Thách thức trong ngành vật liệu xây dựng
Những năm gần đây, nhiều loại vật liệu xây dựng mới (VLXDM) đã được sản xuất để đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình xanh, thân thiện với môi trường.
Nhưng theo đánh giá các loại VLXD mới chưa thể tự điều tiết được thị trường so với VLXD truyền thống, nên việc sử dụng VLXD mới trong xây dựng vẫn còn gặp nhiều thách thức.
Thách thức trong sử dụng VLXD mới
Từ khi Nghị định 24a/2016/NĐ-CP được ban hành, có quy định nhóm VLXDM được xác định là những loại VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, bao gồm vật liệu xây không nung (VLXKN), vật liệu xây dựng được sản xuất từ việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu hoặc nhiên liệu, vật liệu xây dựng có tính năng tiết kiệm năng lượng vượt trội so với vật liệu cùng chủng loại. Những sản phẩm này được gọi chung là vật liệu xây dựng thân thiện, hoặc vật liệu xây dựng xanh.
Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Lê Văn Tới cho biết, những năm gần đây, vấn đề tiêu thụ VLXKN đã đạt mục tiêu tại Quyết định 567/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sử dụng VLXKN bình quân trên cả nước đã đạt 21% tổng số các loại vật liệu xây (Chương trình đề ra mục tiêu là 20%).
Số liệu từ Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), trong năm 2017, lượng VLXKN được đưa vào sử dụng cũng đã tăng thêm. Năm 2017, tỷ lệ sử dụng VLXKN trung bình cả nước đạt trên 27%. Riêng 9 tháng đầu năm 2018 tỷ lệ này đạt trên 30%. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng VLXKN loại nhẹ vẫn còn thấp, mới đạt khoảng 8 - 9% trên tổng số VLXKN (mục tiêu đề ra là trên 20%).
Theo ông Lê Văn Tới, việc sử dụng VLXDM trong còn nhiều khó khăn, thách thức là do quá trình phát triển công trình xây dựng xanh chưa được quan tâm đúng mức cả về góc độ quản lý Nhà nước và hoạt động doanh nghiệp. Cùng với đó, do người dân chưa có thói quen trong sử dụng VLXDM, phía doanh nghiệp chậm đổi mới, đầu tư dây chuyền sản xuất mới do những lợi ích mà sản phẩm VLXD truyền thống vẫn chiếm ưu thế. “Khi chuyển đổi sang VLXDM, đặc biệt là VLXKN và vật liệu nhẹ thì phải có sự đồng bộ cả về quy trình sản xuất và sử dụng. Trong khi sự đồng bộ mới đang cần tích cực để hoàn thiện, thì sự đồng bộ cũ vẫn níu kéo mọi lực lượng quay trở về với VLXD truyền thống” - ông Lê Văn Tới nói.
Cần cơ chế cho doanh nghiệp phát triển
Cũng theo Lâm Văn Tới, giải pháp để tăng cường sử dụng VLXDM trong xây dựng các công trình cần phải thực hiện hiệu quả các cơ chế cho doanh nghiệp phát triển. Những đơn vị đầu tiên thực hiện việc này đó là các doanh nghiệp phát triển nhà ở tại các đô thị, Nhà nước cần khuyến khích đầu tư theo hướng công trình xanh.
Đối với các sản phẩm VLXKN, ngoài tính năng vượt trội khác như nhẹ, dễ xây, tạo tính công nghiệp hóa cao trong sản xuất và sử dụng, có độ cách âm lớn, độ truyền nhiệt rất thấp. Đặc biệt độ truyền nhiệt thấp giúp tòa nhà có thể tiết kiệm tới 40% năng lượng để sưởi nóng vào mùa đông và làm mát vào mùa hè.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng VLXD thân thiên. Đặc biệt đối với công trình “xanh” cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể. Có chế tài xử lý hành chính đối với các chủ thể xây dựng không thực hiện quy định sử dụng VLXDM.
Ngoài ra, cần được quan tâm hơn đến công tác về đào tạo chuyên ngành xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng vật liệu xây dựng mới; công bố rộng rãi những hiệu quả thực tế của công trình sử dụng VLXDM để người dân và doanh nghiệp hình thành thói quen thay thế VLXD cũ bằng các loại VLXDM trong các công trình xây dựng.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thach-thuc-trong-nganh-vat-lieu-xay-dung-327837.html