Thách thức trong đảm bảo bình đẳng giới tại Ủy ban châu Âu

Nhiều năm qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại cơ quan này thông qua nhiều kế hoạch hành động. Tuy nhiên, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hiện đang đối mặt thách thức trong lĩnh vực này.

 Chủ tịch EC Ursula von der Leyen (giữa) và các thành viên Ủy ban châu Âu

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen (giữa) và các thành viên Ủy ban châu Âu

Giảm nhân sự nữ từ vòng đề cử

Trong 5 năm của nhiệm kỳ đầu tiên, bà Ursula von der Leyen được ca ngợi là người tiên phong về bình đẳng giới khi thiết lập cân bằng giữa nam và nữ trong số 27 ủy viên EC. Bà von der Leyen đã thành công trong việc giảm tỷ lệ mất cân bằng nội bộ xuống còn 14 nam và 13 nữ.

Sự lãnh đạo của bà von der Leyen để lập ủy ban làm việc cân bằng về giới tính được đánh giá là một bước đột phá. Nó đặt ra tiêu chuẩn mới cho công tác quản lý trong Liên minh châu Âu (EU), cũng như hình ảnh mà khối này thể hiện qua các giá trị như hòa nhập và đa dạng trên bình diện quốc tế.

Vì thế, EU được coi là nhóm quốc gia tiến bộ nhất trong vấn đề giới mặc dù tới cuối những năm 1980, quyền lãnh đạo EU vẫn là "câu lạc bộ" dành riêng cho nam.

Sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch EC nhiệm kỳ hai, bà Ursula von der Leyen tiếp tục theo đuổi giấc mơ cân bằng về giới trong đội ngũ các quan chức cấp cao của EU. Tuy nhiên, mục tiêu này hiện khó đạt được khi các yêu cầu của bà bị hầu hết nước thành viên phớt lờ.

Mặc dù đã yêu cầu các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đề cử cả nam và nữ ứng cử viên, nhưng phần lớn các quốc gia vẫn chỉ gửi đề cử nam giới. Đến nay, trong số 21 ứng viên đã được công bố có 16 ứng cử viên nam, chỉ có 5 ứng cử viên nữ.

Trong số các nữ ứng cử viên, chỉ có 2 người giữ vai trò quan trọng trong cơ quan điều hành của EU, gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách chính sách đối ngoại.

Với tình hình hiện tại, nhiều khả năng trong tổng số 27 ủy viên châu Âu chỉ có 7 nữ (gồm cả Chủ tịch Ursula von der Leyen), tức chỉ chiếm khoảng 26%. Đây là một sự thụt lùi đáng kể so với nhiệm kỳ trước. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với cam kết của EU đạt được bình đẳng giới ở tất cả các cấp lãnh đạo vào cuối năm 2024.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen

Giới phân tích cho biết, vấn đề đối với bà von der Leyen hiện nay là không có nhiều lựa chọn để buộc các quốc gia thành viên cùng đạt mục tiêu bình đẳng giới. Một trong những giải pháp bà có thể chọn là phủ quyết những người được đề cử, nhưng đó là điều chưa từng có và cần lý do chính đáng.

Động thái kiên quyết như vậy cũng bị cảnh báo khơi mào mâu thuẫn giữa EC với chính phủ các nước thành viên, gây khó cho việc hợp tác trong 5 năm tới.

Chủ tịch von der Leyen chưa công khai bình luận việc các yêu cầu của bà bị phớt lờ. Nhưng theo người phát ngôn của EU Arianna Podesta, bà vẫn đang làm mọi thứ trong khả năng để có nhóm làm việc cân bằng về giới cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Thay vì tham gia các cuộc đấu khẩu công khai, bà dường như đang vận động sau hậu trường để thuyết phục các nước thành viên. Chẳng hạn như trường hợp Romania, nước này đã đổi ứng cử viên nam thành phụ nữ vào phút cuối. Trước đó, truyền thông địa phương tiết lộ Chính phủ Malta đã chịu áp lực từ Chủ tịch EC để thay đổi người được đề cử.

Bà von der Leyen gửi thông điệp tới các nước EU thông qua thực tế phụ nữ đang được trao những vị trí quyền lực hơn trong khối.

Được biết, một trong những ghế quan trọng nhất là đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh đang do phụ nữ đảm nhiệm, cụ thể là Thủ tướng Estonia Kaja Kallas được chọn thay nhà ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borrell hồi tháng 6. Nữ chính trị gia người Malta Roberta Metsola cũng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 trong cuộc bầu cử chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP).

Quyền hạn của Nghị viện châu Âu

Một công cụ khác để thúc đẩy bình đẳng giới là quyền hạn của EP. Sau khi nhận được các đề cử từ các quốc gia thành viên, bà Ursula von der Leyen sẽ phân công các lĩnh vực trách nhiệm. Tiếp theo, các ứng viên sẽ phải trải qua các buổi điều trần tại EP. Cơ quan này sẽ xem xét kỹ lưỡng và có thể từ chối những ứng cử viên được cho là không đạt yêu cầu.

Một phiên họp Nghị viện châu Âu

Một phiên họp Nghị viện châu Âu

Các quy định nội bộ của EP yêu cầu các nghị sĩ đặc biệt chú ý vấn đề bình đẳng giới trong quá trình điều trần của các ứng cử viên. Những ứng cử viên bị cho là "yếu" có thể sẽ bị từ chối, đặc biệt là nếu quốc gia của họ không đề cử ứng viên nữ. Điều này sẽ buộc các chính phủ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi chọn người thay thế.

Hiện Tổ chức Vận động Phụ nữ châu Âu hy vọng EP, vốn có quyền phủ quyết các đề cử nhưng không đề xuất các ủy viên, sẽ thể hiện tiếng nói của mình. "Chúng tôi tin tưởng bà von der Leyen và EP sẽ chứng minh cho các quốc gia thành viên thấy rằng ban lãnh đạo EU không còn là câu lạc bộ của nam giới nữa", người phát ngôn Mirta Baselovic của Tổ chức Vận động Phụ nữ châu Âu bày tỏ.

Giới quan sát cho rằng trong bối cảnh khó đạt mục tiêu bình đẳng giới ở cấp cao, bà Ursula von der Leyen trước hết có thể tập trung thúc đẩy bình đẳng giới ở các cấp quản lý tầm trung trong EC, một mục tiêu khả thi mà bà có thể đạt được trong 5 năm tới.

Bên cạnh đó, với ngân sách 140 tỷ euro mỗi năm, các quan chức cấp cao cho biết EU cần tập trung tốt hơn vào việc thúc đẩy bình đẳng giới trong cuộc cải tổ sắp tới. Theo bà Lina Gálvez - Chủ tịch mới được bầu của Ủy ban bình đẳng giới, việc tiếp tục thực hiện ngân sách giới và đưa nó lên cấp chính trị cao nhất là một trong những thách thức chính cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Mặc dù chi tiêu ngân sách tăng đáng kể so với những năm trước, chỉ có 11% ngân sách EU chi vào năm 2023 đóng góp vào việc thúc đẩy bình đẳng giới, tương đương khoảng 48 tỷ euro.

Các chuyên gia đã xác nhận rằng chi tiêu của EU cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng. Ví dụ, một ngân sách có nhạy cảm giới sẽ tính đến các khía cạnh như công việc chăm sóc không được trả lương, một công việc mà 4 trong 5 phụ nữ làm hàng ngày ở EU, so với chưa đến một nửa nam giới.

Điều đó ảnh hưởng đến việc làm chính thức của phụ nữ trên thị trường lao động. Theo nghiên cứu của cơ quan EU, việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng bình quân đầu người lên tới 9,6% và tạo ra thêm tới 10,5 triệu việc làm vào năm 2050.

Nguồn: Politico, Euro News

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thach-thuc-trong-dam-bao-binh-dang-gioi-tai-uy-ban-chau-au-20240924110146895.htm