedyakov từ công ty nghiên cứu thị trường INFOLine, nói.

Mới đây, Heineken, hãng bia lớn nhì thế giới đã chấp nhận rời đi với khoản lỗ có thể lên tới 300 triệu euro (324,8 triệu USD). Mảng kinh doanh của Heineken tại đây sẽ được bán cho Arnest Group (Nga).

Lê Na (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thach-thuc-roi-nga-cua-cac-cong-ty-phuong-tay-post262138.html