Thách thức về nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp
Thách thức lớn đối với xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Nhật là những yêu cầu rất cao về bảo vệ môi trường, tài nguyên và trách nhiệm xã hội. Bởi vậy sản phẩm gỗ xuất khẩu phải tuân thủ rất nhiều đòi hỏi về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu hợp pháp.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), với việc tham gia CPTPP, một số hiệp định thương mại tự do, ngành gỗ cả nước đang đứng trước cơ hội vàng để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng cũng như nguồn gốc gỗ hợp pháp đang là vấn đề được các DN xuất khẩu gỗ trong nước quan tâm. Bởi vậy, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh.
Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho thấy, năm 2018 khối lượng tiêu thụ gỗ nguyên liệu nước ta đạt khoảng 35 triệu m3 từ nhiều nguồn như: gỗ khai thác rừng trồng trong nước, gỗ khai thác vườn nhà, gỗ cao su... Trong tháng 5/2019, ước tính khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc đạt khoảng 23.600 ha, tương ứng sản lượng 1,63 triệu m3. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, khai thác khoảng 108.000 ha, ước đạt 7,86 triệu m3, tương đương 40,3% kế hoạch năm 2019, tăng 5,2% so với cùng kỳ 2018. Đồng thời, ngành gỗ vẫn phải nhập khẩu hơn 8 triệu m3 gỗ nguyên liệu.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 5/2019 của Việt Nam ước đạt 959 triệu USD, qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 4,258 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ đạt khoảng 4,014 tỷ USD, chiếm trên 94%. Xuất siêu lâm sản đạt 3,241 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu lâm sản hiện nay của Việt Nam chủ yếu vẫn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87% tổng kim ngạch. Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi 2 Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới là FTA Việt Nam-EU và CPTPP có hiệu lực. Trong đó, CPTPP trước mắt sẽ cho Việt Nam cơ hội ngay lập tức tiếp cận sâu rộng vào các thị trường như Canada, Peru và Mexico.
Thách thức lớn đối với xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Nhật là những yêu cầu rất cao về bảo vệ môi trường, tài nguyên và trách nhiệm xã hội. Bởi vậy sản phẩm gỗ xuất khẩu phải tuân thủ rất nhiều đòi hỏi về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu hợp pháp.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), năm 2018 gỗ nguyên liệu từ trồng rừng của Việt Nam đã cung cấp 80% nhu cầu cho ngành chế biến gỗ, nhưng để xây dựng được nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định và đảm bảo được chất lượng thì cần có chiến lược phát triển nguồn trên cả nước..
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Viforest cho rằng, ngành chế biến gỗ phát triển đang đòi hỏi nguồn cung nguyên liệu gỗ ngày càng tăng. Tuy nhiên, chỉ có đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gỗ hợp pháp mới có thể tăng cơ hội xuất khẩu vào các thị trường đầy tiềm năng.
Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU được ký kết và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019 sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu gỗ vào thị trường EU. Hiện EU đang là thị trường nhập khẩu gỗ lớn thứ 4 của Việt Nam. Những năm gần đây, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này luôn chiếm tỷ trọng 13-17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ. Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, để thực hiện hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành một hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS).
Theo mục tiêu của Chỉ thị số 08/CT-TTg của Chính phủ: Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD; từng bước tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thach-thuc-ve-nguon-go-nguyen-lieu-hop-phap-88689.html