Thách thức trong kiểm soát rủi ro từ tiền chất nhập khẩu

Nhu cầu xuất nhập khẩu hóa chất, tiền chất trong các hoạt động kinh tế ngày càng tăng nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Giải quyết tình trạng này, ngành Hải quan xác định, công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất, tiền chất đảm bảo chặt chẽ để kiểm soát rủi ro từ mặt hàng này, đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phân loại mẫu hàng hóa tại phòng thí nghiệm của Cục Kiểm định Hải quan. Ảnh Đỗ Quang

Phân loại mẫu hàng hóa tại phòng thí nghiệm của Cục Kiểm định Hải quan. Ảnh Đỗ Quang

Lượng nhập khẩu ngày càng cao

Hóa chất, tiền chất là đối tượng hàng hóa phức tạp, nhiều chủng loại khác nhau. Theo danh sách được pháp luật hiện hành quy định có 42 tiền chất công nghiệp nhóm 1 (các hóa chất thiết yếu được sử dụng trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy) và 18 tiền chất công nghiệp nhóm 2 (các hóa chất được sử dụng làm chất phản ứng hoặc làm dung môi trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy). Nhưng trong thực tế, rất nhiều loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có tiềm ẩn chứa các tiền chất ma túy.

Theo quy định pháp luật, trường hợp chứa trên 1% tiền chất công nghiệp nhóm 1 và trên 5% tiền chất công nghiệp nhóm 2 phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu và quản lý chính sách theo quy định. Do vậy, việc hiểu được bản chất hàng hóa, các thành phần, hàm lượng, để đối chiếu với quy định xác định có hay không thuộc đối tượng quản lý về chính sách là rất quan trọng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất trên toàn quốc phát sinh tại 20 Cục Hải quan địa phương với khoảng 700 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan. Các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất công nghiệp tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp và khu chế xuất. Cụ thể, năm 2023, khối lượng hóa chất là tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần nhập khẩu là hơn 400.000 tấn và hơn 7 triệu lít, trong đó nhập khẩu tại chỗ là 18.000 tấn và hơn 230.000 lít; khối lượng xuất khẩu là gần 70.000 tấn và hơn 22.000 lít, trong đó xuất khẩu tại chỗ là 14.000 tấn và hơn 22.000 lít.

Nửa đầu năm 2024, khối lượng hóa chất là tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần nhập khẩu là gần 250.000 tấn, nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 và hơn 2,4 triệu lít, ít hơn khoảng 600.000 lít so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu ghi nhận 34.000 tấn, ít hơn 6.000 tấn so với cùng kỳ năm 2023 và hơn 20.000 lít, nhiều gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Các loại hóa chất, tiền chất được sử dụng trong các hoạt động sản xuất keo dán, sơn công nghiệp, sản xuất nhựa, da giày, dệt nhuộm, xử lý nước, chất tẩy rửa… Tuy nhiên, không loại trừ nguy cơ các loại tiền chất này được lạm dụng vào các mục đích bất hợp pháp do tiền chất là các loại hóa chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất, điều chế ma túy.

Cần nội luật hóa công tác kiểm định hải quan

Với thực tế nhu cầu xuất nhập khẩu hóa chất, tiền chất trong các hoạt động kinh tế ngày càng tăng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngành Hải quan xác định, công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất, tiền chất đảm bảo sự chặt chẽ để có thể kiểm soát rủi ro từ mặt hàng này, nhưng đồng thời cũng phải hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để làm được điều này, vai trò của công tác kiểm định hải quan là hết sức quan trọng bởi đây là đơn vị nghiệp vụ có chuyên môn sâu về hóa chất, thương phẩm học. Ngoài việc sử dụng trang thiết bị phân tích để xác định được thành phần, bản chất của hàng hóa, Cục Kiểm định Hải quan còn có thể phân tích dữ liệu thông tin trên hệ thống nghiệp vụ ngành để xác định được bản chất hàng hóa, dự đoán hàng hóa nào có nguy cơ cao phải kiểm soát về tiền chất ma túy, tham mưu lãnh đạo Tổng cục Hải quan để kiểm soát hàng hóa.

Thực tế trong những năm qua, theo bà Lê Thị Kim Loan - Phó Trưởng phòng Kiểm định, Cục Kiểm định Hải quan, Tổng cục Hải quan, đơn vị đã phát hiện nhiều chủng loại hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp qua công tác phân tích, kiểm định hàng hóa bằng trang thiết bị. Theo đó, đã ban hành khoảng 100 thông báo kết quả chứa tiền chất công nghiệp chủ yếu là các tiền chất: aceton, toluene, methyl ethyl keton, axit acetic, axit hydrochloric, axit sulfuric, axit formic có trong hàng hóa khai báo hỗn hợp dung môi hữu cơ, chế phẩm làm sạch; polymer, keo trong dung môi hữu cơ, chế phẩm mạ; hỗn hợp hóa chất khác. Một số trường hợp hàng hóa khai báo chứa tiền chất thuộc nhóm 2, hàm lượng dưới 5%, thực tế phân tích hàm lượng tiền chất trên 5% thuộc đối tượng phải có giấy phép nhập khẩu.

Kết quả phân tích, kiểm định là cơ sở để đơn vị yêu cầu kiểm định đối chiếu với các nội dung khai báo tại tờ khai hải quan để tiếp tục xử lý theo quy định. Ngoài ra, qua công tác kiểm tra nội bộ, Cục Kiểm định Hải quan đã phát hiện một số đối tượng hàng hóa chứa tiền chất và đề nghị đơn vị được kiểm tra, rà soát lại để xác định có hay không thuộc đối tượng quản lý về chính sách theo quy định.

Mặc dù vậy, công tác kiểm định hải quan vẫn chưa được nội luật hóa trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một việc khó. Do đó, bà Lê Thị Kim Loan kiến nghị Tổng cục Hải quan quan tâm để nội luật hóa công tác kiểm định hải quan trong văn bản quy phạm pháp luật, để Cục Kiểm định Hải quan có cơ sở triển khai công tác kiểm tra về Hải quan, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các quy định Việt Nam đã ký kết các công ước quốc tế và theo quy định của bộ, ngành.

Hàng năm, Tổng cục Hải quan đều ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ các loại hóa chất là tiền chất ma túy. Song, khó khăn trong công tác phân tích, kiểm định tiền chất là quy định thay đổi liên tục, đòi hỏi các đơn vị cập nhật và phổ biến để nắm bắt triển khai kịp thời. Hàng hóa chứa tiền chất thì đa dạng và phức tạp gồm nhiều chủng loại, trong khi văn bản quy định chưa rõ và chưa bao quát được hết dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan hải quan.

Khu trú những loại hóa chất có nguy cơ cao để tập trung quản lý

Theo ông Nguyễn Ngọc Huân - Cục trưởng Cục Hải quan Long An, với số lượng hóa chất, tiền chất xuất nhập khẩu rất lớn, trong khi yêu cầu quản lý ngày càng phải thông thoáng và tạo thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế, cần khu trú lại tất cả những loại hóa chất có nguy cơ cao có thể sản xuất các loại ma túy hoặc chất gây nghiện để tập trung quản lý. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phân loại các mặt hàng hóa chất theo mức độ rủi ro tại từng thời điểm nhất định.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thach-thuc-trong-kiem-soat-rui-ro-tu-tien-chat-nhap-khau-157094-157094.html